Ốc nhồi là loại thực phẩm dễ chế biến, dễ ăn nên được nhiều người ưa thích. Trước đây loài ốc này sinh sản và phát triển nhiều ở điều kiện tự nhiên.
Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, điều kiện tự nhiên thay đổi một phần do bị bắt nhiều nên loài ốc này ngày càng trở lên khan hiếm. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi ngày càng lớn, gia đình anh Nguyễn Văn Hoàn và vợ là chị Lê Thị Chinh ở Thanh Mai, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang đã mạnh dạn nuôi ốc nhồi đem lại thành công ngoài mong đợi.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hoàn cho biết, gia đình đã nuôi ốc nhồi được khoảng 6 năm, với diện tích nuôi 5 sào, mỗi năm thu được hơn 1 tấn ốc thương phẩm.
Hiệu quả kinh tế nuôi ốc mang lại tương đối tốt nên năm nay mở rộng diện tích lên gấp đôi. Hiện, với 01 mẫu ao chia thành từng ao nhỏ, mỗi ao khoảng gần 2 sào, nuôi ốc thịt và ốc sinh sản.
Được biết, quy trình nuôi thả ốc nhồi hoàn toàn tự nhiên, vì vậy, ao nuôi ốc cũng không cần kiên cố như nuôi các loại thủy sản khác. Thời gian nuôi khoảng 3-4 tháng cho thu hoạch. Thức ăn cung cấp cho ốc hết sức phong phú và dễ kiếm trong tự nhiên như lá sắn, bèo cái, xơ mít, đu đủ, cây khoai nước, các loại rau củ, quả thực phẩm. Tùy từng quy mô số lượng con nuôi, khoảng 3 đến 4 ngày người nuôi mới phải cho bổ sung thức ăn. Đặc biệt, người nuôi cần phải cần thận và tỷ mỉ trong khâu theo dõi môi trường ao nuôi.
Theo chị Chinh, nông dân nuôi ốc nhồi ở Thanh Mai, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), từ khi thả ốc nhồi giống đến khi thu hoạch khoảng 3-4 tháng.
Để đem lại hiệu quả kinh tế cao, trước khi nuôi ốc nhồi, ao nuôi cần phải vệ sinh sạch sẽ, khử vôi, khử trùng rồi mới thả giống. Môi trường ao nuôi là yếu tố quan trọng, quyết định tỷ lệ sống của ốc. Định kỳ, mỗi tháng phải xử lý ao nuôi hai lần bằng các chế phẩm sinh học học men vi sinh.
Cần phát quang bụi rậm xung quanh bờ ao, tránh chuột làm tổ và thuận lợi trong quá trình chăm sóc. Quanh bờ ao nên thả thêm bèo tây để làm mát và tạo chỗ bám cho ốc. Đặc biệt, vào mùa đông lạnh những loại cây này sẽ giúp ao nuôi được ấm áp và nơi trú ẩn cho ốc.
Với tư duy nhạy bén, không lệ/ thuộc vào thị trường mà chủ động nuôi ốc nhồi sinh sản để đảm bảo nguồn giống gối lứa, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa kiểm soát được dịch bệnh, năm nay, gia đình chị Chinh được chọn là điểm thực hiện nuôi thử nghiệm ốc nhồi sinh sản do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố là chủ đầu tư. Ngoài việc chủ động giống cho để nuôi anh chị còn nhân giống để bán cho người dân trong và ngoài vùng.
Theo chị Chinh, với ao nuôi ốc nhồi sinh sản người nuôi nên thả lục bình gần bờ để ốc thuận tiện lên bờ đẻ trứng.
Ốc nhồi đẻ trứng vào ban đêm. Sau khi ốc đẻ trứng từ 8-12 giờ, vỏ trứng đã cứng cần phải đi nhặt trứng, rửa sạch sau đó cho vào ấp.
Thời gian ấp từ 13-18 ngày, trứng ốc sẽ nở ra ốc con. Trong quá trình ấp trứng cần duy trì độ ẩm cho trứng bằng cách sử dụng bình phun nước dạng sương mù phun trực tiếp lên tổ trứng từ 1-3 lần/ngày tùy thuộc vào giai đoạn ấp và thời tiết; cần che tối buồng trứng, không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp lên trứng ốc vì nếu ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ làm tỉ lệ nở giảm xuống.
Sau thời gian ấp trứng từ 13-18 ngày, trứng ốc bắt đầu nở thành ốc con. Từ khi thả ốc giống đến khi thu hoạch 3-4 tháng, thu hoạch theo hình thức tỉa dần, con to đạt trọng lượng thu trước.
Thu hoạch ốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, lúc này ốc nổi lên trên đi tìm ăn nên rất dễ bắt. Người nuôi có thể bớt lại những con to, khỏe mạnh để làm ốc bố mẹ sinh sản cho vụ sau. Một năm có thể nuôi được 4 lứa ốc nếu có giống để gối vụ.
Trung bình ốc thương phẩm được giá bán 70 nghìn đồng/kg tại ao, ốc giống 3 triệu đồng/1 vạn con giống, theo tính toán của mỗi năm đem lại lợi nhuận khoảng 350-400 triệu đồng. Đặc biệt, thời tiết vào mùa đông lượng ốc thương phẩm tiêu thụ nhiều hơn, giá bán cao hơn và rất dễ bán, chị Chinh cho biết.
Ngoài việc chăn nuôi thủy sản, gia đình anh Hoàn, chị Chinh còn trồng 2,5 mẫu dưa hấu, vừa để tăng thu nhập, đồng thời tận dụng những quả dưa loại có thể làm thức ăn cho ốc, lá dưa hấu làm thức ăn cho cá trắm cỏ.
Để có được thành công trong nuôi ốc nhồi, gia đình anh Hoàn chị Chinh cũng đã trải qua những thất bại ở những năm nuôi đầu tiên.
Chị Chinh chia sẻ, “cách đây 6 năm, khi mới học tập nuôi ốc nhồi, gia đình đầu tư 6 triệu đồng tiền ốc giống về nuôi, do kinh nghiệm chăm sóc không có, thực tế chưa nhiều nên ốc đã chết hàng loạt.
Tiếp theo đó, gia đình lại đầu tư thêm 2 triệu đồng mua thêm ốc giống nhưng lần này cũng thất bại là do khi đó gia đình nuôi ếch thương phẩm, khi ếch bị bệnh có phun thuốc tím, làm ảnh hưởng đến nguồn cỏ là thức ăn của ốc, cuối cùng toàn bộ ao ốc chết sạch”.
Vẫn không nản chí, những năm tiếp theo, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, học hỏi qua sách báo, qua tham quan các mô hình nuôi ốc và đặc biệt anh chị tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông nên kết quả tốt dần lên và có được thành công như ngày nay.
Thấy gia đình chị Lê Thị Chinh nuôi ốc có hiệu quả nhiều người trong và ngoài vùng đã gọi điện thoại, tìm đến học hỏi kinh nghiệm nuôi và mua ốc giống.
Tận dụng những chân ruộng trũng nuôi ốc nhồi khá phù hợp, tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, tạo tính bền vững lâu dài trong chăn nuôi.
Có thể thấy, việc nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi. Cũng từ đó mà nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ mô hình nuôi ốc nhồi hiệu quả.
Nguồn: Dân Việt (link)