CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đến từ Bắc Ninh biến khu lò gạch cũ thành trang trại, doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm.
Đến khu trang trại của Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 Nguyễn Thị Quyên ở thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ai nấy đều phải trầm trồ, thán phục. Khu nhà sàn vừa xây dựng, rồi những dãy chuồng nuôi lợn, ao nuôi cá, vườn trồng cây ăn quả được quy hoạch, bố trí hài hòa, hợp lý tạo ra một không gian thoáng đãng, đẹp như tranh.
Biến đất bãi làm lò gạch thành trang trại tổng hợp bề thế
Nếu không có cuộc trò chuyện với chủ nhà, ít ai nhận biết được khu trang trại tổng hợp này được cải tạo từ đất bãi làm lò gạch. Năm 2014, khi các lò gạch dừng hoạt động, chính quyền xã có chủ trương cải tạo để xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng trọt.
Lúc ấy, gia đình chị Nguyễn Thị Quyên nuôi 30 con lợn trong khuôn viên đất của gia đình. Do chăn nuôi nhiều lợn, nên ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của gia đình và hàng xóm láng giềng. Vì thế, khi xã có chủ trương cải tạo đất bãi làm lò gạch thành đất trang trại, gia đình chị đã nhận thầu để di dời chăn nuôi ra khu vực ngoài bãi ven sông Đuống.
Ban đầu khi mới ra khu đất bãi làm lò gạch để cải tạo, chị gặp không ít khó khăn vất vả. Đường đi từ trên đê vào vào khu đất không có, những ngày mưa chị phải để xe trên đê, đi bộ vào, đất dính chặt vào ủng, không nhấc chân lên để đi được. Dọn dẹp được mấy trăm mét vuông đất, năm 2015 chị bắt đầu xây dựng chuồng trại nuôi 350 con lợn.
Cùng với đó, chị Nguyễn Thị Quyên san gạt những hố trũng thành ao. Mỗi khi thấy có đất bãi đẹp ở dưới ao, chị lại múc lên để đổ vào khu vườn để trôn những hòn gạch vỡ xuống nhằm tạo mặt bằng để trồng cây ăn trái. Để nhanh được thu hoạch, chị chọn mua những cây bưởi lớn về trồng, rồi nhãn, mít về trồng.
“Thực ra mình từng bước, từng bước khắc phục được khó khăn, mỗi năm cải thiện được một chút. Đến bây giờ quy mô trang trại của tôi có thể nuôi được 3.500 con lợn với 3 ao nuôi thả cá quy mô khoảng 7 mẫu ao, mỗi năm thu 50-70 tấn cá” – chị Quyên chia sẻ.
Nói về khi động lực để xây dựng khu trang trại, chị Quyên bảo, đến giờ anh chị vẫn không nghĩ tại sao ở thời điểm đầu lại hăng say, bán cả đất ở Hà Nội để về đầu tư vào xây dựng khu chuồng nuôi lợn và trồng cây. Với chị, làm được điều đó phải có niềm đam mê. Cùng với đó, trang trai của chị tiếp cận được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân năm 2018 với lãi suất 3%/năm như “bà đỡ” giúp vợ chồng chị có thêm quyết tâm để phát triển kinh tế.
Để làm ao thả cá, chị phải đổ từng tấm bê tông để kè bờ ao. Công việc nặng nhọc và mất khá nhiều thời gian. Làm miết rồi thì 3 ao cá rộng 7 mẫu cũng thành hình. Do ao sâu, chị thả kết hợp nhiều loại cá truyền thống, nhưng do giá bán cá trong những năm vừa qua không được cao nên mỗi năm chị thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ nuôi cá. Để nâng cao giá trị nuôi cá, năm nay chị bắt đầu thả lứa cá rô đầu vuông, cá trê ta, rô ta để đánh giá xem, nếu hiệu quả thì tiếp tục mở rộng ra các ao khác.
Nuôi 900 con lợn trong đợt dịch tả lợn Châu Phi, thu lãi 4 tỷ đồng
Trong hơn 9 năm gắn bó, làm trang trại nuôi lợn, cá và trồng cây ăn quả, điều khiến Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 ấn tượng nhất là thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Ở thời điểm đó, chị vừa xây dựng thêm dãy chuồng lợn thứ 3. Chị liền đi bắt lợn giống ở Lạng Sơn về để thả nuôi.
Khoảng 22 giờ tối chị mới trở lợn giống từ Lạng Sơn về đến Trạm kiểm dịch ở Bắc Giang. Thế nhưng, các cán bộ kiểm dịch trạm kiểm dịch không cho xe lợn của chị đi qua vì dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra rất phức tạp. Chị phải gọi điện cho khắp nơi để liên hệ, nhờ sự hỗ trợ, may mắn chuyến lợn giống đã nhập chót lọt về trại, không phải quay đầu trả về trại cũ.
Lợn về tới trại trong đêm thì ngay sáng hôm sau thú y thôn, xã, huyện đến hỏi: “Dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra phức tạp sao cháu lại chuyển lợn về nuôi?” Đáp lại, chị nói: “Thôi cháu đã chót đặt hàng rồi, bây giờ cháu đã đưa lợn về rồi thì cứ để cho cháu nuôi, còn nếu như có vấn đề gì xảy ra thì cháu hoàn toàn chịu trách nhiệm, chứ cháu không cần hỗ trợ”.
Chuyến đó, chị nhập được 350 con lợn giống với giá 600.000 đồng/con. Số lợn này chưa đủ thả trong dãy chuồng lợn vừa mới xây xong. Trong lúc đó, một chủ trại lợn ở Bắc Ninh đã gọi điện hỏi chị có mua lợn giống về nuôi không. Không suy nghĩ nhiều, chị đặt mua luôn 550.000 con nữa, nâng tổng đàn lên 900 con.
“Nuôi thành công đàn lợn 900 con trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi, tôi thu lãi 4 tỷ đồng. Từ đó mới có nguồn lực để đầu tư, mở rộng từ 3 lên 6 dãy chuồng để nuôi 3.500 con lợn như thời điểm hiện tại” – chị Quyên nói và cho biết sau khi bắt lợn về trại nuôi thì hai trại bán giống lợn cho chị đều bị dịch tả lợn Châu Phi càn quét.
Sau lứa nuôi thành công đàn lợn 900 con, mỗi khi gặp nhau mọi người vẫn nói vui, bảo chị “số đỏ”, gặp thời trong mùa dịch. Điều đó cũng đúng một phần, nhưng với chị điều quan trọng nhất trong chăn nuôi lợn là phải việc xây dựng chuồng trại khoa học, sát trùng, dọn vệ sinh và tiêm vaccine đầy đủ.
Khu vực cổng ra vào trang trại và cửa các chuồng nuôi đều có hệ thống máy phun khử khuẩn người và phương tiện. Chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để, phân khô dùng làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp, chất thải được dẫn vào bể biogas làm khí đốt giúp tiết kiệm chi phí, bảo đảm vệ sinh môi trường, một phần để làm thức ăn cho cá, tất cả đã tạo thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín.
Nói về doanh thu của trang trại, chị Quyên cho biết, với quy mô nuôi 3.500 con lợn thương phẩm, mỗi năm doanh thu từ nuôi lợn đã hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền đầu tư giống, thức ăn cho chăn nuôi lợn cũng rất lớn, khoảng 5 triệu đồng/con. Để giảm bớt áp lực về nguồn tiền duy trì đầu tư cho chăn nuôi lợn, từ năm 2021, chị đã kết hợp nuôi lợn gia công cho Tập đoàn Dabaco Việt Nam.
Cùng với chăn nuôi lợn, trong năm 2022, sản phẩm bưởi diễn Quang Tiến của trang trại được UBND tỉnh Bắc Ninh chứng nhận là sản phẩm OCOP. Trang trại thường xuyên tạo việc làm cho 10-15 lao động có thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá về mô hình trang trại tổng hợp của gia đình Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Nguyễn Thị Quyên, ông Đào Duy Hữu – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Đào Duy Hữu nhận định, đây là những nông dân tiêu biểu, năng động, sáng tạo trrong cơ chế thị trường, dám nghĩ dám làm, khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai…
“Tôi tin rằng tấm gương của nông dân Nguyễn Thị Quyên sẽ tiếp tục lan tỏa tới đông đảo hội viên, nông dân trong tỉnh cũng như cả nước, có sức cuốn hút, thúc đẩy, góp phần làm cho phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại và đáng sống” – ông Hữu nhấn mạnh.
Với những nỗ lực trong phát triển mô hình trang trại tổng hợp, năm 2022, chị Nguyễn Thị Quyên được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, chị vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.
Nguồn: Dân Việt (link)