Ông Lý Văn Đường, xóm Đồng Chốc, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp. Clip: Hà Thanh
Quyết định chuyển sang nuôi chim bồ câu, thời điểm lúc đầu ông Đường gặp nhiều khó khăn do chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi nên chim chết hàng loạt, có thời điểm mỗi ngày số lượng chim bị chết cho vào vài bao tải.
Nhưng rồi khó khăn cũng không làm ông Đường lùi bước. Dần dần đi sâu vào tìm hiểu đặc tính của loài chim này cũng như các thói quen liên quan, đúc rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, cuối cùng ông đã thành công. Chim bồ câu ông nuôi đã có khả năng kháng bệnh tốt hơn, phát triển ổn định hơn nên ông Đường đã nâng dần số lượng, phát triển với quy mô lớn hơn.
Nhưng đúng lúc mọi thứ đang thuận lợi, khi đàn chim đã phát triển ổn định với số lượng khoảng 500 – 600 đôi, gia đình ông Đường lại vấp phải khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường ngưng đọng, đóng băng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ông không thể tiêu thụ được chim mặc dù đã cố gắng hạ giá hết mức. Vì vậy, ông quyết định bán giá rẻ đàn chim để duy trì nguồn vốn.
Hết dịch bệnh, thị trường bỗng trở nên rộng mở, giá chim bồ câu bỗng nhiên tăng đột biến lên gấp đôi, gấp 3 lần nên ông Đường đã vực lại được vốn đầu tư trước đó. Ông tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển đàn lên số lượng lớn hơn. Hiện với diện tích 600m2 chuồng trại, ông Đường đang duy trì 1.500 đôi chim bồ câu, chủ yếu là chim bồ câu Pháp.
Ban đầu, con giống được ông Đường nhập từ Sóc Sơn, Hà Nội về từ khoảng 2 tháng tuổi. Sau đó, ông nuôi tiếp 6 tháng nữa, chim bồ câu trưởng thành và bắt đầu sinh sản. Nếu chăm sóc tốt, trung bình mỗi năm một chim bồ câu mẹ sẽ đẻ từ 12 – 13 lứa. Sau khi trứng nở ra chim con, khoảng 24 – 25 ngày đối với mùa hè và 27 – 28 ngày đối với mùa đông là đã có thể bắt đầu bán giống. Đối với chim bồ câu bố mẹ có thể khai thác ổn định đến hàng chục năm.
Ông Đường cho biết, nuôi chim bồ câu khó hơn nuôi gà, phải hiểu và nắm chắc về kỹ thuật thì mới có thể nuôi được vì chim bồ câu hay mắc một số bệnh vào mùa đông như thương hàn và Ecoli. Do đó, tháng nào cũng cần tiêm vắc – xin phòng bệnh cho chim để hạn chế tối đa việc chim bị mắc bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, nuôi chim bồ câu lại không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần cho chim ăn ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, mỗi lần dành ra khoảng 1 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, gia đình ông Đường đã đầu tư hệ thống bơm nước tự động nên không cần làm thủ công nên tiết kiệm đáng kể thời gian chăm sóc.
Theo ông Đường, chim bồ câu Pháp có ưu điểm chất lượng thịt thơm, ngon, ngọt, lại bổ dưỡng, trọng lượng trung bình dao động từ 400 – 700g. Đặc biệt, loài chim này có thể chịu được nhiều loại khí hậu khác nhau ất tốt.
Về cơ bản, nuôi chim bồ câu lợi nhuận tương đối cao, thông thường chi phí đầu tư cho chăn nuôi chiếm khoảng 50% còn lại là lợi nhuận. Theo ước tính, mỗi chim bồ câu sẽ tiêu thụ giá trị thức ăn tương ứng khoảng 1.000đ/ngày. Trung bình mỗi tháng gia đình ông Đường xuất bán 1 lần khoảng 1.500 con với giá bán 80.000đ/con.
Hiện tại, thị trường tiêu thụ chim thương phẩm của gia đình ông Đường chủ yếu là địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, ông cũng ký hợp đồng ổn định với các đơn vị tại Hà Nội với số lượng lớn. So với một số mô hình chăn nuôi khác, nuôi chim bồ câu ít rủi ro, giá cả ổn định mà thị trường tiêu thụ dễ dàng.
Đến nay, ông Đường đã có thâm niên hơn chục năm trong việc nuôi chim bồ câu. Chính vì vậy, toàn bộ kỹ thuật chăn nuôi ông đều nắm rõ như trong lòng bàn tay.
Dự định thời gian tới, ông Đường sẽ mở rộng thêm diện tích chăn nuôi chim bồ câu, tiếp tục nhân đàn lên số lượng lớn hơn nữa. Với diện tích chuồng trại như hiện tại, nếu phát triển hết công suất, gia đình ông có thể nuôi tối đa với số lượng 3.500 đôi.
Ông Trần Văn Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hoà khẳng định: Tại Nam Hoà có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế khác nhau. Trước đây, nếu như Nam Hoà chủ yếu phát triển mô hình chăn nuôi gà vì điều kiện tự nhiên nơi đây thuận lợi cho việc phát triển mô hình này thì hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình ông Đường là một trong những hướng đi mới cho các hộ nông dân tại địa phương.
Do đó Hội Nông dân xã Nam Hoà cũng rất quan tâm tới mô hình này. Tuy nhiên, đây cũng là mô hình chăn nuôi đòi hỏi kỹ thuật rất cao, vì vậy để đạt sản lượng như hiện nay cần sự đầu tư rất lớn về công sức và thời gian.
“Mô hình nuôi chim bồ câu này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình ông Đường đang tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng quy mô. Với vai trò của mình, Hội nông dân chúng tôi cũng rất quan tâm và sẽ tạo điều kiện về mọi mặt, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi nhằm tạo điều kiện tốt nhất để gia đình ông Đường phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu cho gia đình cũng như các hộ dân trong địa phương”, ông Phương cam kết.
Nguồn: Dân Việt (link)