Mô hình nuôi lươn của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên (xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Clip: Hà Thanh
Chuyển từ nuôi gà sang lươn bước đầu mang lại hiệu quả
Chia sẻ về cơ duyên đến với mô hình nuôi lươn như hiện nay, ông Tuyên cho biết: Trước đây ông chủ yếu nuôi gà và cung cấp con giống cho bà con trong vùng với quy mô lớn. Tuy nhiên, sau một quá trình nhận thấy, bà con đã nắm chắc kỹ thuật và phát triển mô hình nuôi gà hiệu quả, ông quyết định tìm hướng đi mới. Qua nghiên cứu, nhận thấy nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế, lại có thể tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn giúp giảm chi phí nên ông đã quyết định đi tham quan mô hình ở một số nơi trong Nam ngoài Bắc rồi về áp dụng.
Từ năm 2021 ông Tuyên bắt đầu dành thời gian nghiên cứu và đến cuối năm 2022 ông chính thức bắt tay vào xây dựng chuồng trại để phát triển mô hình nuôi lươn. Theo ông Tuyên, toàn bộ hệ thống chăn nuôi đều được ông tự nghiên cứu và nghĩ ra cách làm trên cơ sở cải tiến những mô hình mà ông đã đi tham quan trước đó. Để xây dựng hệ thống bể nuôi rộng khoảng 400m2 như hiện nay, ông đã phải bỏ ra chi phí khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Con giống ban đầu được ông mua từ Thanh Hoá kết hợp với bắt lươn đồng về nuôi sau đó nhân giống và phát triển dần lên. Hiện nay, ông Tuyên đang phát triển mô hình nuôi lươn thương phẩm và lươn giống, trong đó bước đầu ông tập trung chủ yếu nuôi lươn giống với số lượng lớn.
Theo ông Tuyên, để nuôi lươn đẻ trứng thì tương đối đơn giản, tuy nhiên để ấp nở trứng thành con thì không phải chuyện dễ dàng. Chính vì vậy, trên cơ sở cách thức ấp nở thủ công của một số người đã nuôi lươn trước đó, ông Tuyên đã cùng một số anh em nghiên cứu ra máy đảo trứng bằng áp lực nước. Sau một quá trình cải tiến dần, đến nay đã làm ra được máy ấp trứng có công suất lớn.
Hiện nay, ông Tuyên đang sử dụng 40 bể đẻ trứng cho lươn, tương đương với 500 tổ ấp (trong đó mỗi tổ có 1 cặp lươn bố mẹ). Ngoài ra, ông còn một nhà xưởng có diện tích 250m2 để nuôi lươn giống, lươn bố mẹ hậu bị và nuôi giun trùn quế làm thức ăn cho lươn. Việc nuôi giun trùn quế vừa giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi lại có thể xử lý được những nguồn phân thải ra trong quá trình chăn nuôi, đồng thời đảm bảo chất lượng lươn thịt khi đưa ra thị trường.
Về cơ bản, lươn không mấy khi bị mắc bệnh, chỉ thỉnh thoảng mắc bệnh nấm và bệnh đường ruột. Chính vì vậy, trong quá trình nuôi lươn cần chú ý đảm bảo nguồn nước sạch. Để khắc phục tình trạng này, trước khi đưa lươn vào bể nuôi cần kiểm tra kỹ mẫu nước, sử dụng hệ thống lọc nước để xử lý nguồn nước có lẫn tạp chất. Khi nước đã đảm bảo an toàn mới tiến hành bơm xuống bể cho lươn.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi, ông Tuyên còn nghiên cứu ra các loại thuốc nam có thể xử lý những loại bệnh kể trên hiệu quả mà không cần dùng đến kháng sinh. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi tiếp theo, ông Tuyên sẽ tiếp tục nghiên cứu và rút kinh nghiệm dần để có thể phát triển mô hình này theo hướng lâu dài.
Đối với lươn sinh sản, phải đủ 12 tháng tuổi mới bắt đầu đẻ trứng. Thông thường lươn sinh sản từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch hàng năm, mỗi năm lươn sinh sản khoảng 2 lứa. Khi lươn đạt độ tuổi theo quy định sẽ đưa vào bể cho lươn tự ghép đôi và đẻ trứng, sau đó mới tiến hành lấy trứng ra để ấp. Sau khoảng 7 – 8 ngày lươn sẽ nở thành con, lúc này lươn bột được đưa ra khay hoặc chậu để nuôi giúp dễ dàng chăm sóc và quản lý hơn. Thời gian từ khi lươn bắt đầu nở đến khi có thể bán giống ít nhất phải đạt từ 2 tháng tuổi trở đi, khi đó lươn đạt trọng lượng khoảng 500 – 600 con/kg.
Dự kiến trong năm nay, gia đình ông Tuyên sẽ xuất bán được khoảng 10 vạn lươn giống với giá bán dao động từ 5.000 – 10.000đ/con tuỳ từng kích cỡ. Trong năm tới, ông Tuyên dự định sẽ tăng số lượng lươn giống lên khoảng 60 – 70 vạn con.
Ngoài bán lươn giống, ông Tuyên còn chuyển giao khoa học kỹ thuật và thường xuyên hướng dẫn cách thức chăn nuôi cho bà con, đảm bảo lươn khi xuất bán ra đều đạt tỷ lệ cao. Đến nay, có rất nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên biết đến mô hình của ông và đã đặt hàng để mua lươn giống.
Xây dựng nhà máy sản xuất lươn hướng tới xuất khẩu
Còn đối với lươn phẩm, trong quá trình nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt ngày, giờ thay nước và cho ăn. Đặc biệt, cần định lượng thức ăn phù hợp để tránh lãng phí và gây bệnh cho lươn khi ăn phải thức ăn thừa bị hỏng. Trung bình mỗi ngày sẽ cho lươn ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều mát. Thời gian nuôi lươn thương phẩm thường kéo dài từ 10 – 12 tháng, khi đó lươn có thể đạt trọng lượng từ 0,5 – 0,8kg/con.
Hiện, lươn thương phẩm của gia đình ông Tuyên được bán cho các nhà hàng, siêu thị ở một số tỉnh, thành lân cận với giá bán từ 150.000 – 250.000đ/kg tuỳ trọng lượng. Từ đầu năm đến nay, do đang chú trọng tập trung nuôi lươn giống nên ông Tuyên mới xuất bán ra thị trường khoảng 2 – 3 tấn lươn thương phẩm. Còn khoảng 2 tấn đến tháng 9 âm lịch ông sẽ xuất bán tiếp.
Hiện tại, ông Tuyên đã cùng một số anh em góp vốn để xây dựng nhà máy chế biến lươn thương phẩm tại Hoà Bình và đã bắt đầu đi vào sản xuất. Định hướng lâu dài của ông Tuyên sẽ bao tiêu toàn bộ lươn thương phẩm cho bà con và chế biến lươn thành các sản phẩm chuyên sâu, chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài.
Nguồn: Dân Việt (link)