Chị Đỗ Thị Nguyên – Giám đốc HTX Chè Phúc Nguyên, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về những khó khăn trong quá trình lập nghiệp với cây chè của mình. Clip: Hà Thanh
Rời chốn phồn hoa về quê lập nghiệp
Sinh ra tại Hải Phòng, năm 4 tuổi cô bé Đỗ Thị Nguyên theo bố mẹ vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống và học tập.
Với niềm đam mê nghiên cứu sinh vật, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Nguyên chọn ngành Công nghệ sinh học (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và trở thành cô sinh viên mang theo những hoài bão lớn lao. Cô gái 18 tuổi khi ấy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ về một nơi xa xôi, khó khăn để lập nghiệp.
“Bước ngoặt trong cuộc đời là năm 2015 khi tôi được đặt chân đến mảnh đất Thái Nguyên, lúc đó tôi đang học năm thứ hai đại học. Lần đầu tiên, tôi được tận mắt nhìn thấy những nương chè xanh ngát, những cánh đồng lúa chín thơm mùi hương cốm, những ngọn núi nhấp nhô trùng điệp bao phủ. Không phải là phòng thí nghiệm nhỏ, không phải qua tivi, hình ảnh… mà tôi được tận mắt nhìn và cảm nhận mọi thứ. Tất cả đã khiến tôi bị hút hồn và ngay khoảnh khắc ấy, tôi đã biết mình thuộc về nơi này”, chị Nguyên nhớ lại.
Trở lại TP.HCM, cô gái trẻ Đỗ Thị Nguyên quyết định bỏ học giữa chừng, mở cửa hàng để theo đuổi đam mê kinh doanh, buôn bán chè. Tuy nhiên thời điểm đó, mọi thứ xung quanh lại không hề dễ dàng với chị. Quyết định của chị không nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ nên mọi thứ chị Nguyên đều phải tự xoay sở một mình. Không được hỗ trợ về mặt tài chính, không được sự động viên về tinh thần.
“Thời điểm đó ai cũng kêu tôi khùng, đang ở thành phố đông vui nhộn nhịp, tự nhiên về nơi xa xôi, hẻo lánh như vậy. Trong mắt mọi người lúc ấy, tôi như một đứa hâm”, chị Nguyên kể.
Bắt tay vào công việc mới, số vốn trong tay khi đó của chị chỉ là 20 triệu đồng tiền tiết kiệm. Trong khi tiền thuê nhà để mở cửa hàng nơi thành phố lớn lại đắt đỏ. Cộng thêm vấn đề do chưa có thị trường, nên chị phải chật vật, chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kiếm, nhưng cả một năm trời, số kg chè chị bán ra chỉ tính trên đầu ngón tay. Có những lúc chị Nguyên cảm thấy chán nản và thất vọng vô cùng…
Nhưng rồi với sự kiên trì, chị vẫn quyết bám trụ tới cùng. Suốt 4 năm trời, chị rong ruổi khắp đất Sài Gòn, mang từng cân chè đi mời chào các quán tạp hoá, thậm chí chấp nhận bán lỗ vốn để có khách hàng. Và rồi, với bao công sức, tâm huyết bỏ ra, cuối cùng thị trường cũng chấp nhận sản phẩm của chị.
Tuy nhiên, khi đã có thị trường thì chị lại gặp khó khăn vì chất lượng sản phẩm không ổn định nên khách từ chối nhập hàng. Lúc này khó khăn, thách thức lại bủa vây, khiến chị có suy nghĩ phải tìm hướng đi mới để duy trì công việc mà chị đam mê.
Năm 2018, sau khi kết hôn chị Nguyên đã quyết định rời Sài Gòn cùng chồng về Thái Nguyên lập nghiệp. Quyết định đó đã vấp phải sự ngăn cản dữ dội từ gia đình, bạn bè.
“Thời điểm đó ai cũng kêu tôi khùng, đang ở thành phố đông vui nhộn nhịp, tự nhiên về nơi xa xôi, hẻo lánh như vậy. Trong mắt mọi người lúc ấy, tôi như một đứa hâm. Bố tôi nói: Bố mẹ đã phải rời quê hương để thoát cảnh nghèo, để cho các con có điều kiện phát triển ở nơi thành phố. Bây giờ con lại bỏ phố về quê, về nơi xa xôi, khó khăn trăm bề. Thật sự bố không giấu được nỗi thất vọng. Lúc đó, tôi vừa buồn, vừa tủi thân, vừa áp lực”, chị Nguyên cười tươi khi hồi tưởng lại.
“Người thầy” đầu tiên
Bắt đầu một cuộc sống mới nơi vùng đất mới, tất cả mọi thứ đều lạ lẫm. Với số vốn ban đầu không có gì ngoài hai bàn tay trắng, cô gái trẻ bắt đầu khởi nghiệp với cây chè.
“Tôi bắt đầu học từ những điều nhỏ nhất. Người thầy đầu tiên của tôi chính là mẹ chồng tôi. Bà dạy cho tôi từ cách ốp chè, vò chè, sao sấy, đến khi ra được thành phẩm cuối cùng, mọi thứ thật không dễ dàng. Tôi còn nhớ mẻ chè đầu tiên tôi rang ra vừa cháy, vừa đẫy lửa, không ngửi thấy hương thơm của chè mà chỉ toàn mùi ngô cháy. Bỏ đi không biết bao nhiêu mẻ chè, rang ra hỏng rồi lại rang tiếp”, chị Nguyên chia sẻ.
Khó khăn trăm bề, chị đã khóc rất nhiều. Lắm lúc tưởng chừng gục ngã và bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của chồng và bằng niềm đam mê, chị đã không ngừng học hỏi, tiếp thu dần dần để có thể thành thạo trong từng công đoạn chế biến chè như hiện nay.
Khi làm ra được sản phẩm như mong muốn thì khó khăn lại tiếp tục đến với chị. Khó khăn về tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, khó khăn về vùng nguyên liệu không tập trung, cùng với việc bà con chăm sóc chè không theo một quy trình kỹ thuật nhất định dẫn đến sản phẩm làm ra có chất lượng không ổn định.
“Nhiều người nói với tôi hay là đi mua chè khô về bán còn hơn là cứ tự sao hỏng rồi lại bán lỗ thế này. Mất bao công sức để bán lỗ vốn thì làm làm gì”, chị Nguyên nhớ lại.
Trăn trở trước những khó khăn đó, tháng 8/2022 chị Nguyên đã kết nối những người cùng chung chí hướng với mình để thành lập HTX Chè Phúc Nguyên tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ với 11 thành viên.
Thời điểm mới thành lập, tổng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất chè của HTX chỉ có 5ha, sau đó HTX dần mở rộng vùng nguyên liệu. Đến nay, HTX đã liên kết với 61 hộ thành viên với tổng diện tích vùng nguyên liệu 14ha được sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong năm 2023, chị Nguyên dự kiến sẽ mở rộng diện tích lên 20ha và tiếp tục tăng dần trong những năm tiếp theo.
Khi vùng nguyên liệu đã được đảm bảo, chị Nguyên tiếp tục chú trọng đến quy trình chế biến để làm sao cho ra những sản phẩm chè ngon. Theo chị Nguyên, nguyên liệu đã quyết định trên 50% chất lượng sản phẩm, còn lại phụ thuộc vào kỹ thuật chế biến. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự tâm huyết, tỉ mỉ của người làm chè trong quá trình sao sấy cần chú ý đến từng công đoạn đến khi cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Cụ thể, trong quá trình thu hái chè cần lựa chọn hái vào thời điểm thích hợp. Khi hái chè, người hái phải hái đúng kỹ thuật để đảm bảo sự nguyên vẹn của búp và lá chè. Sau khi thu hái, chè tươi sẽ được tập kết về HTX để chuẩn bị cho quy trình chế biến.
