Huyện biên giới ở Đắk Nông tiên phong về đích nông thôn mới của vùng Tây Nguyên
Mục lục
Là huyện biên giới đầu tiên của Tây Nguyên hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Đắk Mil (Đắk Nông) đang vươn mình mạnh mẽ với sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân.
Vụ mùa cà phê vừa qua kết thúc trong niềm hân hoan khi giá cả đạt mức cao nhất trong lịch sử. Người dân thôn Đức An, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) càng thêm phấn khởi khi kinh tế khởi sắc, làng quê đổi thay từng ngày. Hai bên đường, sắc hoa rực rỡ, cảnh quan xanh mát.

Ông Nông Minh Thước, người dân thôn Đức An, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, chia sẻ kinh tế của bà con trong thôn ngày càng ổn định, nhờ đó mọi người có điều kiện quan tâm hơn đến việc trồng cây xanh, hoa kiểng, góp phần tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho đường làng, ngõ xóm.
Ông Nông Minh Thước, một người dân thôn Đức An, vui mừng chia sẻ: “Gia đình nào ở đây cũng ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Khi kinh tế ổn định, bà con càng có điều kiện chăm chút cho làng xóm thêm sạch đẹp. Tôi sống ở đây hơn 30 năm, chứng kiến cảnh quê hương từ nghèo khó đến nay đường sá khang trang, đời sống nâng cao, thật sự rất đáng mừng.”
Thôn Đức An hiện có hơn 400 hộ dân, từ năm 2022 đã không còn hộ nghèo. Với diện tích hơn 560ha trồng cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, người dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả, giàu có. Các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ngày càng phát triển, góp phần gia tăng giá trị kinh tế.

Cổng chào khang trang ở thôn Đức An, minh chứng cho sự đổi thay của nông thôn mới.
Bên cạnh phát triển kinh tế, người dân còn chung tay xây dựng các công trình công cộng. Những tuyến đường bê tông kiên cố, những hàng cây xanh mát được vun trồng từ công sức của nhân dân, tạo nên một diện mạo nông thôn xanh – sạch – đẹp.
Ông Tôn Quốc Trưởng, Trưởng thôn Đức An, cho biết: “Thôn chúng tôi đã đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và đang phấn đấu trở thành vùng nông thôn thông minh, hiện đại. Người dân không chỉ đóng góp tiền của mà còn tích cực tham gia xây dựng cảnh quan, phát triển cộng đồng.”
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An Lê Xuân Lý, hành trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương trải qua nhiều khó khăn nhưng đã gặt hái thành công nhờ chiến lược đầu tư trọng tâm vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Nhờ đó, tiềm năng kinh tế được khai phá, thúc đẩy các ngành nghề phát triển.

Những tuyến đường giao thông mới giúp việc vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.
“Năm 2018, xã Thuận An đạt chuẩn nông thôn mới, đến cuối năm 2023 tiếp tục đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chúng tôi không dừng lại ở đó mà đang hướng đến mục tiêu trở thành nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc, mà là hành trình liên tục để nâng cao chất lượng sống cho người dân”, ông Lý nhấn mạnh.
Phát triển từ nội lực, lấy dân làm trung tâm giúp kinh tế khởi sắc, đời sống nâng cao
Huyện Đắk Mil, thủ phủ nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh Đắk Nông, xác định phát triển bền vững phải dựa trên nội lực địa phương. Người dân không chỉ thụ hưởng mà còn đóng vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Mọi dự án, công trình đều được triển khai theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đảm bảo sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân.

Tuyến đường nông thôn mới với những hàng cây xanh, những cây hoa giấy rất đẹp mắt.

Những con đường khang trang rực rỡ sắc hoa, tô điểm cho diện mạo nông thôn mới ở Đắk Mil.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng NNPTNT huyện Đắk Mil, đến nay, 9/9 xã trong huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
“Mục tiêu năm 2025, huyện Đắk Mil chính thức trở thành huyện nông thôn mới đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn chờ cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao năng suất và thu nhập.”
Sự phát triển của Đắk Mil không chỉ thể hiện qua các tiêu chí nông thôn mới mà còn qua thu nhập và mức sống của người dân.
Nông dân giàu, sắm xe hơi nhờ trồng “cây tiền tỷ”
Theo thống kê của UBND huyện Đắk Mil, trong năm 2024, người dân trên địa bàn huyện đã mua hơn 1.000 ô tô các loại. Đây là số lượng ô tô cao nhất mà người dân Đắk Mil từng mua trong một năm, phản ánh sự gia tăng đáng kể về thu nhập.
Điều này chủ yếu nhờ vào giá trị kinh tế cao từ các loại cây trồng chủ lực như sầu riêng, cà phê và hồ tiêu, đặc biệt khi giá nông sản tăng mạnh. Nhiều hộ gia đình có doanh thu và lợi nhuận đạt hàng tỷ đồng từ các mô hình canh tác hiện đại.

Người dân huyện Đắk Mil phấn khởi thu hoạch cà phê trong vụ mùa bội thu.
Hiện nay, huyện Đắk Mil có khoảng 22.000 ha cà phê với sản lượng hơn 55.000 tấn, mang lại nguồn thu ước tính hơn 6.600 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương có hơn 5.300 ha hồ tiêu, sầu riêng và một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, tất cả đều đạt năng suất tốt trong năm qua.
Tổng giá trị sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 71,36 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 182 tỷ đồng.
Cùng với đó, huyện Đắk Mil đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, huyện đã được công nhận hai vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gồm vùng cà phê tại xã Thuận An và vùng xoài tại xã Đắk Gằn. Ngoài ra, địa phương đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận vùng sản xuất cà phê công nghệ cao tại xã Đức Minh.
Về chương trình OCOP, năm 2024, huyện có 10 sản phẩm tham gia đánh giá, trong đó 8 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 1 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao. Đến nay, toàn huyện có tổng cộng 19 sản phẩm OCOP.

Người dân đang chế biến cà phê đặc sản (Một cơ sở sản xuất cà phê đạt OCOP 4 sao của huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông).

Vườn sầu riêng trĩu quả mang lại thu nhập cao cho nông dân huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, cho biết số lượng ô tô đăng ký mới trên địa bàn huyện trong năm 2024 đã vượt 1.000 chiếc, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế – xã hội địa phương.
“Đắk Mil có lợi thế về nông nghiệp với nền tảng vững chắc, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của huyện. Năm 2024, tất cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đều đạt và vượt kế hoạch”, ông Lê Văn Hoàng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 9,19%, gần gấp đôi mức tăng trưởng của tỉnh Đắk Nông.
Nhờ phát huy tối đa nội lực và sự chung sức của chính quyền và nhân dân, đời sống người dân Đắk Mil nói riêng và Đắk Nông nói chung đang từng ngày càng được nâng cao, không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu. Những bon làng trù phú, những miền quê giàu đẹp, đáng sống đang dần trở thành hiện thực.
Nguồn: Dân Việt (link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen