Khu vườn nhỏ với hàng ngàn chậu bonsai mini, siêu mini độc đáo như linh sam, hồng ngọc mai, mai chiếu thủy, sam hương… được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Trọng Tú ở xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài (Bình Phước). Điểm đặc biệt của khu vườn đó là các thế bonsai độc, lạ, không trùng lặp về hình khối cũng như kiểu dáng.
Đam mê cây kiểng từ nhỏ, Tú thường mê mẩn nhiều giờ ngồi nhìn cha của mình chăm sóc, uốn nắn, cắt tỉa, tạo dáng, xử lý cho những gốc bonsai.
Cha của Tú, ông Nguyễn Trọng Ân có hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng bonsai, cũng đang sở hữu hàng trăm chậu bonsai đủ chủng loại, thế, dáng độc, lạ.
Ông Ân bộc bạch: Để sưu tầm được những gốc bonsai độc, lạ, tôi đã lặn lội đi nhiều nơi tìm kiếm cây mới về trồng. Từ trồng cây, tôi dần yêu thích và say mê rồi gắn bó với nghề trồng cây cảnh lúc nào không hay. Thú chơi này cũng giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định.
Những gốc bonsai với vẻ đẹp kỳ vĩ, thanh tao được tạo ra từ đôi bàn tay của cha chính là nguồn cảm hứng để Tú quyết định khởi nghiệp từ môn nghệ thuật này. Chiêm ngưỡng bộ sưu tập bonsai của Tú, người xem không thể rời mắt bởi những cây bonsai tí hon, mini và siêu mini với nhiều dáng, thế độc đáo mang phong cách riêng của gen Z.
Chính tư duy mở của người trẻ đã mang đến sự mới lạ, phóng khoáng, lãng mạn trong từng gốc bonsai với đa dạng các thế cây hoành (nằm ngang), thế huyền (đổ xuống như thác đổ), thế bạt phong (gió thổi bạt về một phía nhưng cây vẫn hiên ngang đứng vững).
Mỗi chủ đề Tú đều khéo léo tạo cho cây thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có bố cục chặt chẽ và chuyển tải một thông điệp, một triết lý nhân sinh rất riêng.
Đến nay gia tài của Tú là 1.000 cây bonsai mini, mỗi cây là một tác phẩm sống, biến thiên và không có điểm kết. Dưới bàn tay tài hoa của Tú, mỗi cọng rễ, lát cắt trên thân cây đều thể hiện tâm tư, tình cảm và sự hiểu biết mà bạn trẻ này gửi gắm.
Ngoài những dáng căn bản như: dáng trực (thẳng), trực lắc, dáng huyền (dáng xiêu), dáng bay, dáng đổ đến bạt phong (gió lùa), đổ treo, dáng rừng, dáng thiên nhiên… đều được Tú kết hợp thêm với những bức tượng, đá để dáng cây thêm độc lạ, tự nhiên.
Nhìn những thân cây xù xì, thô ráp tưởng chừng vô tri, vô giác nhưng qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, chạm tới trái tim của người đam mê.
“Chơi bonsai cũng như đồ cổ, cây càng lâu năm càng có giá trị. Nếu trước đây, việc theo đuổi thú chơi bonsai, cây cảnh khá tốn kém thì hiện nay, giá cả cũng phong phú hơn. Một cây bonsai có giá từ vài trăm ngàn đến hàng trăm triệu đồng. Tùy chủng loại mà bonsai có giá khác nhau. Để duy trì niềm đam mê, mỗi tháng em thu về khoảng 30-40 triệu đồng từ việc trao đổi, bán cây cho những người có cùng sở thích” – Tú cho biết.
Phong trào phát triển sinh vật cảnh không chỉ dừng lại là thú vui tao nhã của những người đam mê mà còn là ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người. Mỗi tác phẩm sinh vật cảnh đều được xem là một tác phẩm nghệ thuật và là đứa con tinh thần thể hiện bàn tay, khối óc của người chơi. Kinh tế sinh vật cảnh còn được xem là “không giới hạn”, bởi giá của sinh vật cảnh luôn thay đổi và tùy thị hiếu người mua. Vì thế, số lượng người kinh doanh sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 530 hội viên là chủ các nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp tham gia.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Phú Riềng chia sẻ: “Chúng tôi đang phát triển thành hội nghề nghiệp để không chỉ tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế hội viên bền vững mà còn là nơi giao lưu, tham quan lý tưởng của những người đam mê mai, sanh, si cổ thụ. Từ những định hướng của các tổ hoạt động nghề nghiệp, hứa hẹn sẽ trở thành khu du lịch sinh thái đa dạng về cây – chim – đá, tạo nên thương hiệu cho Bình Phước.
Nguồn: Dân Việt (link)