Nuôi lợn bằng thảo dược
Clip: Chị Nguyễn Thị Hoài Sen (ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về việc nuôi lợn bằng thảo dược
Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Hoài Sen (SN 1991, ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ gắn bó với hạt lúa, củ khoai, nuôi lợn, gà nên công việc thấm vào trong người. Vốn có đam mê khởi nghiệp, tôi nhiều lần suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế. Đến năm 2019, khi tôi gặp biến cố gia đình, điều ấy lại thôi thúc và đưa tôi tới quyết định nuôi lợn trên mảnh đất quê hương”.
“Khi bắt tay vào nuôi lợn, ban đầu tôi cũng nuôi theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao còn gặp rủi ro dịch bệnh, giá bán lao dốc. Sau khi tìm hiểu sách báo, đi nhiều nơi học hỏi, tôi đã thử nghiệm nuôi lợn bằng thảo dược”, chị Sen nói.
Theo chị Hoài Sen, giai đoạn thử nghiệm, chị chỉ nuôi 10 con lợn và gặp rất nhiều vấn đề phát sinh như lợn nuôi không lớn, thường hay đi phân lỏng, cứng lông, kèm theo chi phí thực hiện các thí nghiệm tốn kém.
Không nản chí, chị Sen dành thời gian tìm nguyên nhân và chị nhận ra rằng đàn lợn nuôi không lớn vì bị thiếu dinh dưỡng do ăn toàn thảo dược tự nhiên không có chất đạm. Sau đó, chị đi mua cá biển tươi chế thành đạm dinh dưỡng và đưa vào khẩu phần ăn của lợn.
Cuối cùng, trái ngọt cũng đã đến, lợn chị nuôi lớn rất nhanh, sức đề kháng cao và ít khi bị bệnh, đàn lợn chỉ trong mấy tháng là xuất chuồng với màu da trắng hồng, khách hàng rất thích.
Từ đó, chị Sen vay ngân hàng mở rộng khu chuồng và tăng số lượng đàn nuôi. Hiện chị có 2 dãy chuồng với diện tích 1.200 m2 và nuôi 60 lợn nái, 600 lợn thịt.
Đặc biệt, khu vực trang trại của chị rộng 1,5 ha nằm cách xa khu dân cư 500m, không có nhà máy xung quanh nên không khí rất trong lành.
Khu vực này được trồng xen canh 4 tầng cây để giảm thiểu tác động của bão, giúp chăn nuôi hạn chế dịch bệnh.
Tầng trên cùng cao nhất trồng cây phi lao và cây cao su để chắn gió bão. Tầng cao thứ 2 trồng cây ăn trái để thu hái quả. Tầng cao thứ 3 trồng cây hoàn ngọc để làm thức ăn bổ sung cho lợn và tầng thứ 4 thấp nhất trồng các cây họ đậu, đỗ như đỗ tương, đỗ xanh, đỗ đen, lạc… Các loại hạt được thu gom để bán, đỗ tương được dùng làm thức ăn cho lợn, còn toàn bộ thân cây sẽ đem ủ cùng phân lợn để làm thành phân vi sinh bón cho cây và cải tạo đất.
Để giảm thiểu mùi hôi từ chuồng nuôi, chị Sen còn tự làm dung dịch sát trùng và khử mùi hôi theo phương pháp IMO4 và phun dung dịch này hàng ngày vào từng ô chuồng nuôi bằng hệ thống phun sương bán tự động.
Chia sẻ kinh nghiệm
Chị Nguyễn Thị Hoài Sen chia sẻ: “Mất khoảng 1 năm để tôi nghiên cứu, pha trộn và tạo ra thức ăn để lợn có thể hấp thụ được. Tôi tận dụng thế mạnh của bà con nông dân tại địa phương với các loại cây thảo dược thường trồng, như: Đinh lăng, hoàn ngọc, nghệ, gừng… và một số loại thảo dược khác, vừa là để tiêu thụ giúp bà con, vừa phối trộn bổ sung vào thức ăn cùng với ngô, khoai, sắn, đậu tương, lạc, bột cá, bột vỏ ngao… để đàn lợn có sức đề kháng tốt, bảo đảm chất lượng thịt”.
