Clip: Mô hình nuôi bò của ông Chang Váng Sinh trên cao nguyên Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ông Chang Váng Sinh, dân tộc Hà Nhì được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Đi lên từ bàn tay trắng
Nhấp chén nước chè, ông Chang Váng Sinh, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 của tỉnh Điện Biên kể với tôi về những ngày khốn khó cách đây hơn 20 năm: “Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, phát hết quả đồi này đến cánh rừng khác, làm quần quật cả ngày cũng không đủ để nuôi 10 miệng ăn trong nhà. 8 đứa con nheo nhóc, cơm độn ngô cũng không đủ ăn, nói gì đến chuyện học hành. Mình cũng nghĩ ra nhiều cách làm ăn, nhưng không có tiền để đầu tư, đành chấp nhận số nghèo”.
Trên thảo nguyên Tá Miếu, đất đai rộng lớn, nhưng cái nghèo, cái khó vẫn đeo đuổi hơn 1.000 hộ người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới quanh năm lộng gió.
Năm 1997, nhà nước hỗ trợ gia súc cho các xã nghèo để nuôi luân chuyển, gia đình ông Sinh được 10 con bò, với cam kết sau 3 năm nuôi, ông phải chuyển giao bò mẹ cho các gia đình khác. Có động lực, ông Sinh tập trung phát triển chăn nuôi.
Chỉ sau 3 năm, từ hai bàn tay trắng đã có được chút vốn kha khá với 7 con bê con. Thấy trâu, bò phát triển tốt, ông Sinh bàn với vợ vay thêm vốn ngân hàng chính sách, mua thêm trâu, bò về chăn nuôi.
“Cỏ nhiều thế này mà nuôi bò không lớn mới là lạ. Cơ ngơi của tôi có được như ngày hôm nay từ 10 con bò luân chuyển được nhà nước hỗ trợ. Nuôi bò đơn giản, ở nơi này cỏ non rất nhiều, sau Tết Nguyên đán, tôi thả bò vào rừng, vài ngày lại đi kiểm tra. Cứ thế đến hết mùa mưa thì đưa đàn bò về trú đông, tránh rét tại bản” -ông Sinh kể lại.
Để đàn bò phát triển tốt, ông Sinh dự trữ nguồn thức ăn trước mỗi mùa đông. Nhờ thế đàn bò luôn có thức ăn, có sức chống chịu cái rét cắt da cắt thịt nơi miền biên viễn này. Thức ăn cho bò được ông dự trữ chủ yếu là rơm khô và rơm ủ muối. “Ở đây rét lắm. Mùa đông không thể thả rông đàn bò vài trăm con, mình phải dự trữ thức ăn cho chúng” – ông Sinh tâm sự.
“Đàn bò này đã “giải cứu” gia đình tôi, 8 đứa con được ăn học tử tế cũng nhờ đàn bò này. Mỗi năm tôi bán vài chục con, lấy nguồn vốn đấy để nuôi các con, các cháu ăn học” – ông Sinh tâm sự. 8 người con của ông Sinh bây giờ đều đã ra ở riêng, mỗi người đều được ông chia “của hồi môn” chục con trâu, bò làm vốn ban đầu.
Nói về gương nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, ông Lý Á Thành, Chủ tịch HĐND xã Sín Thầu, chia sẻ: “Ở xã Sín Thầu này, nhiều người còn mang ơn ông Sinh. Vì ông Sinh đã chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi đến các hộ gia đình. Hộ nào chưa có điều kiện đầu tư nhưng lại thích chăn nuôi trâu, bò; sẽ được ông Sinh bán chịu con giống. Hàng năm, hộ mua giống chịu sẽ trả dần vốn cho ông Sinh, có hộ mua bò sau 5 năm mới trả hết tiền”.
Nông dân Việt Nam xuất sắc này từng khóc chảy “máu mắt” vì bò bị bệnh
Sau mấy năm phát triển chăn nuôi, đàn bò đang sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2009 tai ương ập xuống gia đình ông Sinh cũng như những người dân nuôi trâu, bò trong bản Tá Miếu.
“Năm đấy trời lạnh hơn, sương trắng thảo nguyên, tôi rất lo cho đàn trâu, bò. Tôi bàn với vợ, làm xong cái bếp sẽ vào rừng đưa trâu, bò về. Chưa kịp đi kiểm tra đàn trâu, bò thì người dân trong bản báo tin, đàn bò của tôi bị chết 2 con trong núi. Lòng như lửa đốt, tôi cùng vợ đi kiểm tra thấy trâu bò bị bệnh lở mồm long móng, mấy trăm con đều bị” – ông Sinh cho biết.
Dịch lở mồm long móng từ bên kia biên giới tràn vào vùng thảo nguyên Tá Miếu đã làm cho người chăn nuôi ở đây lao đao, “đầu cơ nghiệp” cứ chết dần.
“Có ngày nhà tôi chết gần chục con trâu bò, mỗi lần dân bản chạy về báo tin trâu, bò chết ở đâu là tôi như đứt từng khúc ruột. Lại mất công đến nơi, đào hố để tiêu hủy những con chết…” – ông Sinh ngậm ngùi nhớ lại.
Đận ấy, thiệt hại cho đàn trâu, bò của nhà ông lên đến gần 1 tỷ đồng khi 40 con bò, gần 50 con trâu bị chết vì bệnh chỉ trong vòng hơn 1 tháng.
Ông bảo: “Ngày đấy làm gì đã có đường ôtô để đi mua vaccine về tiêm, tôi phải sang Trung Quốc mua thuốc về chăm những con bị bệnh, không cho bệnh lây ra các con khác. Cả gia tài chỉ trông vào đàn gia súc mà bị chết nhiều thế này cả nhà chẳng ai ăn ngủ ngon”.
Cũng còn may, nhờ chữa kịp thời, ông Sinh đã cứu được một phần đàn bò. Cũng từ trận dịch khủng khiếp ấy, ông Sinh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Bây giờ, mỗi năm 2 lần ông đều đặn mua vaccine, thuê cán bộ thú y xã đến tiêm phòng cho đàn gia súc.
“Bây giờ chẳng có bệnh nào trên đàn bò mà tôi không biết, chỉ cần có biểu hiện là tôi xử lý ngay, cách ly những con bị bệnh, có chế độ chăm sóc đặc biệt để bò nhanh hồi sức” – ông Sinh cười sảng khoái.
Trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc ở tuổi 72
Chia sẻ với chúng tôi, ông Sinh cho biết mình rất bất ngờ khi được bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
“Trang trại của tôi có đáng là gì so với các trang trại chăn nuôi hàng chục nghìn con trâu, bò trên cả nước. Nhưng đấy là những nơi có điều kiện kinh tế để chăn nuôi. Còn trang trại của tôi phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và mô hình cũng nhỏ”.
Theo ông Sinh thì vài năm trở lại đây giá trâu, bò trên thị trường giảm mạnh, cũng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của gia đình. Trung bình một con bò trên 2 tạ trước bán trên 25 triệu đồng, giờ bán giỏi cũng chỉ được 18 triệu đồng.
Sau hơn 20 năm chăm bẵm đàn bò, bây giờ ông Sinh có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng mỗi năm từ bán bò và phân bò. “Cứ 3 ngày tôi lại dọn chuồng một lần, thu vài chục bao phân bò, bán qua biên giới cũng được hơn 2 triệu đồng. Trước đây mình không biết, thả rông bò trên rừng, mất một nguồn thu lớn, bây giờ thì yên tâm rồi” – lời ông Sinh.
Nói là thả rông bò trên rừng, nhưng ông Sinh cũng có kinh nghiệm gọi bò về chuồng, cũng như kiểm tra đàn bò. Theo ông Sinh, chỉ cần nghe tiếng mõ đeo trên cổ của con đầu đàn là ông biết đàn bò của ông đang ở đâu. Muốn gọi bò về chuồng, chỉ cần cho con đầu đàn ăn muối, dắt nó về là cả đàn sẽ về theo, không thiếu một con.
Đưa chúng tôi ra cánh rừng xanh nơi đàn bò đang trú ngụ, ông Sinh bắt tay lên làm loa gọi đàn bò. Nghe tiếng ông Sinh gọi, chỉ chưa đầy 15 phút, cả đàn bò đã theo con đầu đàn về rầm rập, quấn quanh chủ nhân để được ông cho ăn muối. Theo ông Sinh thì bò ăn muối cũng thành thói quen, giúp khỏe mạnh, tiêu hóa tốt, mỗi tuần ông cho chúng ăn 2 lần, vì thế đàn bò lúc nào cũng béo tốt.
Mặc dù đã bước qua tuổi 70, sức khỏe đã giảm đi nhiều, nhưng ông Sinh canh cánh trong lòng làm sao để người dân Hà Nhì trên cao nguyên Tá Miếu có cuộc sống tốt hơn. “Tôi bây giờ như người về ở ẩn, gia sản cũng đã chia cho con cháu. Nhưng vẫn muốn hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con trong xã phát triển kinh tế. Mình có tuổi rồi, phải hướng dẫn lớp trẻ làm ăn tốt, như thế mới yên tâm”.
Nguồn: Dân Việt (link)