Trong quá trình chế biến chè, các công đoạn đều đòi hỏi sự tập trung cao độ của người làm chè mới cho ra được sản phẩm chất lượng. Đối với quá trình diệt men, chú trọng yếu tố nhiệt độ trong lò và thời gian sao cho sản phẩm diệt men đảm bảo đúng kỹ thuật, giảm các chất gây mùi hăng ngái, tạo ra được hương thơm đặc trưng của chè.
Tiếp đến, quá trình vò chè cũng cần sự quan sát tỉ mỉ. Thời gian và trọng lượng chè cho vào cối phải phù hợp. Sau mỗi lần vò chè, chè phải được rũ tơi. Kết thúc quá trình vò, chè được rải ra làm mát và tiến hành công đoạn sấy, làm khô.
Dưới tác dụng của nhiệt, tác động cơ học của thiết bị, chè được làm khô tới độ ẩm yêu cầu, cánh chè xoăn chắc, có mùi thơm đặc trưng. Sau đó chè sẽ được lên hương để cho ra thành phẩm hoàn chỉnh.
Ước mơ đưa thương hiệu chè Thái Nguyên vươn xa
Hiện nay, HTX Chè Phúc Nguyên có tất cả 9 sản phẩm với 3 dòng trà cơ bản: Dòng trà bình dân có mức giá dao động từ 200.000 – 400.000đ/kg; dòng trà đặc sản như trà Long Vân, trà Nõn Tôm có mức giá từ 600.000 – 800.000đ/kg.
Đặc biệt dòng trà Thượng hạng với sản phẩm Trà Đinh Ngọc có mức giá từ 1.500.000đ – 2.500.000đ chủ yếu được khách hàng lựa chọn làm quà biếu tặng. Với sự đa dạng về các dòng sản phẩm như vậy giúp cho khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp với điều kiện và mong muốn của mình.
Năm 2022, nhà phân phối đầu tiên của HTX Chè Phúc Nguyên có mặt tại TP.HCM, đến năm 2023 nhà phân phối thứ hai tiếp tục có mặt tại Hải Dương. Các nhà phân phối đều có cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm của HTX để khách hàng có thể đến và lựa chọn trực tiếp. Cùng với đó là hệ thống đại lý trải khắp các tỉnh thành như: Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh, Hải Phòng, Thái Bình…
Trong thời gian tới, HTX dự kiến sẽ mở rộng thêm thị trường tại các thành phố lớn, các khu du lịch với mục tiêu phủ xanh thương hiệu. Năm 2022, HTX xuất bán ra thị trường 2 tấn chè khô các loại, dự kiến năm 2023 sẽ đạt 5 tấn.
Bên cạnh việc bán hàng theo phương thức truyền thống, HTX còn bán hàng trên sàn thương mại điện tử để tiếp cận đông đảo khách hàng.
Đến thời điểm hiện tại, HTX đang tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 6 lao động bán thời gian tại xưởng sản xuất với mức thu nhập trung bình từ 7,5 – 12 triệu đồng/người/tháng tuỳ thời vụ và tay nghề của người lao động.
Mong muốn của chị Nguyên trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất với công suất 1 tấn chè tươi mỗi ngày, để có thể bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con nông dân trong vùng.
Ông Vũ Văn Thư – Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Yên khẳng định: Chị Đỗ Thị Nguyên – hội viên nông dân thuộc Chi hội nông dân xóm Dưới 3, là một người trẻ có trình độ và năng lực. Từ khi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chè, chị Nguyên tạo ra sức ảnh hưởng và lan toả mạnh đến cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn xã.
Trong các phong trào của Hội, đồng chí Nguyên luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm, được cán bộ, hội viên, nông dân trong các chi hội tin tưởng, yêu mến.
“Ban đầu khi mới tham gia vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chè, chị Nguyên cũng trăn trở rất nhiều, nhưng đến thời điểm này chúng tôi đánh giá, mô hình của đồng chí đã phát triển tương đối thành công. Sau quá trình thành lập HTX chè Phúc Nguyên, chị Nguyên đã vận hành hiệu quả, giúp tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều bà con trong vùng”, ông Thư nhấn mạnh.
Nguồn: Dân Việt (link)