Rau ngót ngọt như nước ninh xương, dân Hậu Giang trồng dưới tán vườn mít, thêm nuôi dê, ai cũng mê

Điển hình cho mô hình xen canh trồng rau ngót xen canh dưới tán vườn mít, kết hợp nuôi dê là đôi vợ chổng trẻ của chị Đinh Thị Cẩm Loan, ngụ ấp Phú Thọ, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. 

Ra riêng với 6.000m vuông đất, gia đình chị Loan quyết định trồng mít thái, khi mít có trái năm đầu tiên trúng mùa, trúng giá gia đình chị quyết định đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước nhằm giảm công lao động.

Thứ rau ăn ngọt như nước ninh xương, dân Hậu Giang trồng dưới tán vườn mít, kết hợp nuôi dê, hóa ra lại hay - Ảnh 1.

 Chị Đinh Thị Cẩm Loan, nông dân trồng rau ngót xen canh trong vườn mít đang thu hoạch rau ngót chuẩn bị giao cho thương lái. Mô hình trồng rau ngót dưới tán vườn mít ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Thấy đất còn trống cỏ mọc tốn chi phí cắt cỏ, chị tiếp tục cải tạo lại đất và xuống giống cây bồ ngót trồng xen dưới tán cây mít nhằm hạn chế cỏ dại và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

“Bồ ngót là loại cây dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng nơi đây, lại phổ biến trong bữa cơm gia đình, dễ ăn, nhiều chất dinh dưỡng, cây ưa bóng mát nên trồng dưới tán mít rất phù hợp. Bồ ngót không giống các loại rau khác, chỉ cần cải tạo đất, xuống giống 1 lần là có thể thu hoạch nhiều năm”, chị Đinh Thị Cẩm Loan cho biết. 

Sau khi trồng bồ ngót 6 tháng có thu hoạch, số lượng ít chị bỏ mối ở chợ xã cũng đủ chi phí đóng điện nước hàng tháng. 

Đến khi mít thu hoạch trái năm thứ hai, với giá mít bình quân 20.000 đồng/kg, năng suất 4 tấn/6.000m vuông, tổng thu được 80.000.000 đồng, còn riêng rau bồ ngót cắt mỗi ngày 50 kg giá cân tại chỗ là 10.000 đồng/kg mỗi năm thu được 18.000.000 đồng. Tổng thu cả năm từ mô hình trồng rau bồ ngót xen mít là 98.000.000 đồng/năm.

Chị Loan cho biết thêm: “Để vườn rau bồ ngót đạt năng suất, đặc biệt là mùa khô đảm bảo cây phát triển tốt, chị Loan đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, sau mỗi đợt cắt rau thì bón phân, xịt thuốc trừ sâu một lần nhưng chủ yếu sử dụng phân chuồng oai và chế phẩm sinh học đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng uy tín để duy trì lâu dài đầu ra ổn định”. 

Không dừng lại ở đó, giữa năm 2022 gia đình chị Loan được Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành cho dự lớp tập huấn và đi tham quan mô hình chăn nuôi dê tận dụng phế phẩm từ mít, thấy được hiệu quả từ chuyến tham quan gia đình chị Loan tiếp tục đầu tư chuồng trại và 6 con dê giống.

Với sự nhiệt tình hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông địa phương đến nay tổng đàn dê được nâng lên là 12 con. 

Gia đình chị Loan đang áp dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế phẩm từ mít để nuôi dê, lấy phân dê bón lại cho cây trồng, tận dụng mương vườn nuôi thêm cá lóc đạt hiệu quả cao.

Mô hình trồng xen rau bồ ngót mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư ít, không tốn công chăm sóc. Đây cũng là giải pháp thích hợp để lấy ngắn nuôi dài, rất phù hợp với các hộ nông dân ít đất canh tác. 

Hiện tại trong xã mới có 2 mô hình trồng xen bồ ngót dưới tán mít đang có hướng nhân rộng mô hình nếu tìm được đầu ra và giá ổn định”. 

Cán bộ Khuyến nông sẽ hướng dẫn hộ thực hiện đăng ký trên trang Nông Sản Hậu Giang, tạo mã QR và làm nhãn hiệu hàng hóa nhằm giúp người dân chứng minh được rau sạch, an toàn, tiêu thụ ổn định trong thời gian tới.



Nguồn: Dân Việt (link)