Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, miền Bắc sẽ chịu tác động của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía tây nên nắng nóng kéo dài đến ngày 1/5. Miền Trung nhiều nơi nắng nóng trên 40 độ C, trong khi Nam Bộ và Tây Nguyên nắng nóng diện rộng suốt kỳ nghỉ lễ.
Bên cạnh việc chống nắng để phòng tránh bệnh tật, bảo vệ làn da thì việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm từ thực phẩm đường phố trong những ngày nắng nóng hiện nay cũng rất đáng lưu tâm.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3 người tử vong, 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Xót xa hơn cả là có nhiều học sinh trở thành nạn nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm.
PGS-TS. Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, sử dụng thực phẩm không an toàn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Nhất là thực phẩm đường phố, các chất bảo quản, phụ gia, hóa chất, phẩm màu có trong thực phẩm không ai đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài, nắng nóng vẫn đang tiếp tục bủa vây cả 3 miền đất nước, người dân càng cần chú ý khi đi du lịch, cẩn trọng trong việc ăn uống. Bởi lẽ, việc ăn uống trong quá trình di chuyển khi đi du lịch tại các địa phương, nhất là sử dụng thực phẩm đường phố trong thời tiết nóng bức dễ khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao hơn bình thường.
Tràn lan thực phẩm đường phố mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong thời tiết nắng nóng
Khảo sát tại một khu vực gần chợ Hà Đông (Hà Nội) cho thấy, hàng quán trong những ngày nghỉ lễ vẫn tấp nập, nhất là những món ăn đường phố như “xiên bẩn” vô cùng đắt khách. Chỉ 2000 đồng cho mỗi xiên đồ ăn, chút tương ớt chấm đậm đà cùng ly coca bán kèm, nhiều người có thể ăn say sưa món này không biết chán, cũng chẳng màng vị ngấy của món ăn.
“Xiên bẩn” là một trong những món ăn đường phố rất hút khách. (Ảnh: Tuấn Minh
Thế nhưng nhìn ra xung quanh gánh hàng “xiên bẩn”, người ta mới cảm thấy kinh hãi vì quá bẩn. Trong chảo dầu chiên đi chiên lại không biết bao nhiêu lần, những que “xiên bẩn” bốc mùi mỡ cháy khét, xung quanh là những túi đồ ăn cho thực khách chưa dùng đến, được vứt ngổn ngang dưới gầm bàn.
Là một trong những người con xa quê, Vũ Trà My (Hà Đông, Hà Nội) kể, nhân dịp nghỉ lễ kéo dài nên quyết định làm chuyến food tour về quê hương Nam Định. “Em đã nhịn cơm nhiều ngày, chỉ ăn trứng luộc và dưa chuột để về ăn mọi món ngon ở quê cha lần này đấy”, My cười và khoe. Thế nhưng, chuyến đi cũng khiến cô nàng lo ngại về chuyện an toàn thực phẩm và ngộ độc thức ăn trong những ngày nắng nóng này.
Bước vào một quán bánh đa cá rô, không khó để bạn order được bát canh cá thơm ngon, ngọt vị cá, chuẩn bị rau tươi. Ai ăn cũng phải xuýt xoa vì quá đỗi vừa miệng… Mọi chuyện sẽ hoàn hảo nếu nhìn vào quán xá thấy sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ ngoài vào trong, quán bánh đa cá rô có những cảnh tượng khiến người ăn phải rùng mình sợ ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: Tuấn Minh)
Thế nhưng, ngay từ khi bước vào quán, đập vào mắt thực khách đã là cảnh tưởng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ bàn nấu lộn xộn, những nồi nước dùng kém khâu bảo quản thực phẩm… Đến khi bước vào sâu hơn bên trong, cảnh tượng bát đũa chưa rửa, rau đang được rửa qua quýt thì mới thấy đáng sợ cỡ nào. Nếu bạn không “khuất mắt trông coi” mà bước thẳng lên tầng 2 thưởng thức canh cá thì chắc chắn sẽ ám ảnh không nuốt nổi.
