Trong xu thế phát triển công nghệ hiện đại ngày nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cải thiện môi trường.
Là người tiên phong đi đầu trong việc mạnh dạn thay đổi tư duy, thay đổi phương thức canh tác chăn nuôi truyền thống sang áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến vào sản xuất, ông Đào Văn Viền, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) được biết đến là chủ trang trại cá nuôi lớn nhất trong huyện, áp dụng thành công mô hình nuôi cá công nghệ “sông trong ao”.
Toàn cảnh trang trại nuôi cá công nghệ sông trong ao của gia đình ông Đào Văn Viền, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương).
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, ông Đào Văn Viền luôn ấp ủ ước mơ tìm ra mô hình phát triển kinh tế phù hợp để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nhận thấy địa phương có một số diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp thường xuyên bị ngập nước, bỏ hoang. Năm 2015 sau một chuyến thăm quan mô hình thủy sản nuôi cá “sông trong ao” tại Hải Phòng, ông Viền nhìn thấy cơ hội phát triển kinh tế từ mô hình này.
Nuôi cá công nghệ sông trong ao có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp nuôi cá truyền thống, phù hợp với điều kiện địa phương nên ông Viền đã quyết định đấu thầu 20 ha ruộng trũng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đào ao thả cá.
Sau khi nắm vững được kỹ thuật quản lý và nguyên lý hoạt động của mô hình nuôi cá sông trong ao. Ông Viền quyết định đầu tư phát triển mô hình này mà không phải áp dụng cách nuôi truyền thống. Bởi, với phương thức nuôi thả cá như hiện tại vẫn có nhiều rủi ro vì diện tích ao nuôi lớn nhưng năng suất cá vẫn chưa cao, người nông dân vẫn phải bỏ rất nhiều công sức trong chăm sóc, vệ sinh và thu hoạch.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình nuôi cá “sông trong ao” của gia đình ông Viền bất cứ ai cũng phải trầm trồ về quy mô ao nuôi rộng lớn, được thiết kế bài bản, khoa học.
Xung quanh bờ ao được kiên cố hóa, hệ thống tạo oxy, cấp và thoát nước điều khiển hoàn toàn tự động. Đây là công nghệ mới, hoạt động dựa trên nguyên lý tạo dòng nước tuần hoàn trong ao bằng hệ thống sục khí.
Nuôi cá theo hình thức sông trong ao là mô hình công nghệ cao yêu cầu hệ thống ao phải có đủ diện tích. Mỗi ha diện tích ao sẽ làm được 2 bể với kích thước mỗi bể 250 m3 với chiều dài 25 m, chiều rộng 5 m, chiều sâu 2 m.
Đầu các bể có đặt các hệ thống thổi khí, ống dẫn khí để tạo dòng chảy tuần hoàn. Mô hình nuôi cá trong ao nhưng lại như là sống ở trong sông với nguồn nước chảy tuần hoàn suốt ngày đêm. Cá được nuôi trong bể có nước chảy liên tục sẽ hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng 24/24 giờ.
Nước chảy tuần hoàn liên tục và được thổi khí trực tiếp nên rất giàu oxy. Hàm lượng khí oxy tăng lên gần 2 đến 3 lần so với hàm lượng oxy đối với điều kiện nước tĩnh thông thường. Điều này làm cho môi trường nuôi sạch, dòng chảy được tạo ra trong ao bắt cá phải bơi ngược dòng, thịt thơm ngon, chắc….
Cận cảnh mô hình nuôi cá công nghệ sông trong ao của gia đình ông Đào Văn Viền, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương).
Cách nuôi cá sông trong ao này giống như cho cá tập gym, thể dục, thể hình cho cá. Chất lượng cá khác hẳn với cá thông thường, môi trường bền vững thân thiện với môi trường, quản lý được dịch bệnh, quản lý được lượng thức ăn của con cá.
Cá vận động không ngừng nghỉ nên cá khỏe mạnh và chóng lớn. Cá có thể nuôi với mật độ cao, nuôi được nhiều vụ trong năm nên năng suất và sản lượng cũng cao gấp từ 2 đến 3 lần so với điều kiện nuôi trong ao thường.
Khu vực ao nuôi ông Viền lắp đặt toàn bộ máng cám cho ăn tự động, chỉ cần bấm nút cám sẽ được đưa thẳng xuống mặt ao cho cá ăn.
Do cá luôn nổi hoạt động nên ông Viền có thể xác định trọng lượng điều tiết lượng thức ăn cho phù hợp đồng thời tránh được lượng cám dư thừa gây lãng phí thức ăn gây ô nhiễm nguồn nước. Phía cuối bể có hệ thống xi phông để hút phân, chất thải, thức ăn dư thừa.
Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là thu hồi, xử lý được chất thải sau nhiều vụ nuôi; diện tích bể nuôi chỉ bằng 1/20 diện tích ao nên rất thuận tiện trong khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch. Với phương pháp này tạo môi trường nước sạch, tỷ lệ cá sống đạt khoảng 95%, lượng thức ăn sử dụng giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, thịt cá săn chắc, bảo vệ tốt cho môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi ông Viền còn sử dụng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi; thường xuyên bổ sung các loại vitamin trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Việc cho ăn đầy đủ, môi trường nước đảm bảo và sử dụng hệ thống tạo ôxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn.
Nuôi theo mô hình “sông trong ao” cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên, tạo ra các sản phẩm an toàn và sạch, đồng thời giúp xóa bỏ tập quán làm ăn nhỏ lẻ của người dân, hướng tới sản xuất bền vững.
Với nhiều ưu điểm vượt trội, mô hình nuôi cá “sông trong ao” của ông Viền đã cho năng suất cao gấp 2 – 3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống. Mỗi năm gia đình ông Viền xuất bán trên 500 tấn cá, với doanh thu hàng chục tỷ/năm, trừ chi phí cho thu lãi hàng tỷ đồng/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường, tạo ra nguồn thủy sản sạch.
Hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Đào Văn Viền đã cho thấy khả năng tư duy nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế của gia đình.
Với một tư duy nhạy bén cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm của ông Đào Văn Viền, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” đang mở ra hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản tại xã Tân Hương (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).
Đó là hướng đi nhiều triển vọng giúp người chăn nuôi khắc phục được các yếu tố bất lợi về nguồn nước, môi trường và chi phí đầu tư. Công nghệ mới cùng với sự quyết tâm, sẵn sàng thay đổi của người nông dân đang góp phần giúp những người nông dân sớm tìm ra cách làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình.
Mô hình đang là điểm đến cho nhiều hộ nông dân trong và ngoài tỉnh thăm quan, học tập, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho những nông dân yêu thích, đam mê và mong muốn làm giàu từ nghề nuôi trồng thủy sản.
Nguồn: Dân Việt (link)