Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Đăng Thắng – Tổ trưởng Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo, Bí thư Chi bộ xóm Khe Đù (xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Năm 1974 bố mẹ anh từ Hưng Yên lên vùng đất Phúc Thuận, Phổ Yên xây dựng vùng kinh tế mới và là một trong những hộ đầu tiên đặt chân đến vùng đất này.
Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên chuyên nuôi ong lấy mật và bán giống. Clip: Hà Thanh
Để phát triển kinh tế, gia đình anh đã trồng nhiều loại cây ăn quả như nhãn, bưởi, chuối. Sẵn nguồn hoa từ các loại cây ăn quả, gia đình anh và một số hộ trong vùng đã nghĩ đến việc nuôi ong để lấy mật. Đến nay, cả xã có khoảng 40 – 50 hộ phát triển mô hình nuôi ong lấy mật này, tuy nhiên theo anh Thắng, nuôi quy mô lớn thì chỉ có vài hộ.
Gia đình anh Thắng là một trong những hộ nuôi ong mật lâu đời tại địa phương. Trước đây khi rừng tự nhiên còn nhiều, bố mẹ anh đã tận dụng lợi thế này để nuôi ong. Tuy nhiên, trước đây, người dân sử dụng mật ong không phổ biến như hiện nay do kinh tế còn khó khăn nên lượng tiêu thụ ít.
Nhưng vài năm trở lại đây, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao nên việc quan tâm đến sức khoẻ được chú trọng hơn. Bởi vậy, gia đình anh Thắng đã nhân đàn nhiều lên và phổ biến kinh nghiệm, chia sẻ kỹ thuật nuôi ong cho nhiều hộ tại địa phương.
Để nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả, theo anh Thắng, bên cạnh những lợi thế sẵn có thì trong quá trình nuôi cần nắm vững những kiến thức cơ bản về con ong để điều chỉnh cho đúng kỹ thuật.
“Khó khăn đối với nuôi ong lấy mật là chỉ sản xuất theo mùa vụ nên việc thuê nhân công chăm sóc rất khó, nếu có thuê họ cũng không nắm chắc được kỹ thuật để xử lý các bước. Bên cạnh đó, việc phát triển vùng nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do các yếu tố về thời tiết, mật độ dân cư sinh sống sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sức khoẻ của đàn ong”, anh Thắng cho hay.
Anh Thắng chia sẻ, về cơ bản nuôi ong không quá khó, không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc, chỉ cần sát sao, tỉ mỉ, chú ý đến một số bệnh thường gặp của ong và kịp thời xử lý là có thể làm được.
Năm 2019, một số anh em có cùng sở thích nuôi ong với anh Thắng đã ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm và phát triển mô hình nuôi ong. Đến năm 2020, trên cơ sở những hộ nuôi ong đó đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác mật ong Đông Tam Đảo với số lượng 7 thành viên duy trì từ đó đến nay.
Tổng số đàn ong của Tổ hợp tác luôn dao động từ 600 – 1.200 đàn. Trung bình mỗi năm lượng ong giống bán ra khoảng 500 – 600 đàn tuỳ từng thời điểm với giá bán bình quân 200.000đ/cầu (mỗi đàn khoảng 3 cầu ong). Số ong còn lại, tổ hợp tác dùng để khai thác mật.
Anh Thắng cho biết, ở Phúc Thuận có 2 vụ mật chính trong năm đó là vụ mật hoa nhãn từ trung tuần tháng 3 đến trung tuần tháng 4, tuy thời gian ngắn nhưng chất lượng mật lại cao nhất vì có sự kết hợp hài hoà giữa điều kiện thời tiết thổ nhưỡng thích hợp với nguồn phấn hoa tự nhiên từ rừng đã tạo nên vị thơm ngon của mật ong hoa nhãn nơi đây khác biệt so với các vùng khác.
