Giữa cái lạnh rét buốt dưới 10 độ C của mùa đông nhưng những cây thanh long của HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng vẫn vươn mình với một màu xanh mơn mởn. Có mặt tại vườn thanh long, ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX tự hào khoe với tôi, đó là nhờ bí quyết áp dụng kỹ thuật chong đèn “sưởi ấm” cho cây.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cho biết, thanh long ra trái vụ bán vào dịp Tết có giá 30.000 – 50.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Ngọc.
Ông Thuấn bảo, các thành viên của HTX biết kỹ thuật này nhờ được tập huấn thông qua Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn các tỉnh phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
Trước đây, các hộ trồng thanh long trên địa bàn xã Bạch Đằng chỉ biết dùng thuốc kích thích phân hóa mầm hoa để thanh long ra hoa, đậu quả nhưng khi gặp gió bấc, thời tiết giá lạnh thì hoa rất dễ rụng.
“Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các chuyên gia Dự án, HTX đã áp dụng kỹ thuật dùng bóng đèn chiếu sáng để kích thích thanh long ra hoa, đậu quả trái vụ. Các bóng đèn được giăng mắc đều giữa hai hàng trụ. Mình đặt giữa để ánh sáng tỏa ra, các nhánh thanh long sẽ cho ra trái”, ông Thuấn cho biết.
Cứ khoảng 21h, ông Thuấn sẽ kéo cầu giao cho đèn sáng khoảng 5 giờ đồng hồ. Việc này được chủ vườn thực hiện trong 20-22 ngày rồi dừng.
Khoảng một tuần sau, dây thanh long sẽ nảy nụ nhỏ trên nách gai. Nụ nở thành hoa màu trắng, rồi đóng trái màu xanh. Sau hơn 3 tháng thanh long chín đỏ, nông dân sẽ thu hoạch.
HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương áp dụng chong đèn để kích thanh long ra quả trái vụ. Ảnh: Minh Ngọc
Ông Thuấn cho hay, kết quả thu được ngoài mong đợi khi hơn 800m2 thanh long thử nghiệm chong đèn mặc dù gặp thời tiết giá rét vẫn ra hoa, đậu quả bình thường, thậm chí mẫu mã còn được đánh giá đẹp hơn so với sản phẩm chính vụ.
Theo ông Thuấn, phương pháp chong đèn chi phí không đáng kể vì thời gian thắp sáng chỉ trung bình 5 tiếng/ngày, trong khi kỹ thuật này giúp các hộ tăng thêm 4 đợt thu hoạch trong năm (trước đây 1 năm 7 – 8 đợt thu hoạch, hiện tại tăng lên 11 – 12 đợt).
“Nhờ áp dụng phương pháp chong đèn cho thanh long “đẻ” trái vụ nên giá giá bán cũng cao hơn so với thời điểm chính vụ, bình quân 30.000 đồng/kg, dịp cận Tết có thể tăng lên 40.000 – 50.000 đồng/kg, nên giá trị kinh tế mang lại cho người dân là rất lớn”, ông Thuấn vui mừng cho hay.
Kiểm tra, đánh giá mô hình trồng thanh long ruột đỏ của HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh đã đã ăn thử một trái thanh long được hái ngay tại vườn. “Thanh long có vỏ mỏng, vị rất ngọt, thơm”, ông Thanh nói cảm nhận.
Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh cùng chuyên gia JICA và Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Hải Dương thưởng thức trái thanh long ra trái vụ của HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng ngay tại vườn. Ảnh: Minh Ngọc.
Ông Thanh đánh giá, mục tiêu tập trung nâng cao năng lực cho người sản xuất mà Dự án hướng tới là rất trúng trong giai đoạn hiện nay.
Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, nông dân đủ khả năng làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất, từ đó chủ động thay đổi thói quen canh tác theo hướng an toàn.
Bên cạnh đó, khi yêu cầu của thị trường ngày càng cao, nông dân cần tiếp cận với thị trường, tự mình xây dựng thương hiệu, kênh bán hàng, bán sản phẩm từ khi bắt đầu gieo trồng chứ không đợi đến lúc có thành phẩm mới đôn đáo đi tìm người mua.
Nguồn: Dân Việt (link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen