Siêng năng học nghề, nông dân Cần Giờ nuôi tôm trúng liền cả 3 vụ

Nuôi tôm thẻ thâm canh trên ao lót bạt

Cách nay gần 10 năm, ông Thuấn đã mạnh dạn ứng dụng các biện pháp khoa học để nâng cao chất lượng và năng suất tôm. Một trong những kỹ thuật mà ông áp dụng là sử dụng ao lót bạt để nuôi tôm thay vì nuôi truyền thống ao bùn.

Năm 2016, TP.HCM phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Thuấn cũng không ngừng tích lũy kiến thức để nâng cao hiệu quả với mô hình sản xuất của mình.

Năm 2022, ông Thuấn đăng ký học lớp dạy nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông TP.HCM tổ chức. Ông là 1 trong những học viên xuất sắc của lớp. Mô hình của ông cũng là nơi để ban tổ chức lớp học đăng ký làm điểm kiến tập thực tế cho những buổi học thực hành, giúp học viên có nơi kiến tập thuận lợi và hiệu quả.

Siêng năng học nghề, người nuôi tôm tăng thu nhập - Ảnh 1.

Nông dân huyện Cần Giờ nuôi tôm trên ao lót bạt. Ảnh: Trần Khánh

Cần Giờ phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho 850 lao động chuyên nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt trên 87%, duy trì tỷ lệ lao động có việc làm trên lực lượng lao động trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động đạt từ 95% trở lên.

Theo ông Thuấn, trước đây, ông nuôi bình quân 2 vụ/năm, thu hoạch được khoảng 38 tấn tôm/vụ. Sau các khóa đào tạo nghề, đến nay, ông nuôi được 3 vụ tôm, thu được hơn 110 tấn tôm/năm trên diện tích ao lót bạt 6.000m2.

Ông Thuấn cho biết, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nuôi, để cùng nhau nhân rộng mô hình, tiếp tục cải tiến mô hình sản xuất, giữ gìn môi trường và đưa con tôm sạch đạt chất lượng ra thị trường.

Theo ông Đoàn Hòa Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn, mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Thuấn đã giúp nhiều hộ nuôi tôm ở xã Lý Nhơn nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung mạnh dạn thay đổi phương thức nuôi. Người dân cùng nhau phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống.

Huyện Cần Giờ phát huy các mô hình đào tạo nghề hiệu quả

Nuôi tôm được xem là ngành tiềm năng và có lợi thế để phát triển thủy sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp. Định hướng của huyện Cần Giờ trong thời gian tới là tiếp tục phát huy các mô hình đào tạo nghề, các nghề mới có hiệu quả, trong đó có kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao. 

Đồng thời, Cần Giờ gắn các mô hình dạy nghề với mô hình sản xuất tại địa phương, chú trọng đào tạo cho người lao động có tay nghề nhưng chưa có chứng chỉ, chứng nhận trên địa bàn huyện.

Mới đây, UBND huyện Cần Giờ ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025. 

Theo đó, Cần Giờ phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho 850 lao động chuyên nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt trên 87%, duy trì tỷ lệ lao động có việc làm trên lực lượng lao động trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động đạt từ 95% trở lên.

Để đạt mục tiêu này, huyện Cần Giờ đặt ra giải pháp củng cố, nâng cao năng lực cho các cơ sở dạy nghề và giáo viên, cán bộ quản lý công tác đào tạo nghề nông nghiệp. Bên cạnh đó, vận động, khuyến khích các chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề, kinh nghiệm tại các Viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.



Nguồn: Dân Việt (link)