Trong hương thơm nhẹ dịu của nụ hoa hòe khô, ông Thành vừa dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở thu mua vừa kể về hành trình làm giàu của mình.
Ông tâm sự: Trước khi bén duyên với nghề thu mua nụ hoa hòe, tôi từng làm đủ các nghề để kiếm sống từ đi chợ, ươm tơ đến nuôi lợn, chỉ cần có tiền trang trải cho gia đình thì tôi chẳng ngại việc. Thế nhưng làm nhiều nghề mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn, tôi quyết tâm tìm công việc ổn định để phát triển. Năm 1991, nhận thấy người dân trong xã trồng nhiều cây dược liệu, trong đó có cây hòe cho giá trị kinh tế cao và ổn định; khi bà con đang loay hoay tìm đầu ra, tôi quyết định nhận thu mua giúp họ và cung cấp hàng cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
Trên chiếc xe đạp, ông Thành rong ruổi khắp các huyện tìm mua nụ hoa hòe của người dân. Không quản nắng mưa, thậm chí buổi tối ông Thành vẫn đạp xe 50km để thu mua hàng. Công việc vất vả, nhiều người cũng dần bỏ nghề thì ông Thành vẫn quyết tâm bám trụ.
Trong khoảng thời gian làm đại lý thu mua cho các doanh nghiệp trong tỉnh, ông Thành dần tạo được mối quan hệ và giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp thu mua của Trung Quốc. Nhờ “mua tận gốc, bán tận ngọn” giúp ông giảm được chi phí trung gian, sản phẩm đến tay khách hàng vẫn được bảo đảm.
Năm 2001, ông Thành tập trung nghiên cứu, lựa chọn vùng cung cấp sản phẩm chất lượng cao và thu mua số lượng lớn. Công việc thuận lợi, giá cả tăng cao, có thời điểm giá nụ hoa hòe tăng lên 250.000 đồng/kg giúp gia đình ông có thu nhập cao.
Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư mua xe ô tô để phục vụ công việc. Trong thời điểm dịch Covid-19, cơ sở của ông vẫn xuất hàng đều đặn, thậm chí nhiều hơn so với thời điểm trước dịch. Hiện tại, gia đình ông xuất bán sang Trung Quốc khoảng 500 – 600 tấn nụ hoa hòe/năm, thu nhập từ 7 – 8 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Phương, vợ ông Thành chia sẻ: Công việc này rất vất vả, phải trông nắng, trông mưa, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nụ hoa hòe phải được lựa chọn tỉ mỉ, sau khi nhận hàng từ người dân chúng tôi phải xử lý sạch sẽ.
“Người thu mua phải có kiến thức, kinh nghiệm, chỉ cần nhìn và nắm nụ hoa hòe trong tay, chúng tôi có thể biết sản phẩm này đạt chuẩn hay chưa. Nụ hoa hòe tốt phải chắc, có màu vàng đẹp, chất lượng phụ thuộc vào chất đất của từng vùng” – ông Thành cho biết thêm.
Cơ sở của ông Thành hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập khoảng 500.000 – 700.000 đồng/ngày.
Anh Nguyễn Văn Hiển, thôn Bình Minh, xã Bách Thuận cho biết: Tôi đã làm việc cho cơ sở của ông Thành được 20 năm. Công việc chính của chúng tôi là đảo nụ hoa hòe, đóng gói… không quá vất vả lại có thu nhập ổn định để lo cho gia đình.
Ông Nguyễn Như Sinh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã đánh giá: Ông Trần Văn Thành không chỉ là hội viên người cao tuổi làm kinh tế giỏi tiêu biểu của địa phương mà còn là giáo dân gương mẫu của Giáo xứ Thuận Nghiệp. Gia đình ông luôn tích cực đi đầu trong công tác xã hội và thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng “Xứ họ đạo 4 gương mẫu” tại địa phương.
Nguồn: Dân Việt (link)