Cà na chỉ là quả dại thôi, sao ở Long An, hễ tới mùa vặt trái, ai trông thấy cũng tứa nước miếng?

Trái cà na có vị chua chua, chát nhẹ và là món ăn gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người. 

Tưởng chừng cà na chỉ là món ăn vặt của những đứa trẻ nông thôn nhưng món ăn dân dã này đã được mang lên phố thị, trở thành đặc sản.

Chỉ là thứ quả dại thôi, sao ở Long An, hễ tới mùa vặt trái, ai trông thấy cũng tứa nước miếng?- Ảnh 1.

Cà na đập. Ảnh: Internet

Cà na là món ăn dân dã, có nhiều cách chế biến như cà na đập giập trộn muối ớt, ngào đường hay đơn giản cà na chấm muối ớt,… 

Cách chế biến đơn giản là vậy nhưng trái cà na dần trở thành đặc sản của người dân miền Tây, nhất là những người con xa xứ. 

Nắm bắt nhu cầu này, nhiều người tận dụng đất xung quanh nhà để trồng cà na Thái, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Bà Nguyễn Thị Kim (ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) chia sẻ: “Thấy cây cà na thích hợp trồng ở vùng ngập nước xã Vĩnh Trị nên tôi tận dụng bờ kênh để trồng gần 100 cây cà na Thái. 

Cây cà na rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc, chi phí phân bón. Trồng được 18 tháng, cà na bắt đầu thu hoạch, bán với giá 10.000-15.000 đồng/kg. 

Nhờ trồng cây cà na bán trái, gia đình có thu nhập trên 200.000 đồng/ngày, thậm chí, có khi gần cả triệu đồng/ngày khi thương lái mua số lượng lớn”.

Chỉ là thứ quả dại thôi, sao ở Long An, hễ tới mùa vặt trái, ai trông thấy cũng tứa nước miếng?- Ảnh 2.

Bà Bùi Thị Điều, nông dân trồng cây cà na ở ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) hái cà na để chế biến thành những món “nhà quê” gởi tặng bạn bè, người thân.

Tận dụng đất xung quanh vườn trồng cà na không chỉ là cách kiếm thêm thu nhập mà còn lưu giữ ký ức của tuổi thơ. Chị Bùi Thị Điều (ấp Bàu Nâu, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) bộc bạch: “Gia đình tôi trồng gần 30 cây cà na Thái. Tôi trồng vì muốn có nguyên liệu chế biến thành các đặc sản “nhà quê” để tặng bạn bè, người thân. 

Từ nhỏ, tôi đã sống ở vùng sông nước, tuổi thơ gắn với những buổi theo mẹ hái cà na dọc bờ kênh, mang về làm món quà vặt trong gia đình. Nhớ về những năm tháng của tuổi thơ; đồng thời, muốn con, cháu có một tuổi thơ đáng nhớ, tôi quyết định trồng cà na”.

Ngày trước, thế hệ 7X, 8X, 9X không có nhiều món ăn được sản xuất theo hướng công nghệ hiện đại như bây giờ. Hầu hết các món ăn được chế biến bằng thủ công từ những nguyên liệu sẵn có, trong đó, có các món ăn được chế biến từ trái cà na. 

Để rồi, theo năm tháng, những người con xa xứ từng gắn bó với sông nước miền Tây khi bắt gặp món ăn dân dã này đều cảm thấy lòng miên man nhớ vị chua chua, chát chát của trái cà na và ký ức của tuổi thơ bỗng ùa về.

Chị Bùi Ngọc Điệp (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cho biết: “Tôi đang sinh sống và làm việc tại TP HCM. Cuối tuần, tôi thường về quê, chèo xuống hái cà na dưới những tán lá mát rượi, hòa mình vào thiên nhiên, cảm giác thú vị không gì bằng. 

Không chỉ có người miền Tây, người thành phố cũng rất thích thưởng thức các món ăn được chế biến theo cách truyền thống từ trái cà na”.

Trái cà na tuy dân dã, “nhà quê” nhưng là một phần ký ức tuổi thơ của biết bao người, trở thành món đặc sản. Để rồi, đi bất cứ nơi đâu, những người con của miền sông nước vẫn không sao quên được hương vị trái cà na.

Thực hiện đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về Dân tộc – tôn giáo



Nguồn: Dân Việt (link)