Vụ mật thứ hai là cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 7, vì vụ mật này có sự kết hợp của nhiều loại hoa rừng khác nhau nên thời gian khai thác mật tương đối dài và là mật hoàn toàn tự nhiên. Tuy sản lượng cao hơn nhưng chất lượng mật không được thơm ngon như mật ong hoa nhãn.
Với số lượng đàn ong trên 700 đàn, năm 2023, Tổ hợp tác mật ong Đông Tam Đảo khai thác được khoảng trên 6.000 lít mật ong. Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác đã đăng ký và đã có một sản phẩm mật ong tinh tuý hoa nhãn đạt chứng nhận OCOP 3 vào năm 2020. Đến năm 2023, đơn vị đã làm hồ sơ để công nhận lại OCOP cho sản phẩm này.
Hiện nay, sản phẩm mật ong của Tổ hợp tác có nhiều mức giá khác nhau tuỳ từng mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm với giá bán dao động từ 130.000 – 300.000đ/lít. Trong đó, sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP có giá trị cao nhất.
Đến thời điểm này, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Tổ hợp tác đang có sự cạnh tranh lớn về giá cả với các loại mật ong khác trên thị trường. Tuy nhiên, Tổ hợp tác luôn quan tâm chú trọng đến chất lượng sản phẩm để đưa ra thị trường những sản phẩm uy tín, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Do có lợi thế gần sườn dãy núi Tam Đảo rộng lớn, lại có vùng sản xuất cây ăn quả tập trung mà ít nơi nào có được, vì thế việc bà con trong vùng duy trì phát triển mô hình nuôi ong là rất thuận lợi. Chính vì vậy, địa phương cũng xác định đây sẽ là hướng đi lâu dài giúp duy trì thu nhập ổn định cho người dân.
Để làm được điều đó, Tổ hợp tác có nguyên tắc khắt khe đối với các thành viên đó là mật ong phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng thì mới được tiến hành khai thác để bán ra thị trường, nhằm tạo dựng uy tín và thương hiệu đối với khách hàng.
Trước khi khai thác mật phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các thành viên, đảm bảo chất lượng mới thu hoạch và đưa vào bảo quản theo đúng quy trình đã đặt ra để giữ được chất lượng mật cao nhất.
Với mong muốn phát triển Tổ hợp tác ngày càng lớn mạnh, giúp tạo thu nhập cho nhiều bà con trong vùng, theo anh Thắng, Tổ hợp tác luôn mong muốn kết nạp thêm nhiều thành viên nuôi ong để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong nơi đây ngày càng vươn xa trên thị trường.
“Hiện nay, mô hình kinh tế tập thể đang được nhà nước rất quan tâm phát triển, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, mô hình này cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Bởi vậy, tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp, ngành địa phương quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ các đơn vị kinh tế tập thể, bên cạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, quảng bá, giới thiệu bán sản phẩm cũng tăng cường hơn nữa công tác đào tạo cho những người đứng đầu phụ trách chuyên môn của các HTX, Tổ hợp tác giúp nâng cao trình độ quản lý, quản trị để các mô hình này đạt hiệu quả cao hơn nữa”, anh Thắng bày tỏ.
Ông Lê Vĩnh Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận đánh giá: “Đối với Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo chúng tôi đánh giá từ khi thành lập cho đến nay phát triển rất hiệu quả, tạo được sự liên kết giữa các thành viên cũng như tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều thành viên Tổ hợp tác với thu nhập trung bình từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình phát triển, Tổ hợp tác đã đứng ra thành lập nhãn hiệu sản phẩm và đến nay, sản phẩm của Tổ hợp tác đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao”.
“Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Phúc Thuận mong muốn sẽ được Hội Nông dân và các ban, ngành các cấp hỗ trợ nâng cấp Tổ hợp tác lên thành HTX để mở rộng mô hình, giúp cho Tổ hợp tác phát triển ổn định hơn”, ông Thịnh cho hay.
Nguồn: Dân Việt (link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen