Clip: Trại nuôi cá sấu của anh Tôn Văn Sồi, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Nuôi con vật nhiều người trông thấy “hết hồn”
Về vùng miệt Thứ, Kiên Giang, hỏi thăm trại nuôi cá sấu của anh Tôn Văn Sồi (ấp Bảy Xáng 1, xã Đông Hoà, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) ai cũng biết, bở ở vùng đất này chỉ có anh Sồi mới nuôi con vật lạ đời, không giống ai- nuôi cá sấu.
Anh Sồi chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, trước đây anh làm nghề bán cá mồi cho các trang trại nuôi cá sấu trong khu vực ĐBSCL và một vài trại bên Campuchia.
Thấy nghề nuôi cá sấu độc lạ, nên những lúc giao cá rảnh anh hay nán ngồi lại với chủ trại trao đổi thêm kỹ thuật nuôi. Dần dà anh thấy kỹ thuật nuôi cá sấu không quá khó, thổ nhưỡng vùng đất miệt Thứ An Minh thích hợp với con cá sấu nên anh Sồi quyết định xây trại nuôi cá sấu.
“Lúc mới làm trại nuôi, bạn bè và bà con trong xóm bảo tôi khùng. Ở vùng đất này trăm năm nay người dân trồng lúa, nuôi tôm, cua, cá thát lát… chứ có ai đi nuôi cá sấu, nhưng tôi bỏ qua hết lời đàm tiếu, cứ việc mình thì mình làm”- Anh Sồi kể lại.
Năm 2017 anh Sồi triển khai xây trại nuôi cá sấu. Ít vốn, ban anh đầu tư 40 triệu đồng xây 3 chuồng nuôi cá sấu, mỗi chuồng 50m2, thả nuôi tổng cộng 400 con.
Nhờ nắm kỹ thuật nuôi cá sầu và quen với các chủ trại nuôi trước nên vụ cá sấu đầu tiên anh nuôi vô cùng thuận lợi. Sau 18 tháng, vụ cá sấu đầu tiên mỗi con khoảng 15kg, anh xuất bán với giá 125 nghìn đồng/kg. Vụ này trừ chi phí anh lời được trên 100 triệu đồng.
Sau thành công bước đầu, cuối năm 2018 anh Sồi quyết định tăng đàn lên 1.200 con, xây thêm 6 chuồng. Tiếp tục vụ thứ 2, sau 18 tháng anh bán cá loại size 15kg, với giá 115 nghìn đồng/kg. Đợt này anh lời hơn 300 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Sồi cho biết, kỹ thuật nuôi cá sấu không khó, chỉ cần cho ăn, thay nước theo định kỳ, cá lớn đến lứa là xuất bán. Với cá sấu, cứ 2-3 ngày cho ăn 1 lần, khi cá lớn nuôi duy trì có thể nửa tháng hoặc 1 tháng cho ăn 1 lần vẫn được. Và cứ khoảng 2 tháng thay nước 1 lần, vào mùa nắng thì 1 tháng thay 1 lần. Vì thế nuôi cá sấu ít tốn công chăm sóc, còn thời gian rảnh rỗi làm được việc khác.
Về thức ăn cho cá sấu cũng dễ, có thể cho ăn tất cả các loại cá mồi (cá biển, cá phi), trại cá sấu của anh Sồi chủ yếu cho ăn cá phi.
Tuy nhiên, để giảm chi phí thức ăn, khu vực anh gần biểu nên anh Sồi mở xưởng gia công cắt đầu cá, lấy phần thân cá bán cho các chợ, còn phụ phẩm như đầu cá, ruột cá (phần lớn là cá biển) anh phụ thêm vào thức ăn. Với phần phụ phẩm từ đầu cá này anh giảm được khoảng 30% chi phí thức ăn…
Thừa thắng xông lên, năm 2020 anh quyết định mở rộng trại nuôi lên nuôi 4.000 con cá sấu. Nhưng lần này thì may mắn đã không mỉm cười với anh như hai đợt nuôi trước, đại dịch Covid-19 bùng phát, cá đến lứa nhưng bán ra không được, thương lái ép giá… nên anh gặp rất nhiều khó khăn.
Để duy trì đàn cá sấu, chờ qua dịch cá có giá lại, anh vay tiền ngân hàng mua thức ăn cho cá ăn duy trì (mỗi tháng cho ăn 1 lần). Sau dịch bệnh, dự đoán thị trường cá hút trở lại, anh tiếp tục tăng đàn thêm 2.000 con. Hiện nay, trại cá sấu của anh có tổng cộng 26 chuồng, với 6.000 con cá sấu lớn nhỏ. Trong đó có khoảng 1.500 con lớn khoảng 30-35kg; còn lại là size 11-20kg và size dưới 11kg.
Chuẩn bị xuất bán thu tiền tỷ tiền tỷ
Để tận dụng nguồn thức ăn thừa từ trại nuôi cá sấu và lọc nước thải từ trại, bảo vệ môi trường, anh Sồi đã đào ao nuôi cá thát lát cườm giữa chuồng cá sấu. Hiện anh đang nuôi thử nghiệm 20 nghìn con cá thát lát, cá có trọng lượng 300-400g/con.
“Cá thát lát cườm là loại cá dễ nuôi, có giá ổn định trên thị trường hiện nay, thường giao động từ 65-70 nghìn đồng/kg. Với số lượng cá của mình, ước đoán thu hoạch lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng”- anh Sồi tiết lộ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt.
Hiện nay, thị trường cá sấu đã nhộn nhịp trở lại, với đàn cá sấu 6.000 con các loại size, giá thị trường hiện tại size 30-35kg/con có giá 68 nghìn đồng/kg; cá size 11-20kg giá 87 nghìn đồng/kg; cá dưới 11kg/con có giá 800 nghìn đồng/con.
Tuy nhiên, theo tính toán của anh Sồi, với giá cá sấu hiện nay vẫn còn thấp so với trước dịch bệnh Covid-19, nếu bán hết 6.000 con cá sấu của trại hiện tại anh thu khoảng 6 tỷ đồng, trừ chi phí anh còn lời khoảng hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Sồi tìm hiểu hiện cá sấu đang tăng giá nên anh đợi thêm thời gian khi giá tăng thêm anh sẽ xuất bán.
Anh Sồi cũng cho biết, sau đợt cá sấu này anh sẽ tái đàn, tăng số lượng và mở xưởng gia công sản phẩm từ cá sấu. Đồng thời mở rộng diện tích nuôi cá thát thát ao lắng để lọc nước, vệ sinh môi trường và tăng thu nhập.
“Nếu có xưởng gia công sản phẩm từ cá sấu, những lúc thị trường đầu ra khó mình cũng không lo. Hiện tôi đang học kỹ thuật gia công các loại sản phẩm từ cá sấu, đến đàn sau có thể triển khai được”- Anh Sồi chia sẻ.
Hiện nay trại nuôi cá sấu và cơ sở cắt đầu cá của anh Sồi đang sử dụng khoảng 15 lao động, thu nhập giao động từ 3-10 triệu đồng/tháng. Nếu mở thêm cơ sở gia công sản phẩm từ cá sấu, theo anh Sồi phải nhận thêm từ 5-7 lao động mới làm hết công việc của trại.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025
Nguồn: Dân Việt (link)