Khởi nghiệp với mô hình lúa – cá
Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến thăm trang trại rộng 7ha của gia đình lão nông Hồ Văn Dương (59 tuổi, trú thôn An Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).
Trái với không gian nóng nực bên ngoài, khi bước vào khu vực trang trại của ông Dương, hơi nước từ 6 hồ cá hoà quyện với không gian xanh dưới bóng dừa khiến mọi thứ trở nên dễ chịu.
Sau khi thưởng thức ly nước lá vối, ông Dương dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại. Vừa đi, ông Dương vừa kể, học hết lớp 12, ông tham gia nghĩa vụ quân sự ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau khi xuất ngũ, ông Dương trở về quê, được chính quyền địa phương tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ như phụ trách đài truyền thanh xã, nhân viên lâm nghiệp, cán bộ văn hoá thông tin xã…
Ông Dương còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thanh (nay là xã Thanh An) từ năm 2004-2008. Trong mọi nhiều vụ được giao, ông Dương đều hoàn thành tốt.
Kể về quá trình làm giàu từ nông nghiệp, ông Dương cho biết, trong những năm đảm nhận công việc thông tin, tuyên truyền của xã, ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin từ truyền thanh, sách báo, tivi… Trong đó, ông đặc biệt chú ý đến Báo Nông thôn Ngày nay, thường viết về những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Trong một lần đọc báo Nông thôn ngày nay, ông Dương bắt gặp thông tin về mô hình lúa – cá ở các tỉnh phía Bắc mang lại thu nhập cao cho nông dân. Từ đó ông Dương tìm hiểu sâu hơn, rồi đam mê lúc nào không hay.
“Trăm nghe không bằng một thấy”, có thời gian ông Dương còn ra tận tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, trực tiếp gặp những nông dân thành công để học mô hình lúa – cá.
Năm 2003, thấy vùng đầm lầy cách nhà khoảng 1,5km bị bỏ hoang, phù hợp với mô hình lúa – cá nên ông Dương viết đơn thuê 7ha và được chính quyền xã chấp thuận.
Vay, mượn, tích góp số tiền quy đổi khoảng 7 cây vàng, ông Dương thuê máy múc đất đắp đê bao quanh vùng đất được thuê.
Kênh nước rộng 6 đến 10 mét, sâu 1 mét hình thành từ việc múc đất đắp đê bao được ông Dương thả các loại cá trắm, mè, rô phi và cá tự nhiên như trê, lóc, cá diếc… để nuôi. Ở giữa là vùng đất ruộng bằng phẳng, được ông Dương trồng lúa.
Ông Dương cho biết, trước khi gieo lúa sẽ rút nước thấp hơn mặt ruộng để cá xuống kênh. Khi lúa đã xanh tốt thì dâng nước lên cho cá ra giữa ruộng kiếm ăn. Tuy nhiên, phải tính toán thời gian nuôi và dùng lưới ngăn chặn cá trắm cỏ lên mặt ruộng. Bởi nếu để cá trắm cá lên mặt ruộng thì không còn cây lúa nào sống sót.
Như vậy, cá trắm cỏ sẽ được giữ lại ở dưới kênh để cho ăn cỏ. Các loại cá khác được cho lên mặt ruộng ăn phù du, rong tảo… giữa ruộng.
Sau khi gặt lúa phải chờ một thời gian cho lúa tái sinh mới tháo lưới để cá trắm cỏ lên mặt ruộng. Loại cá này ăn lúa tái sinh và cả gốc rạ… Sau thời gian dài cho cá ăn, vẫy vùng, mặt ruộng nhão như bùn, rất sạch sẽ nên không cần dùng máy móc cày, bừa mà vẫn có thể gieo lúa trở lại.
“Lúa tôi gieo trồng theo lịch nông vụ, còn cá thả nuôi từ đầu năm. Đến cuối năm, chọn con cá nào to đem bán, chưa đủ trọng lượng thì thả lại nuôi tiếp. Nhờ mô hình lúa – cá, mỗi năm tôi thu được vài trăm triệu đồng. Số tiền này tôi tiếp tục đầu tư hoàn thiện trang trại của mình” – ông Dương nói.
Chia sẻ bí quyết làm giàu
Sau khi thành công với mô hình lúa – cá, ông Dương có vốn lận lưng nên càng mạnh dạn đầu tư. Năm 2011, ông Dương từ bỏ chăn nuôi lợn theo kiểu nhỏ lẻ mà liên doanh liên kết với một doanh nghiệp lớn để nuôi lợn trong chuồng lạnh, quy mô 2.000 con/năm. Cũng nhờ vậy, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Hồ Văn Dương còn được biết đến là người đầu tiên ở Quảng Trị nuôi lợn liên doanh liên kết.
Chuồng trại nuôi lợn 1,6 tỷ đồng của ông Dương có hệ thống làm mát, biogas, máy tách phân… và đặc biệt là có băng chuyền thức ăn. Thay vì nhiều nhân công phải vác từng bao thức ăn đến tận chuồng nuôi thì ở trại ông Dương, công nhân chỉ cần đứng một chỗ, đổ thức ăn vào bồn, hệ thống băng chuyền sẽ đưa thức ăn đến tận máng ăn của lợn.
Máy tách phân giúp tách xác phân lợn riêng đem ủ vi sinh để bón cho ruộng lúa và cây ăn quả trong trang trại. Nhờ vậy, khi trồng lúa, ông Dương không cần bón phân hoá học. Cá giữa ruộng xử lý toàn bộ thiên địch gây hại nên ông Dương cũng không cần phun bất cứ loại thuốc nào. Năng suất lúa nhờ vậy đạt khá cao, từ 5 đến 6 tấn/ha.
“Tôi làm nông nghiệp thuận theo sự vận hành của tự nhiên. Lấy cây, con này nuôi cây, con khác theo hệ sinh thái vốn có của tự nhiên” – ông Dương chia sẻ.
Năm 2020, ông Dương còn nuôi thêm tôm càng xanh theo dạng quảng canh, 1m2 nuôi từ 1 đến 2 con. Đầu năm ông Dương mua tôm giống từ Cần Thơ, con nhỏ như que tăm về thả nuôi. Quá trình nuôi, ông Dương bắt cá rô phi dưới hồ, đem xay cho tôm ăn. Nhờ chăm sóc tốt, đến cuối năm, ông Dương thu hoạch tôm càng xanh, từ 6-7 con/kg, giá bán 350.000 đồng/kg.
Nhờ nuôi lợn, mô hình lúa – cá, tôm càng xanh, mỗi năm ông Dương có doanh thu trên 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Không chỉ vậy, ông Dương còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức lương 9 triệu đồng/tháng, và hàng chục lao động thời vụ.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Dương sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi, trồng của mình cho những người cùng chí hướng.
“Làm nông chắc chắn sẽ vất vả, nhiều rủi ro nên cần có bản lĩnh. Trước khi bắt tay vào làm, cần nắm chắc khoa học kỹ thuật, bởi vậy không chỉ tìm hiểu trên sách, báo mà còn phải đi học thực tế. Học để hiểu rõ về khoa học kỹ thuật và lường trước những nguy cơ có thể xảy ra nhằm phòng tránh, hạn chế tối đa thiệt hại nếu gặp rủi ro…” – ông Dương cho hay.
Trực tiếp thăm trang trại của ông Dương, ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, đây là trang trại có quy mô lớn, được đầu tư bài bản và có tính chuyên nghiệp cao, đem lại hiệu quả kinh tế, đáng để nông dân trong tỉnh học tập.
CLIP: Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thăm trang trại của ông Hồ Văn Dương. Clip: Ngọc Vũ.
Nguồn: Dân Việt (link)