Nuôi gà gia công làm giàu
Những ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm trại gà của ông Nguyễn Đăng Khoa (64 tuổi, trú khóm 1, thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Ông Khoa cho biết, sau khi rời quân ngũ năm 1984, ông làm y tá tại nông trường Quyết Thắng. Sau khi về hưu sớm, ông Khoa làm bí thư chi bộ khóm, sau đó là Phó Chủ tịch HĐND thị trấn, rồi Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Quan từ năm 2002-2012.
Năm 2019, trong một chuyến tập huấn, Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị tư vấn cho ông Khoa nuôi gà liên doanh liên kết (nuôi gà gia công – PV). Sau khi tham quan nhiều mô hình, ông Khoa nhận thấy nuôi gà gia công phù hợp với điều kiện tài chính, đất đai của gia đình nên mạnh dạn đầu tư.
Sau khi vay 320 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi qua kênh Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị, ông Khoa bỏ thêm tiền túi để xây dựng một trại nuôi gà rộng 540m2, trị giá 500 triệu đồng.
Khi ông Khoa có chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công ty mà ông liên kết cung cấp 5.500 con gà giống, thức ăn, thuốc men và cử nhân viên kỹ thuật giúp ông chăn nuôi. Sau 3 tháng chăm nuôi đảm bảo kỹ thuật, gà đạt trọng lượng, công ty thu mua, giúp ông có lãi 60 triệu đồng. Cứ thế, mỗi năm ông Khoa thả nuôi 3 lứa gà, có lãi 180 triệu đồng.
Khi bản thân đã am hiểu kỹ thuật nuôi gà, năm 2021, cùng với 800 triệu đồng tiền túi, ông Khoa mạnh dạn vay thêm 500 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Linh và Quỹ Tín dụng nhân dân Bến Quan để mua 1ha đất. Trên diện tích đất này có sẵn một trại nuôi lợn nhưng vì thua lỗ nên bỏ hoang. Sau khi cải tại thành trại nuôi gà rộng 950m2, ông Khoa thả nuôi 9.500 đến 10.000 con gà/lứa. Sau một năm thành công ở trại gà mới, ông Khoa tiếp tục chung vốn với một số người khác tại địa phương xây dựng thêm một trại gà khác, quy mô lớn hơn.
Hiện nay, với 3 trại gà, ông Khoa có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Khoa còn sử dụng phân gà để bón cho 1ha cam, 2ha cao su, giúp cây phát triển tốt, sản lượng cao, thu nhập từ đó được nâng lên.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Khoa còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên, 6 lao động thời vụ. Nhiều người được ông Khoa tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nay đã trở thành những ông chủ trại gà gia công, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Xuân Hoài (SN 1957, ở khóm 1, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) là một trong những người thành công sau khi được ông Khoa giúp đỡ. Hiện nay, mỗi năm ông Hoài nuôi 40.000 con gà, sau khi trừ chi phí có lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
“Trước đây ông Hoài học hỏi tôi, nhưng bây giờ ông Hoài đã giỏi hơn tôi. Những người nuôi gà như chúng tôi luôn giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau” – ông Khoa chia sẻ.
Hướng làm giàu của nông dân
Bên cạnh công việc ở cơ quan nhà nước, chị Phan Thị Kim Khánh (32 tuổi, trú thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh) chọn nuôi gà gia công để thoả chí đam mê làm giàu từ nông nghiệp.
Tháng 5/2020, sau khi được một người bạn ở Thanh Hoá động viên, chị Khánh tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và tham quan, học hỏi nhiều mô hình. Được sự giúp đỡ của gia đình, chị Khánh quyết định nuôi gà gia công.
Chị Khánh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư 700 triệu đồng xây chuồng trại khép kín, đảm bảo yêu cầu công ty liên kết đề ra. Trên diện tích 1.400m2, chị Khánh thả nuôi từ 7.000 đến 8.000 con gà/lứa. Sau 2,5 tháng chăm nuôi, chị Khánh xuất bán gà cho công ty, lợi nhuận từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mỗi năm chị Khánh nuôi từ 3 đến 4 lứa gà, thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ ông Khoa, chị Khánh, ở tỉnh Quảng Trị có nhiều nông dân đã làm giàu nhờ nuôi gà gia công. Một số hộ gia đình nuôi hàng triệu con gà mỗi năm, thu nhập nhiều tỷ đồng.
Ông Khoa cho biết, nuôi gà gia công khó nhất là vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng bù lại thu nhập cao, đặc biệt là được công ty liên doanh liên kết bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra.
Chuồng trại nuôi gà cần có hệ thống làm mát, sưởi ấm, lọc nước sạch cho gà uống, thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, phòng bệnh tốt… Trước khi quyết định nuôi gà cần nắm chắc kỹ thuật mới thành công.
Ông Khoa đơn cử một việc nhỏ như chuồng nuôi gà phải luôn thoáng mát, nếu không, lượng phân gà bốc mùi khiến gà bị đau mắt, không ăn uống được. Chi tiết này tuy nhỏ nhưng nếu không hiểu biết sẽ khiến người nuôi đối mặt với thất bại, thua lỗ.
Chị Khánh cho biết thêm, ngoài yếu tố kỹ thuật thì phải theo dõi giá cả thị trường để có phương án chăn nuôi hợp lý, quản lý tốt chi phí và phòng bệnh.
“Nuôi gà to, đẹp, đạt trọng lượng tốt đến đâu nhưng nếu để dịch bệnh xảy ra sẽ thua lỗ, có khi trắng tay. Trong chăn nuôi hay làm bất cứ việc gì đều cần khoa học kỹ thuật cộng thêm một phần may mắn sẽ thành công” – chị Khánh chia sẻ.
Ông Hồ Xuân Hoè – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, trong chăn nuôi, sản xuất, đầu ra sản phẩm là yếu tố then chốt, là câu hỏi lớn của nhiều nông dân. Chăn nuôi theo chuỗi liên doanh liên kết, bao tiêu sản phẩm là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả cao cho nông dân.
Nguồn: Dân Việt (link)