Từ cây sả có tinh dầu thơm, nữ giám đốc HTX ở Hòa Bình tạo vô số việc làm cho dân làng

Nâng cao giá trị cây sả chanh

Người mà chúng tôi nhắc đến là bà Nguyễn Thị Bình (SN 1955, dân tộc Mường, ở phường Thống Nhất, TP. Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình) – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất.

Ở gần cái tuổi gần thất thập, đáng lẽ ra bà Bình đã được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già cùng con cháu, nhưng với niềm đam mê và thấu hiểu nỗi khó khăn của người dân; mong muốn giúp các thành viên trong HTX nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ chính cây sả chanh tại địa phương, nữ Giám đốc U60 đã quyết tâm đồng hành cùng các thành viên, tiếp tục nâng cao giá trị các sản phẩm được chế biến từ cây sả chanh, đặc biệt là tinh dầu sả.

Nữ Giám đốc U60 “tiếp lửa” cho bà con dân tộc thoát nghèo từ cây sả - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP 3 sao tinh dầu sả chanh của HTX Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất. Ảnh: Phạm Hoài.

Qua cuộc trò chuyện với bà Bình, được biết, HTX Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất được thành lập năm 2015 với 20 thành viên. Ban đầu thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn về kinh nghiệm, vốn liếng, cơ sở vật chất thiếu thốn.

Mới đầu, người dân trồng cây sả không nhiều nên bán được giá. Khi giá bán cây sả cao, nhà nào cũng trồng dẫn đến “cung vượt cầu”, khiến nhiều hộ dân được một phen “lao đao” khi không bán được sả, có hộ còn sẵn sàng đốt bỏ cây sả.

Thế nhưng, bằng tư duy nhạy bén của mình, đồng thời qua tìm hiểu và đi học hỏi nhiều nơi, bà Bình đã tìm ra đáp án để giải bài toán về đầu ra sản phẩm cho người dân, đó là chiết suất tinh dầu từ cây sả tươi để bán.

Cứ như vậy, bà Bình tiến hành thu mua hết cây sả của bà con và đem nguyên liệu thuê cơ sở chiết xuất tinh dầu rồi đem đi tiêu thụ, từ đó, đã đưa các thành viên HTX Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất, cũng như người dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, có thu nhập ngày càng ổn định.

Nữ Giám đốc U60 “tiếp lửa” cho bà con dân tộc thoát nghèo từ cây sả - Ảnh 2.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất có 86 thành viên, trong đó 90% là dân tộc thiểu số. Mỗi thành viên có thu nhập trung bình từ 5 – 6 triệu/tháng. Ảnh: NVCC.

Theo bà Bình, năm 2019, ý tưởng “trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường” của bà đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”. Sau khi đoạt giải và tham dự ngày hội khởi nghiệp toàn quốc, ý tưởng của bà đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình tổ chức trao tiền hỗ trợ hơn 150 triệu đồng.

Từ số tiền hỗ trợ cộng vốn góp của các thành viên và số tiền bà vay mượn từ ngân hàng, bà Bình đã tiến hành xây dựng nhà xưởng và đầu tư dây chuyền chưng cất tinh dầu sả hiện đại với tổng chi phí khoảng 500 triệu đồng.

Từ khi có dây chuyền chưng cất tinh dầu, các thành viên HTX đã giảm lao động nặng nhọc, những mẻ tinh dầu chất lượng cũng được tạo ra. Đồng thời, bà Bình cũng chú trọng đầu tư vào nhãn mác, bao bì sản phẩm giúp nâng cao giá trị sản phẩm tinh dầu của mình. Các sản phẩm HTX sản xuất tiêu thụ được nhiều hơn, giúp các thành viên có thu nhập ngày càng ổn định. 

“Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm tinh dầu sả chanh của HTX Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Việc được công nhận sản phẩm OCOP giúp sản phẩm tinh dầu sả chanh của HTX nâng cao giá trị, tạo thương hiệu với người tiêu dùng”, bà Bình cho hay.

Bà Bình cũng cho biết thêm, thời gian tới, bà mong muốn có được sự hỗ trợ của nhà nước để HTX tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nhằm nâng cấp quy trình sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và xúc tiến thương mại, từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thoát nghèo từ cây sả chanh

Được biết, hiện nay, HTX Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất có 86 thành viên, trong đó 90% là dân tộc Dao. Mỗi thành viên có thu nhập trung bình từ 5 – 6 triệu/tháng. Nhiều thành viên trong HTX là hộ nghèo, cận nghèo; trong đó có những hộ đã thoát nghèo từ cây sả chanh.

Trao đổi với phóng viên, chị Triệu Thị Hoa, thành viên HTX Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất bộc bạch: “Tôi là người dân tộc Dao, trước đây gia đình chủ yếu làm ruộng, kinh tế khó khăn. Từ khi tham gia HTX, gia đình tôi được tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư các khoản chi cho sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. 

Cây sả chanh khi trồng được HTX bao tiêu, không lo về đầu ra sản phẩm. Từ khi gắn bó với HTX, gia đình tôi đã sắm được nhiều tiện nghi như ti vi, xe máy; có được khoản tiết kiệm nhỏ, từng bước thoát khỏi hộ nghèo tại địa phương”.

Nữ Giám đốc U60 “tiếp lửa” cho bà con dân tộc thoát nghèo từ cây sả - Ảnh 3.

Nhờ cây sả chanh mà nhiều hộ dân trên địa bàn phường Thống Nhất (TP. Hòa Bình) nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Phạm Hoài.

Chị Nguyễn Thị Tình, thành viên HTX Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất, chia sẻ: Đa số thành viên hợp tác xã đều là đồng bào dân tộc Dao, trong đó có nhiều hộ nghèo. 

Từ khi tham gia HTX, chúng tôi được hỗ trợ vốn, phân bón, cây giống để sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, toàn bộ cây sả chanh và các sản phẩm nông nghiệp của thành viên đều được HTX thu mua, giúp các thành viên có thêm thu nhập, tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu tại quê hương.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thế Đừng, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, TP Hòa Bình, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn phường có gần 150 ha cây sả. 

Nhờ cây sả mà nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, cơ sở chế biến cây sả chanh thành tinh dầu của HTX Nông nghiệp bản Dao – Thống Nhất đang giúp bà con người dân tộc thiểu số thoát nghèo, có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập; đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025



Nguồn: Dân Việt (link)