Cả làng kéo đến xem cá lóc, cá chình nuôi dày đặc trong bể xi măng của ông nông dân Phú Yên

Thành công với mô hình nuôi cá lóc, nuôi cá chình

Ông Lê Tân cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi vịt, nhưng nhiều năm thất bại vì dịch bệnh cúm gia cầm, từ năm 2008 tôi chuyển sang nuôi cá lóc. Gia đình tôi đã cải tạo các bể xi măng nuôi vịt thành 4 bể nuôi cá lóc.

Mấy năm đầu gặp nhiều khó khăn vì cá không có đầu ra ổn định, gia đình phải bán lẻ tại các chợ, vô cùng vất vả. 

Nhiều người đến xem cá lóc, cá chình nuôi dày đặc trong bể xi măng của một ông nông dân Phú Yên - Ảnh 1.

Theo ông Tân, nguyên nhân không có người mua sỉ vì cá chưa đạt chất lượng. Vì vậy ông chuyển sang cho cá ăn mồi tươi hoàn toàn, không cho ăn thức ăn công nghiệp và tìm kiếm bạn hàng mua sỉ để giới thiệu sản phẩm. 

“Từ khi cho cá lóc ăn mồi tươi sống, thịt cá chắc, ngon như cá tự nhiên. Lúc này các đầu mối mua sỉ đến đặt hàng và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cá lóc thương phẩm nên đầu ra ổn định. Gia đình tôi mua thêm đất của các hộ dân liền kề, xây thêm một số bể để nuôi cá lóc” ông Tân cho biết thêm.

Đến nay diện tích nuôi cá lóc của gia đình ông Tân đã mở rộng lên gấp 3 lần so với ban đầu với hơn 3.000m2 (15 bể nuôi) và khoảng 1.000m2 ao trồng sen, có hệ thống cấp, thoát nước phục vụ quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. 

Bể trên nuôi cá lóc, bể dưới nuôi cá trê để giải quyết lượng thức ăn thừa. Nước thải của hệ thống nuôi cá được thải ra hồ trồng sen và nuôi cá rô phi.

Ông Lê Tân cho biết thêm, cá nuôi theo dạng gối đầu, không nuôi cùng một lúc nên luôn có cá xuất bán. Hiện mô hình nuôi cá của gia đình ông Lê Tân có khoảng 20.000 con cá lóc, 15.000 con cá trê, mỗi ngày đàn cá này ăn khoảng 150kg thức ăn tươi. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông có lợi nhuận từ nuôi cá khoảng 200-300 triệu đồng.

“Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Lê Tân rất phù hợp với địa phương, mô hình này thực hiện theo quy trình tuần hoàn khép kín nên có tính ổn định và bền vững. 

Địa phương đang hướng dẫn để gia đình ông Lê Tân phát triển mô hình này theo hướng trang trại, trong đó đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt là chủ lực” ông Huỳnh Thúc Khoa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TX Đông Hòa nhận xét.

Đầu tư đối tượng nuôi mới

Mới đây, gia đình ông Lê Tân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn triển khai mô hình Nuôi thương phẩm cá chình bông trong bể xi măng. 

Mô hình nuôi cá chình có diện tích gần 70m2, thả nuôi 680 con cá chình giống. Đến nay, cá chình đã nuôi hơn 2 tháng, phát triển tốt.

Ông Lê Tân cho biết: Nhờ có kinh nghiệm trong nuôi cá lóc, cá trê, cộng thêm các hướng dẫn của cán bộ khuyến ngư, hy vọng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm này sẽ thành công.

Theo ông Đào Mai Quốc Việt, Phó trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên, mô hình có tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu đồng, thời gian triển khai 12 tháng. 

Gia đình ông Tân được hỗ trợ 50% chi phí con giống và thức ăn. Cá chình rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường. Khi nước trong ao diễn biến xấu, cần kịp thời xử lý và thay nước. Mỗi lần thay nước không vượt quá 1/3 lượng nước trong ao và chỉ thay hơn 1/3 nước khi thật sự cần thiết, đồng thời ao nuôi cần duy trì hệ thống sục khí để cung cấp thêm ôxy cho cá chình phát triển. 

Cá chình là đối tượng có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Giá thu mua trên thị trường hiện nay khoảng 500.000-700.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Thúc Khoa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TX Đông Hòa, (tỉnh Phú Yên) cho biết: Mô hình nuôi cá chình thương phẩm sẽ tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, giúp nông dân tận dụng được diện tích đất vườn nhà để xây dựng bể nuôi, phát triển đối tượng nuôi có giá trị này.



Nguồn: Dân Việt (link)