Ở một quán bánh mì nổi tiếng trên đường Tràng Thi, My hồ hởi khoe: “Quán bánh mì này ngon nổi tiếng luôn chị ạ, dưa góp cũng ngon lạ kỳ, chưa quán nào vượt mặt”. Quả thực bánh rất ngon nhưng khi nhìn quang cảnh xung quanh quán, một người ăn uống sạch sẽ hoặc sợ ngộ độc thực phẩm có lẽ sẽ phải suy nghĩ lại. Thậm chí, người bán hàng còn không đeo bao tay để làm bánh mì bán cho khách.
Chủ quán không đeo bao tay trong quá trình làm bánh mì cho khách. (Ảnh: Tuấn Minh)
Các cửa hàng chân gà nướng rất hút khách nhưng cảnh tượng cũng không khác hơn là mấy khi nhìn vào cứ dấy lên nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những hình ảnh kém vệ sinh an toàn thực phẩm tại một quán gà nướng ở Nam Định. (Ảnh: Tuấn Minh)
Hàng sống xếp chồng lên nhau, dấy lên nguy cơ lây nhiễm chéo. Trong khi chân gà được nướng chín cũng vứt chỏng chơ ra giấy báo, do sự bất cẩn của người làm, quên chưa kịp xếp vào đĩa.
Hỏi thì My trả lời vô tư: “Ôi em thấy ở đâu cũng thế mà, ăn ngon là được, lần sau em cứ vào những hàng quán ngon mà ăn thôi. Em ăn nhiều lần rồi có sao đâu chị?”. Vừa nói, cô vừa kéo tay rủ rê, ngồi xuống ăn.
Chia sẻ của My cũng là chia sẻ của hầu hết nhiều người khi ăn thực phẩm đường phố, thích hàng quán vỉa hè. Chúng ta chỉ quan tâm đến ngon miệng chứ chưa hề nghĩ đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, ăn thực phẩm đường phố trong thời tiết nắng nóng ẩn chứa nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân bởi, thời tiết nóng thường làm cho thực phẩm dễ hỏng, nhanh ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Mọi loại thực phẩm đều có thể trở thành môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong khi thực phẩm đường phố nhiều nơi sơ sài quy trình bảo quản, chế biến, gặp thời tiết nóng như hiện nay rất dễ hỏng, nhanh ôi thiu.
Thực tế đã chứng minh điều đó. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí có trường hợp tử vong tại Nha Trang (Khánh Hòa) thời gian qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Đây là lời nhắc nhở đanh thép rằng chúng ta không thể coi nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không muốn phải trả giá, thậm chí bằng cả tính mạng.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi ăn thực phẩm đường phố trong những ngày nắng nóng
Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi ăn vỉa hè, đường phố trong những ngày nắng nóng, giới chuyên gia khuyến cáo:
– Chọn quán ăn sạch sẽ, thực phẩm an toàn: Cần chọn thực phẩm còn tươi, nên ưu tiên mua những thực phẩm tươi sống có bao gói, nhãn mác hàng hóa đúng quy định, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng; đối với các loại thực phẩm bao gói, cần chọn phẩm có nhãn mác rõ ràng, có đầy đủ nội dung theo quy định như: có địa chỉ sản xuất rõ ràng, có thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng, số công bố sản phẩm, ngày sản xuất và hạn sử dụng.
– Nhiều thực phẩm sống, như thịt gia súc, gia cầm, trứng và sữa chưa tiệt trùng có thể ô nhiễm các vi khuẩn gây bệnh, do đó các thực phẩm cần được đun nấu kỹ trước khi ăn.
– Thực phẩm nấu chín sẽ nguội dần khi để ở nhiệt độ thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Để đảm bảo an toàn nhất, chúng ta nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín.
– Nên chọn những quán ăn có khăn lau bát đĩa phải được thường xuyên thay và các dụng cụ nấu nướng phải thường xuyên rửa sạch hoặc luộc trước khi tái sử dụng. Khăn lau sàn nhà bếp phải được giặt sạch sẽ.
– Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cần phải tuân thủ việc đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, như điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người và nguyên liệu phụ gia thực phẩm.
– Nên tìm hiểu về thực phẩm địa phương và các món ăn đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày.
– Rửa tay sạch sẽ trước khi chuẩn bị và sử dụng thực phẩm.
Nguồn: Sức khỏe đời sống (Link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen