Đinh A Ngưi- một chàng trai chân đất bước ra từ làng mà làm nên điều cả tỉnh chưa ai làm được: Đưa mô hình du lịch cộng đồng về làng, không chỉ góp phần giúp bà con đuổi nghèo mà còn bảo tồn di sản văn hóa cha ông…
Bị vợ bỏ vì… mê “chuyện trên trời” !
Nghe tin A Ngưi vay tiền ngân hàng để làm căn nhà sàn 500 triệu đồng cho khách ngủ lại, người làng K’Yang ai cũng cười thầm: “Học nhiều chữ quá cái đầu thằng Ngưi bị khùng. Ngoài Plei Ku khách sạn đi lạc cả chân; nhà hàng món ăn ngon không đếm hết, người ta không ăn chơi lại chui về cái làng buồn hiu này để ăn củ mì chắc? Nó mơ chuyện trên trời, thế nào cũng bị nhà nước bắt tù vì mắc nợ cho coi…”
Người ngoài nói, Ngưi cứ như người bị điếc nhưng trong nhà thì cái tai không tránh đi đâu được. Đầu tiên là cha mẹ Ngưi. Nhà nghèo, 4 đứa con, nuôi “nó” học đến Trung cấp văn hóa cũng là nhất làng rồi. Thế mà đi làm Nhà nước được mấy năm “nó” lại đòi đi đại học với cái lý “phải học lên nữa mới biết cách làm ăn, mới thoát nghèo được”. Vậy là lại phải bấm bụng nuôi nó học tiếp.
Cứ tưởng “cách làm ăn” thế nào, ai ngờ “nó” lại bày “chuyện khùng” thế này… “Thôi được, có vợ con rồi thì phải biết lo thân, từ nay chúng tao mặc xác” – cha mẹ thẳng thừng tuyên bố như một sự đoạn tuyệt…
Người già cố chấp, quen theo cái cũ ông bà đã một lẽ, thế nhưng vợ Ngưi, mặc dù đêm nào Ngưi cũng tỉ tê thuyết phục – xa thì dẫn trên tivi chuyện đồng bào dân tộc các tỉnh phía Bắc nhờ làm du lịch mà thoát được nghèo; gần thì phân tích cho hiểu xã Kông Lơng Khơng này là quê hương Anh hùng Núp, làng kháng chiến Stơ còn đó với bao sự tích anh hùng.
Huyện KBang này lại có nhiều rừng nhất tỉnh, có hàng chục ngọn thác lớn bé, hầu hết vẫn nguyên sơ dưới tán rừng. Người Kông Lơng Khơng từ đan lát, dệt vải đến đánh cồng chiêng, Hơ a mon (kể khan)… không thứ gì không giỏi. Chẳng những thế lại có đội chiêng nữ độc nhất không làng nào có.
“Vàng rơi” đấy! Chỉ cần biết cách nhặt thì hết nghèo khó gì. Mà cách thì Ngưi đã có rồi. Bốn năm đại học được trang bị kiến thức, nhất là được dịp quen biết nhiều bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh làm du lịch.
Chẳng thế khi nghe Ngưi nói ý định mở tour du lịch ở làng thì ai cũng ủng hộ. Có người còn hứa sẽ giúp vốn, liên kết đưa khách đến… Chuyện rõ là mới mở tour mấy tháng mà đã có kha khá khách. Được trải nghiệm tìm mật ong rừng, tắm thác, câu cá suối, xem cồng chiêng khách thú lắm, nhưng khi họ hỏi đến nơi ăn, chỗ ngủ thì không biết làm sao.
Rõ là nếu cứ làm ăn kiểu “cò con”, chỉ tổ chức tour trải nghiệm mà không cầm chân được khách thì không những “ráo mồ hôi hết ăn” mà còn nguy cơ mất khách. Phải tổ chức thành mô hình “du lịch cộng đồng” thì mới phát huy được hết vốn quý của ông bà , giúp đỡ được dân làng. Muốn vậy phải có chỗ ăn, ở cho khách đàng hoàng; cách tổ chức phải bài bản, không thể theo kiểu “hội làng” được…
Rõ ràng, rành rẽ cái lý như thế, vậy mà tai vợ Ngưi vẫn cứ nghe người ngoài. Cái ý nghĩ Ngưi mà bị bắt tù, không chỉ mình phải đền nợ cho ngân hàng mà còn cả họ hàng cũng phải bị phạt vẫn cứ chất cao mãi lên. Cho đến một hôm vợ nói thẳng là không còn muốn ở chung với con người mà cứ thấy mặt là lo…
Nhìn 2 đứa con trai đứa mới lớp 3, đứa mặc áo cúc chưa biết cài mà đã thiếu bàn tay mẹ, lòng Ngưi đau như ai cầm dao cứa. Nhưng đã quá mệt mỏi vì bao nhiêu lần giải thích, níu kéo vẫn như nước đổ mái tranh, Ngưi đành nhận nuôi cả 2 con để vợ về nhà mẹ đẻ…
Sau cú sốc như bị ném đá vào đầu ấy, làng K’Yang ai cũng tưởng Ngưi hết “mơ chuyện trên trời” nào ngờ lại thấy “nó” hăng thêm. Huy động thêm vốn bạn bè, Ngưi mua đất, thuê người làm “Làng du lịch văn hóa” rộng tới 3 ha; có cây nêu, tượng nhà mồ, nhà nghỉ, chòi rẫy, cây ăn trái… hết tới 5 tỉ đồng.
Lại còn thấy Ngưi chọn 30 thanh niên trong xã gửi đi đào tạo nghề làm du lịch, hỗ trợ tiền ăn ở cho họ. Các nghệ nhân đời sống khó khăn, Ngưi mua bò cho gia đình nuôi rẽ; cho bán đồ đan lát, trang phục truyền thống tại cửa hàng khu du lịch.
Ngưi còn hô hào mọi người tìm sâm dây, cây “thuốc khỏe” – thứ ngày xưa cho cũng chẳng ai buồn lấy về trồng, hứa sẽ mua hết… Bàn tán mỏi miệng cũng không hiểu được “chuyện trên trời” của Ngưi về đâu, thôi đành bấm bụng chờ xem vậy…
Niềm vui đến với mọi nhà
Kể một mạch cho tôi nghe xong trường đoạn khởi nghiệp gian nan, A Ngưi chợt lặng đi. Tôi hiểu nỗi buồn hãy còn vương vất trong lòng chàng trai Bah Nar chưa tan hết. Vẫn biết ở làng dám làm một điều gì mới mẻ, dù chỉ giản đơn cũng đã là điều không dễ. Kiên định với một ý tưởng táo bạo, đưa nó về đích càng thấy nghị lực của “chàng trai chân đất” đi ra từ làng này lớn đến nhường nào…
“Tháng 5/ 2019, lúc nhà nghỉ đã hoàn chỉnh, mọi việc đã chuẩn bị xong, gánh nặng đè lên vai suốt 3 năm được cởi, cháu bắt đầu đón khách lưu trú “– giọng A Ngưi chợt hào hứng hẵn lên.
Giá phòng nghỉ qua đêm, kể cả ăn chỉ 150 – 200 ngàn đồng. Món ăn chủ yếu là cơm lam, gà nướng truyền thống của người Bah Nar. Khách cũng có thể chọn các món bình dân 50 – 80 ngàn đồng/suất.
Nếu khách yêu cầu đốt lửa trại, biểu diễn cồng chiêng thì giá mỗi suất diễn là 2 triệu đồng… Bản sắc dân tộc “nguyên chất” từ món ăn đến nơi ở, giá lại rẻ, khách từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung tìm đến tấp nập.
Lịch đón khách của Ngưi gần như ngày nào cũng kín. Nửa năm sau, dù ảnh hưởng dịch Covid 19, chỉ riêng dịp lễ 30 tháng 4, Ngưi cũng đã đón được 10 đoàn… Năm 2021 ảnh hưởng của dịch Covid nặng nề hơn, trong khi du lịch nhiều nơi lâm vào tình cảnh lao đao thì Ngưi cũng đón được hơn 100 đoàn khách từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Ngưi còn liên kết với các hợp tác xã ở Gia Lai – Kon Tum bán sâm Ngọc Linh, mật ong rừng qua mạng, nhờ vậy vẫn giữ được cơ sở mình đứng vững.
Đến cuối năm 2022, khi dịch Covid lắng xuống cũng là lúc việc đón khách được khởi động trở lại. Cao điểm là các tháng đầu năm 2023. Có tháng Ngưi đón đến hơn 300 lượt khách…Từ sự đinh ninh rằng “mơ chuyện trên trời” thế nào Ngưi cũng bị “bắt tù” rồi thấy “nó” vẫn đứng vững, lại mỗi ngày một nhiều khách đến; những người đi làm cho “nó” có tiền, giờ thì người ta tranh nhau xin làm.
Một cuộc “sắp xếp lại lực lượng” được Ngưi tiến hành theo hướng “chuyên môn hóa” : 2 đội cồng chiêng, 1 đội đi tuor, 1 đội dệt, 1 đội đan lát, 1 đội ẩm thực. Người phục vụ ăn uống, Ngưi trả công 150 ngàn/ngày; người làm hướng dẫn viên chính: 1 triệu đồng/ tour. Người dẫn khách đi trải nghiệm 800 ngàn đến 1 triệu đồng /tour.
Đến nay, ngoài 30 người qua đào tạo nghiệp vụ du lịch được Ngưi trả lương thường xuyên, khoảng 200 người các làng trong xã đã được Ngưi tạo công ăn việc làm dưới nhiều hình thức. Riêng làng K’Yang của Ngưi đã có trên 100 hộ. Thu nhập của họ tùy lượng khách, dao động từ 3 – 5 triệu đồng/ tháng.
Riêng những người làm công việc hướng dẫn tour, đưa khách đi trải nghiệm như A Bình, A Huy tháng có khách nhiều, họ có thể kiếm được tới 15 triệu đồng… Bây giờ thì chuyện xấu hổ với Ngưi, người mạnh miệng cũng không muốn nhắc lại, chỉ còn biết rơi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Chẳng nói nhờ Ngưi mà có người chỉ “dẫn khách đi chơi” một tháng cũng bằng công làm rẫy cả năm, chuyện gì bây giờ cũng có thể ra tiền được cả.
Người sắm cồng chiêng, xưa có gặp đám ma, đám hội chỉ cho mượn không. Hiếm hoi được huyện, tỉnh mời đi biểu diễn thì mới có tiền, mà cũng chẳng là bao. Nay biểu diễn một suất, mỗi người cũng được gần 150 ngàn. Ngạc nhiên hơn là những thứ như cái nỏ, cái gùi, tẩu thuốc…xưa làm ra chỉ để dùng hoặc đem cho, giờ cũng bán được tiền.
Đến như bộ quần áo dân tộc, xưa chỉ mang ra mặc dịp hội hè rồi cất, giờ chỉ cho khách thuê mặc chụp hình mỗi lượt cũng được 40 ngàn… Người trẻ có việc đã đành, người già cũng có việc.
Mừng nhất là những người như ông Chram. Đã hơn 70 mùa rẫy, biết đến 36 Hơ Amon ( trường ca ) nhưng xưa nay ông cũng chỉ kể không công cho dân làng nghe chơi. Nay thì khác, có A Ngưi nghiễm nhiên ông trở thành “của hiếm”…
Chẳng nói những người có việc, người tưởng không liên quan gì cũng nhờ Ngưi trong đó. Con gà, bó rau, cả củ mì, củ khoai mang bán cho Ngưi, so với gùi ra chợ cũng đắt hơn… góp phần giúp bà con đuổi nghèo, điều có ý nghĩa hơn với Ngưi là giữ gìn được vốn văn hóa quý giá của ông bà.
Trước, cán bộ luôn kêu gọi “bảo tồn bản sắc văn hóa”. Nghe thì nghe, biết cũng biết nhưng rồi người ta vẫn cứ mang cồng chiêng đi bán. Cái xe máy, tivi dẫu sao cũng thiết thực hơn. Nay thì chẳng cần kêu gọi, chẳng ai bán chiêng đã đành mà còn có 4 nhà sắm thêm. Rồi việc tập đánh chiêng, múa xoang, dệt vải chẳng cần ai đứng ra tổ chức, người ta cũng cứ tự lập nhóm học với nhau… Lại cũng nhờ Ngưi đưa về nghề du lịch mà nếp sống của mọi làng văn minh hẳn.
Bao đời nay hễ cứ đi vệ sinh thì cứ chạy ra rừng, bây giờ thì nhà nào cũng học theo Ngưi xây nhà vệ sinh, làm nhà tắm; lại đào cả hố đổ rác, trồng hoa…Những việc chưa từng này bà con đều làm một cách tự giác, vì lẽ ai cũng hiểu làng càng sạch, đẹp thì càng có nhiều khách đến; càng mau đuổi được nghèo…
“Cháu đang chuẩn bị thành lập hợp tác xã; phấn đấu mỗi năm phải kiếm được 1 tỉ đồng” – A Ngưi kết thúc câu chuyện.
“1 tỉ đồng, đồng bào dân tộc cả tỉnh này ai đã làm được số tiền ấy?”
Lặng đi vì thêm một sự thán phục trong lòng, tôi chỉ còn biết khen vuốt: ” Cháu có tài làm ăn lớn đấy, chú chúc mừng “. A Ngưi cười khiêm tốn “Tài gì đâu chú, điều kiện như xã Kông Lơng Khơng này các nơi người ta còn làm tốt hơn thế. Cháu đang cố gắng học theo thôi mà…”
Nguồn: Dân Việt (link)