“Các loại thảo dược sẽ được băm nhuyễn, trộn với cám theo tỷ lệ nhất định rồi nén thành hạt, bên cạnh đó, dùng cá biển tươi chế thành đạm dinh dưỡng và đưa vào khẩu phần ăn của lợn. Bằng cách này, lợn được nạp chất dinh dưỡng nguyên chất vào cơ thể, đồng thời các loại thảo dược giúp heo ít gặp bệnh, thịt thơm ngon hơn”, Chị Sen nói.
Theo chị Sen, việc nuôi lợn bằng thảo dược có chi phí rẻ hơn gần 50% so với cho ăn cám công nghiệp truyền thống, tuy nhiên, thời gian để lợn phát triển đủ điều kiện xuất chuồng sẽ lâu hơn.
Trung bình mỗi năm, trang trại nuôi lợn thảo dược của chị Sen xuất chuồng khoảng 1.200 con lợn thương phẩm. Mỗi con lợn xuất chuồng có trọng lượng trên 100kg. Để đảm bảo nguồn con giống, chị Sen có khu nuôi lợn nái 60 con. Do tự cung ứng được nguồn lợn giống nên gần như tháng nào trang trại cũng xuất bán lợn thương phẩm.
Được biết, trang trại của chị Sen đạt mốc doanh thu 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm với mức lương ổn định cho 10 lao động tại địa phương. Chị Sen cũng bày tỏ mong muốn đến năm 2025, mô hình này sẽ trở thành đơn vị tiên phong và điển hình của tỉnh trong tổ chức nuôi lợn thảo dược theo mô hình liên kết chuỗi giá trị có kiểm soát.
Hướng đến sản phẩm đạt chuẩn OCOP
Hiện chị Nguyễn Thị Hoài Sen đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Tâm Sen và xây dựng xưởng chế biến các sản phẩm từ thịt lợn nuôi bằng thảo dược.
“Hợp tác xã của tôi đang làm các sản phẩm từ thịt lợn thảo dược, như: Chả lợn; giò lợn; xúc xích; da lợn… Tôi đang đăng ký bảo hộ thương hiệu và hướng đến các sản phẩm này đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới”, chị Sen cho hay.
Theo chị Sen, thương hiệu thịt heo thảo dược Tâm Sen không chỉ bày bán ở trong tỉnh mà còn mở rộng ra Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và tới đây chị sẽ khai trương một cửa hàng ở Hà Nội.
Chị Sen tâm niệm: “Tôi làm từ tâm, hướng tới sức khỏe người tiêu dùng nên trong các khâu đều chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cũng mong rằng, có một ngày thịt heo thảo dược của tôi sẽ trở thành nguyên liệu chế biến thức ăn tại các trường học để các em học sinh được dùng sản phẩm chất lượng, an toàn nhất”.
Ngoài tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, chị Sen còn tập trung đẩy mạnh quảng bá quy trình chăn nuôi và sản phẩm trên các phương tiện truyền thông online cho khách hàng, livestream để khách hàng có thể dễ dàng đặt hàng qua facebook, zalo.
Vừa qua, dự án “nuôi heo bằng thảo dược” của chị Nguyễn Thị Hoài Sen đã được trao giải đặc biệt tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 cấp vùng miền Trung và giải nhì toàn quốc.
“Mô hình nuôi lợn bằng thảo dược của Hoài Sen là hướng đi rất mới ở địa phương, với cách nuôi này, lợn có sức đề kháng tốt, ít gặp bệnh, thịt chất lượng hơn. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đồng hành cùng Hoài Sen trong việc xây dựng thương hiệu, hướng tới đạt chuẩn OCOP và tận dụng các nền tảng công nghệ để đưa sản phẩm tới gần hơn với khách hàng”, ông Phan Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Nguồn: Dân Việt (link)