Đến xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), hỏi về ông Nguyễn Tấn Sáu hầu như ai cũng biết.
Ông Sáu được người dân ở xã quý mến bởi không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn đi đầu trong việc tham gia các phong trào ở địa phương. Nhiều câu chuyện về ông được người dân nơi đây kể cho tôi bằng sự ngưỡng mộ.
Trang trại của ông Sáu nằm bên tuyến tỉnh lộ chạy qua thôn Triều Dương, xã Phong Hiền. Khu trang trại được quy hoạch, đầu tư bài bản, gồm các khu vực nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao, nuôi cá, trồng bưởi, trồng dừa… “Tôi ra đây làm từ năm 2017, sau khi được huyện cấp đất thực hiện dự án. Vốn đầu tư lúc đó khoảng 3 tỷ đồng, về sau ngày càng mở rộng quy mô nên đến nay tiền đầu tư đã lên đến khoảng 10 tỷ đồng”, ông Sáu vừa kể vừa dẫn tôi đi tham quan khu trang trại.
Trước khi đầu tư làm ăn lớn bằng mô hình nông nghiệp, ông Sáu từng là làm nghề buôn bán. Ông “đụng gì buôn đó”, từ buôn nông sản, vật tư chăn nuôi cho đến buôn cây cảnh. Sau khi tích cóp được số vốn từ nghề buôn bán, ông vay thêm vốn và lập thủ tục thuê 5ha đất cát ở thôn Triều Dương để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp theo mô hình vườn- ao- chuồng.
“Trước khi đầu tư mô hình trang trại, tôi đã có nhiều năm mở đại lý vật tư chăn nuôi. Theo thời gian, các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân giảm dần do không có lợi nhuận, tôi quyết định phải chuyển đổi theo hướng tự cung tự cấp vật tư chăn nuôi bằng việc đầu tư trang trại. Từ đó thức ăn tại đại lý vật tư chăn nuôi chủ yếu được tôi dùng để cung cấp trong trang trại”, ông Sáu kể.
Trang trại của ông Sáu đang nuôi 20.000 con gà đẻ trứng, 8 hồ và bể nuôi các loài cá lóc, cá ba sa, cá rô đầu vuông, cùng với đó là nhiều diện tích đất dùng để bưởi da xanh, trồng dừa. Mỗi tháng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt tại trang trại đưa lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Mô hình nuôi gà đẻ trứng được thực hiện theo hướng an toàn sinh học là mô hình chủ đạo tại trang trại. Hiện 20.000 con gà đẻ trứng tại trang trại mỗi ngày đẻ 16.000 -17.000 quả trứng. Với giá bán dao động trên thị trường dao động từ 2.300-2.400 đồng/quả trứng, mỗi năm mô hình nuôi gà của ông cho lợi nhuận từ 1,6-1,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các ao, bể nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông và cá ba sa mỗi năm cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể nguồn thu khá lớn từ các loại cây trồng tại trang trại, trong đó hàng trăm gốc bưởi da xanh đã cho quả đưa về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Khi được hỏi về bí quyết phát triển kinh tế trang trại cho hiệu quả kinh tế cao, ông Sáu bảo, để thành công với kinh tế trang trại thì phải biết áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng. Trang trại của ông có cán bộ kỹ thuật theo dõi, giám sát vật nuôi và cây trồng để không xảy ra dịch bệnh.
Ông cũng luôn nghiên cứu để áp dụng công nghệ cao vào các mô hình tại trang trại để bảo đảm cho hiệu qủa cao nhất. Việc xây dựng uy tín, thương hiệu sản phẩm cũng được ông chú trọng nên nông sản tại trang trại của ông luôn được thị trường tin dùng.
“Muốn thành công cần dám nghĩ dám làm, nhưng cũng phải tỉnh táo, phải nắm bắt được xu hướng của thị trường. Thực tế không ít người mở trang trại, thấy ban đầu ăn nên làm ra nên đầu tư mở rộng mô hình một cách không tính toán, không dự báo được thị trường nên sau đó “lỗ sạch gạch”, phá sản”, ông Sáu chia sẻ.
Hiện trang trại của ông Sáu tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập từ 7,5 – 10 triệu đồng/người/tháng, chưa tính lao động thời vụ.
Với mô hình kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao, những năm qua ông Sáu đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Ông được Chủ tịch UBND xã Phong Hiền khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2018-2021.
Giai đoạn 2017-2022, ông được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Năm nay ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen và vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Sáu còn có nhiều đóng góp trong các phong trào ở địa phương, nhất là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Vào thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát, gia đình ông đã tích cực hỗ trợ vật chất cho công tác phòng chống dịch. Trong đó, gia đình ông hỗ trợ đồng bào vùng dịch ở miền Nam nhiều tạ gạo cùng thực phẩm để vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.
Hàng năm, vào dịp Tết, gia đình ông trích một nguồn kinh phí để tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, ông tặng 151 suất quà trị giá 22.650.000 đồng cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phong Hiền. Ông và gia đình luôn gần gũi với bà con lối xóm, được người dân tin yêu, quý mến, gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Ông Hoàng Thanh Lương- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Hiền cho biết: Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trong những năm qua, Hội Nông dân xã Phong Hiền đã triển khai sâu rộng cho cán bộ, hội viên và nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bình quân hàng năm có trên 68% hội viên nông dân cuả toàn xã đăng ký danh hiệu.
Thông qua phong trào đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Đến nay toàn xã có 189 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Ngoài hộ ông Sáu, ở xã còn có 3 hộ từng đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 12 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 30 hộ đạt danh hiệu cấp huyện và hơn 140 hộ đạt danh hiệu cấp xã.
Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giúp nhiều hộ khó khăn ở địa phương vươn lên thoát nghèo…
Nguồn: Dân Việt (link)