Thu tiền tỷ nhờ trồng cam
Những năm qua, trong khi các vùng trồng cam chủ lực ở Nghệ An như huyện Qùy Hợp, Nghĩa Đàn đang bị suy thoái. Thì ở huyện Yên Thành, cây cam lại đang mang lại hiệu quả. Nhiều gia đình thu về tiền tỷ chỉ sau một vụ cam.
Trong đó có gia đình anh Nguyễn Cảnh Hiếu (SN 1980, trú xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Hiện tại anh Hiếu có 3 trại cam được trồng ở xã Xuân Thành và xã Đồng Thành với tổng diện tích 8ha. Trong đó, đã có khoảng 6ha cho thu hoạch.
“Sau khi tìm hiều tôi thấy cây cam rất phù hợp với chất đất ở xã Xuân Thành và Đồng Thành. Cây cam là cây mang lại lợi nhuận rất lớn. Vì thế tôi đã quyết định đầu tư cải tạo đất, để trồng cam. Khó khăn, nhất là nguồn nước tưới cho vườn cam trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè. Vì thế mình phải làm thêm hệ thống tưới phù hợp với từng chân đất. Trung bình 1ha trồng cây cam, tôi đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Sau 4 năm chăm sóc, cây cam sẽ cho trái bói”, anh Hiếu chia sẻ.
Cũng theo anh Nguyễn Cảnh Hiếu cho biết, vụ cam năm 2021, sau khi trừ các chi phí ông cũng đã thu về gần 2 tỷ đồng. Đến vụ cam năm 2022, năng suất cam có giảm chỉ đạt khoảng 60 tấn, với giá bán giao động từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, mang về cho gia đình thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ trồng cây cam gia đình anh Hiếu có của ăn của để, kinh tế khá giả.
Bỏ 400 triệu đồng bao lưới vườn cam, cả làng khen
Những năm gắn bó với cây cam, anh Hiếu cũng như các hộ dân nơi đây luôn cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón hóa học. Thay vào đó, anh thường xuyên sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh. Mặc dù không đạt được năng suất vượt trội nhưng đổi lại cây cam khỏe và chu kỳ cho thu hoạch sẽ kéo dài hơn.
Bên cạnh đó, quả cam sạch luôn được người tiêu dùng đón nhận. Trước ngày thu hoạch, thương lái đã đặt lịch để mua cam khiến ông rất vui mừng. Đầu ra được đảm bảo, anh Hiếu yên tâm canh tác. Lựa chọn những nơi có nguồn giống đảm bảo để mở rộng diện tích.
Tuy nhiên, một số loài côn trùng gây hại như bướm đen, ruồi vàng luôn là cơn ác mộng đối với người trồng cam. Đặc biệt, tại huyện Yên Thành với điều kiện khí hậu phù hợp những loài côn trùng gây hại phát triển mạnh.
Để giảm thiệt hại, anh Hiếu bắt đầu tìm cách để khắc chế các loài côn trùng này. Sau khi đi tham quan, anh quyết định chi hơn 400 triệu đồng mua màn giăng kín vườn cam 4ha của mình ở xã Xuân Thành. Loại màn đặc biệt được anh Hiếu dùng là lưới chắn côn trùng.
Anh Hiếu chia sẻ: “Mình bỏ thêm tiền đầu tư nhưng chắc chắn sẽ thu lại nhiều lợi ích. Vừa ngăn được các loại côn trùng như bướm đen, ruồi vàng… tàn phá cây cam. Để quả cam không bị rụng. Đồng thời, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật cũng như nâng cao năng suất, chất lượng cam”.
Tuy nhiên việc giăng kín 4ha bằng loại lưới này cũng rất kỳ công. Bởi việc giăng lưới phải không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, kết trái của cây cam. Bên cạnh đó phải đảm bảo hiệu quả tối đa khi chắn được côn trùng gây hại.
Sau gần 1 tháng ròng ra, anh Hiếu cùng với nhiều người khác mới giăng xong cái màn khổng lồ. Màn được giăng lên vào khoảng đầu tháng 7 âm lịch, đây là thời điểm quả cam bắt đầu có nước. Thời điểm rất nhạy cảm, quả cam chỉ cần bị côn trùng đốt là sẽ thối rụng, hoặc giảm chất lượng. Màn được giăng lên cho đến hết tháng 1 âm lịch. Sau khi thu hoạch xong, màn được thu lại và vệ sinh sạch sẽ để sang năm lại dùng tiếp.
Anh Nguyễn Cảnh Hiếu chia sẻ, có được thành công như ngày hôm nay, ông cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự giúp đỡ từ các cấp Hội Nông dân. Hội Nông dân huyện, xã đã hỗ trợ giúp ông Hiếu tiếp cận các nguồn vốn vay. Tập huấn kỹ thuật, sử dụng các loại phân vi sinh, chế phẩm sinh học để hạn chế quá trình thoái hóa của cây cam.
Bà Đinh Thị Linh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho biết, cây cam đã khẳng định được hiệu quả kinh tế trên các vùng đất tại huyện Yên Thành. Diện tích trồng cam không ngừng được mở rộng.
Các cấp Hội Nông dân cũng luôn đồng hành với hội viên. Đặc biệt, tập trung vào việc hướng dẫn kỹ thuật, quy trình canh tác, sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh để hạn chế thoái hóa đất. Bên cạnh đó, để các hội viên tiếp cận được những nguồn vốn vay phù hợp tạo động lực để phát triển kinh tế.
Nguồn: Dân Việt (link)