Theo chân ông Nguyễn Đức Bình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, chúng tôi đến được khu vườn trồng cà chua rộng 2.000m2 của gia đình anh Châu Ngọc Hải (49 tuổi, thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Câu chuyện “bỏ phố về quê” là câu chuyện phổ biến trong thời gian vừa qua, nhưng cách làm, hướng đi của anh Hải không phải ai cũng làm được và có hiệu quả tốt.
Anh Châu Ngọc Hải đã bỏ việc lương 40 triệu để về TP. Đà Lạt trồng cà chua.
Giới thiệu vườn cà chua trồng trên giá thể xơ dừa của mình, anh Hải cho hay, anh mới chỉ trồng cà chua được 2 vụ, thế nhưng bước đầu đã có hiệu quả và sẽ ổn định với cách làm của anh. Việc anh là người chuyên về công nghệ, kỹ thuật đã giúp ích cho anh rất nhiều trong công việc làm nông nghiệp tại TP. Đà Lạt.
“Tôi sinh ra và lớn lên tại TP. Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tôi ở lại làm việc khoảng 20 năm. Trong thời gian này, tôi được làm phụ trách mảng công nghệ cho Tập đoàn Điện Quang tại TP. Hồ Chí Minh, mức lương hàng tháng vào khoảng 40 triệu đồng. Chính vì thế, tôi có cơ hội làm việc với nhiều anh em về công nghệ, kỹ thuật nên đam mê lúc nào không biết.
Bắt đầu năm 2023, sau dịch Covid-19 nên tình hình kinh tế khó khăn, tôi đã muốn chuyển hướng không làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nữa mà muốn về TP. Đà Lạt làm một công việc mới. Ở Đà Lạt tôi đã có đất và người em ruột chuyên trồng cà chua nên nền tảng ban đầu đã có”, anh Hải chia sẻ.
Đã từng có ý định, sau đó anh Hải lại được người em trai gợi ý vài lần nên anh đã quyết định bỏ công việc tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương 40 triệu để về Đà Lạt. Anh Hải đã về làm nông nghiệp trên mảnh đất 2.000m2 của mình tại xã Xuân Thọ.
Đang tỉa lá và quả trong vườn cà chua của mình, chị Nguyễn Thị Yến Thu (vợ anh Hải) cho hay: “Tôi sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh, khi nghe chồng quyết định về quê nội ở Đà Lạt thì mình cũng có rất nhiều cảm xúc. Thế nhưng, khi người đàn ông, trụ cột của gia đình đã quyết định như vậy thì chắc hẳn đã suy tính rất nhiều. Vì vậy, tôi đã ủng hộ và theo chồng về Đà Lạt làm nông nghiệp.
Ban đầu về thì được em trai của anh Hải hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật nên nền tảng ban đầu của chúng tôi khá vững. Anh Hải lại chuyên về kỹ thuật và công nghệ nên thích ứng rất nhanh. Đến nay, chúng tôi đã làm được 2 vụ cà chua, bước đầu thấy khá ổn định. Vụ đầu tiên chúng tôi trồng trong nhà kính nhưng trồng dưới đất, thế nhưng lần này vợ chồng tôi trồng trên giá thể xơ dừa nên thấy chất lượng cao hơn hẳn”.
Sau khi đã chuyển về Đà Lạt làm việc, anh Hải đã tự mày mò, nghiên cứu rồi tự tay lắp đặt hệ thống tưới tự động, châm phân, nước nhỏ giọt. Vừa đảm bảo tiết kiệm nước và đáp ứng yêu cầu khi làm nông nghiệp công nghệ cao.
Anh Hải hiện đang trồng cà chua theo hướng nông nghiệp sạch với 50% hữu cơ và 50% vô cơ. Theo anh Hải nếu trồng cà chua theo hướng 100% hữu cơ thì quả cà chua sẽ không đạt trọng lượng, mẫu mã không đủ tiêu chuẩn xuất ra thị trường. Vì vậy, anh bắt buộc phải bổ sung các chất vô cơ cho cây cà chua phát triển.
“Trong năm 2023, hai vợ chồng tôi trồng cà chua trong nhà kính nhưng trồng dưới đất. Cây cà chua chỉ được thu trong khoảng 6 tháng, với 2.000m2 vợ chồng tôi thu được khoảng 12 tấn cà chua, bán với giá dao động từ 20-30.000 đồng/kg, thu về khoảng 300 triệu đồng.
Trong năm 2024, khi đã làm quen được kỹ thuật, chúng tôi đã trồng cà chua trên giá thể xơ dừa. Hiện chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là được thu hoạch, thế nhưng chúng tôi nhận định sản lượng cũng như thời gian thu hoạch sẽ tăng gấp đôi so với năm 2023″, anh Hải chia sẻ.
Đầu năm 2024, anh Hải đã cùng hơn 10 hộ dân trong thôn thành lập hợp tác xã Đà Lạt Organic Farm. Hợp tác xã của anh Hải hiện đang canh tác cà chua, hoa tại địa phương. Anh Hải hy vọng, trong thời gian tới, các thành viên hợp tác xã sẽ dần hình thành được thói quen làm nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, cũng như trồng những cây trồng có năng suất cao để đưa ra thị trường.
Nguồn: Dân Việt (link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen