Từ năm 2018, mô hình nuôi dê sinh sản đã được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ. Nguồn vốn hỗ trợ ban đầu từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người dân phát huy hiệu quả diện tích canh tác và nguồn thức ăn sẵn có. Sau khi vận động người dân tham gia, đến nay mô hình nuôi dê sinh sản từ 10 hộ đã tăng lên 26 hộ, nhân rộng từ 2 ấp lên 5 ấp, ổn định đời sống cho người dân địa phương.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Dương Quí ở ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái chỉ làm ruộng nên đời sống gia đình bấp bênh, không đủ sống. Vì thế, gia đình ông Quí là hộ cận nghèo nhiều năm liền ở xã.
Năm 2019, ông Quí được Hội Nông dân TP. Cần Thơ hỗ trợ 4 con dê giống để nuôi. Sau một thời gian chăm bẵm, đàn dê đã sinh trưởng mỗi năm một tăng dần. Hiện nay, đàn dê của ông đã phát triển tốt, tăng lên 38 con. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chỉ trong vòng 3 năm, gia đình ông Quí từ hộ cận nghèo đã hoàn toàn thoát nghèo với thu nhập 70 triệu đồng/năm.
Ông Quí chia sẻ: “Năm 2019 gia đình tôi được Hội Nông dân TP. Cần Thơ cho vay 4 con dê giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Lúc mới nuôi chưa có kinh nghiệm, Hội Nông dân xã Nhơn Ái cũng hỗ trợ nhiệt tình, mở các lớp tập huấn để tôi có cơ hội tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi dê. Ban đầu ít kinh nghiệm nên nuôi cũng khó khăn, nhưng nếu kiên trì học hỏi được kỹ thuật thì giai đoạn sau nuôi rất “nhàn”.
Chăn nuôi dê có vốn đầu tư thấp, dê chủ yếu ăn cỏ, xác đậu nành, phụ phẩm công nghiệp nên cũng dễ chăm sóc. Trung bình 6 tháng là dê cái đẻ, mỗi lứa từ 2 – 3 con. Sau khi nuôi khoảng 4 tháng, dê có trọng lượng bình quân 25kg sẽ xuất bán. Với giá bán hơn 100.000 đồng/kg, chăn nuôi dê đem lại thu nhập ổn định. Nhìn chung, đây là mô hình rất phù hợp với gia đình ít đất sản xuất, đặc biệt là hộ nghèo”.
Tương tự gia đình anh Quí, nhờ chăn nuôi dê Boer lai mà gia đình anh Trần Văn Đông (ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái) đã thu về hơn 50 triệu đồng/năm sau khi trừ đi các chi phí. Anh Đông bộc bạch: “Gia đình tôi cũng được Hội Nông dân TP. Cần Thơ hỗ trợ 10 con dê giống, trong quá trình nuôi tôi nhận thấy loại dê này dễ chăm sóc, sức khỏe tốt, hiện đàn dê nhà tôi đã tăng lên 45 con.”
Chăn nuôi dê rất “ngợi”, dê là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây, phụ phẩm công nghiệp nên rất dễ tìm kiếm. Dê cũng có sức đề kháng cao, ít bệnh hơn so với nuôi lợn, gà… nên không gặp rủi ro nhiều. Bên cạnh đó, phân dê còn rất tốt cho việc cải tạo đất trồng, gia đình ông Đông thường xuyên ủ phân dê rồi đem bón cho vườn nhà.
“Nhìn chung, vốn đầu tư cho cơ sở vật chất, chuồng trại, và thức ăn cho dê là khá thấp, và giá bán thịt dê ổn định. Thịt dê không chỉ mềm mại mà còn thơm ngon, thương lái thường tìm đến mua để cung cấp cho các quán ăn và nhà hàng. Điều này làm cho mô hình nuôi dê trở nên dễ phát triển và nhân rộng” – Anh Đông phấn khởi nói.
Trao đổi về mô hình nuôi dê sinh sản, ông Nguyễn Văn Phúc – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Ái chia sẻ: “Trong thời gian gần đây, mô hình chăn nuôi dê sinh sản đã mang lại giá trị kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương trên địa bàn xã Nhơn Ái. Tuy nhiên, thời điểm này kinh tế khó khăn, giá dê giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của nhiều hộ dân. Hội Nông dân xã Nhơn Ái sẽ tích cực định hướng, hỗ trợ người dân hết mình để có thể tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình nuôi dê trong thời gian tới”.
Nguồn: Dân Việt (link)