CLIP: Mô hình nuôi ong lấy mật của tổ hợp tác mật ong xã Hợp Thành (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đang mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao cho bà con nơi đây. Clip: Hà Thanh
Tận dụng ưu thế từ rừng, nhiều năm nay, bà con ở xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật.
Tuy nhiên trước đây, việc nuôi ong và sản xuất mật ong của bà con chủ yếu theo phương thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, không có kỹ thuật nên sản lượng mật ong chưa cao.
Bên cạnh đó, do khả năng tiếp cận thị trường chưa tốt, nên sản phẩm mật ong của bà con làm ra ít được người tiêu dùng biết đến. Chính vì vậy, để nâng cao giá trị sản phẩm mật ong trên thị trường, năm 2021, tổ hợp tác ong mật xã Hợp Thành được thành lập với 7 thành viên tham gia.
Từ khi thành lập, ngoài việc tập huấn kiến thức về kỹ thuật nuôi ong, tổ hợp tác còn nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng.
Nhờ đó, sản phẩm của tổ hợp tác sản xuất ra trong thời gian qua không những tăng về sản lượng mà còn được rất nhiều người tiêu dùng biết đến.
Ông Ma Văn Hà, Tổ trưởng tổ hợp tác ong mật xã Hợp Thành cho biết: “Gia đình tôi nuôi ong được khoảng 20 năm nay. Đầu tiên gia đình chỉ nuôi nhỏ lẻ thôi, nhưng các đàn ong cũng dần bay đi nhiều lắm. Sau này được đi học và tiếp cận kỹ thuật nuôi, đến nay gia đình tôi bắt đầu nuôi quy củ hơn và đã nhân giống từ 50 đàn lên 180 đàn”.
Theo ông Hà, đối với con ong mật, trong quá trình sinh trưởng phát triển chủ yếu mắc bệnh thối ấu trùng. Khi ong đã mắc bệnh này sẽ rất khó chữa nên cần phòng bệnh là chính.
Ngoài ra, vào mùa thiếu hoa, cần chú ý bổ sung phấn hoa và bột đậu tương cho ong để duy trì sự sống cũng như giúp ong sinh sản và nuôi con đàn kế tiếp. Về cơ bản nuôi ong không quá khó, lại không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần chú tâm và để ý là có thể nuôi được.
Nhờ ưu thế từ rừng cùng với chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế lại cao nên trong khoảng thời gian từ năm 2021 trở lại đây, số lượng đàn ong của tổ hợp tác ong mật xã Hợp Thành đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, tổ hợp tác có khoảng 600 đàn ong và đang có xu thế ngày càng tăng thêm.
Do có chất lượng thơm ngon, nên sản phẩm mật ong của tổ hợp tác đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh.
Chỉ tính riêng năm 2022, tổ hợp tác đã xuất bán ra thị trường trên 10.000 lít mật ong, với giá bán trung bình 150.000 đồng/lít, đem về doanh thu gần 1,4 tỷ đồng. Đến nay, sản phẩm mật ong của tổ hợp tác đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh việc bán hàng theo phương thức truyền thống, tổ hợp tác còn áp dụng phương thức bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử nên hiệu quả rất cao.
“Hiện chúng tôi đang muốn tiến tới thành lập HTX để xây dựng thương hiệu mật ong và vươn xa hơn nữa trên thị trường” – ông Hà chia sẻ.
Với việc chăn nuôi ong như hiện nay, tổ hợp tác ong mật xã Hợp Thành đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15 – 20 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lương Thanh Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Thành cho biết, tổ hợp tác ong mật xã Hợp Thành đã nhen nhóm và phát triển từ những năm 2019. Đến năm 2021, được sự quan tâm của Hội Nông dân xã, Hội Nông dân huyện và tỉnh đã thành lập tổ hợp tác.
Đến năm 2022, UBND xã Hợp Thành mới kiện toàn lại với tổng số 7 thành viên. Việc bà con trong xã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật đã mang lại hiệu quả tương đối cao so với một số mô hình chăn nuôi khác do chi phí đầu tư thấp.
Năm 2023, sản phẩm mật ong Núi Chúa của tổ hợp tác xã Hợp Thành đã được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 6.
Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm của tổ hợp tác được quảng bá rộng rãi, từ đó giúp khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Nguồn: Dân Việt (link)