Cơ hội đến từ một chuyến đi Hàn Quốc
Trò chuyện với phóng viên, ông Lý Minh Hùng cho biết, ông đã gắn bó với cây chuối ở Trảng Bom (Đồng Nai) hơn 2 thập kỷ và nếm trải đủ đắng – cay – mặn – ngọt. “Trước đây, suy nghĩ và cách làm của người trồng chuối rất đơn giản, mọi người xung quanh trồng chuối thế nào, tôi cũng làm vậy. Thấy vườn bên cạnh vô thuốc bảo vệ thực vật, vô phân bón hóa học thì mình cũng làm theo. Lâu dần đất bạc màu, phải bón nhiều phân thuốc hơn, gây ô nhiễm môi trường. Giá chuối cũng bấp bênh, đầu ra không đảm bảo. Năm 2017, hàng ngàn tấn chuối già Nam Mỹ ở Đồng Nai bị ế đọng, phải vứt bỏ cho dê, bò ăn khiến người nông dân điêu đứng. Bản thân tôi cũng lao đao vì chuối, khó khăn chồng chất. Đáng nói, mặc dù chuối rẻ nhưng sau đó, diện tích trồng chuối vẫn tăng” – ông Hùng kể.
“Trải qua hơn 2 thập kỷ mày mò với cây chuối, giờ đây tôi đã hiện thực hóa giấc mơ đưa chuối ra nhiều nước trên thế giới. Hiện, trung bình mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 600 tấn chuối tươi”.
Ông Lý Minh Hùng
Cơ may đến khi năm 2018, ông Hùng được Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai hỗ trợ đi học hỏi, tham quan ở Hàn Quốc. “Tôi thấy ở Hàn Quốc cây sâm có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm khác nhau nên tự hỏi sao mình không tìm cách đưa chuối đi xa hơn bằng chuối tươi, sản xuất chuyên sâu… Sau đó, khi trở về nước, tôi quyết định vận động nhiều nông dân khác cùng thành lập HTX Thanh Bình, tập trung sản xuất chuối hữu cơ theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn để tìm cơ hội tăng giá trị cho cây chuối” – ông Hùng nhớ lại.
Lúc đó, ông Hùng nghĩ, mình lấy của đất cái gì thì phải trả lại cho đất cái đó. Đất khỏe, con người cũng khỏe. Thế nên, tất cả diện tích trồng chuối của HTX đều thực hiện theo nguyên tắc không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học (những thứ gây tác động tới môi trường, hiệu ứng nhà kính – PV). Các bộ phận của cây chuối đều được tận dụng, gần như không bỏ đi thứ gì. Ví dụ, vỏ chuối đem ủ phân hữu cơ, lá chuối tạo lớp mùn cho đất tơi xốp. Cùi buồng chuối cũng được tận dụng để sản xuất chén, bát… Phần bẹ chuối đem làm xơ, sợi, hoặc đơn giản là phơi khô đem bán với giá 8.000 đồng/kg. Đây chính là phần tạo ra giá trị gia tăng từ cây chuối nhưng lại thân thiện môi trường.
Quả chuối tươi đủ tiêu chuẩn thì được đóng thùng để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu, châu Á… Có tháng, HTX xuất khẩu gần 200 container hàng. Những quả có mẫu mã xấu, ông Hùng đưa vào làm tinh bột, chuối sấy.
“Đây là hướng sản xuất bền vững, là nông nghiệp xanh. Ở nước ngoài, sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên, tuần hoàn áp dụng công nghệ khoa học đã được thực hiện từ lâu. Vòng tròn giá trị này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Tôi nghĩ trong tương lai ai cũng sẽ phải chuyển đổi như vậy chứ không phải chỉ riêng HTX Thanh Bình” – ông Hùng nói.
Khi làm chuối xuất khẩu, ông Hùng có cơ hội đi thăm nhiều thị trường khác như Mỹ, châu Âu, mỗi chuyến đi ông đều học thêm được nhiều thứ về sản xuất nông nghiệp xanh, đem về áp dụng trên cánh đồng chuối của mình. Nhưng điều thôi thúc ông Hùng chuyển đổi là giá thành và đầu ra sản phẩm. Nhiều người quan điểm làm hữu cơ giá thành cao, ông Hùng cho đó là sai lầm. Thực tế, càng làm hữu cơ và tuần hoàn lâu thì chi phí sẽ càng thấp. Vì đất tơi xốp, cây tươi tốt khỏe mạnh sẽ giảm bớt lượng phân bón, ít sâu bệnh. Đặc biệt, sản phẩm hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm, thị trường đón nhận nên bài toán đầu ra được giải quyết.
“Ngày xưa gặp tình trạng bí đầu ra, ế ẩm phải bán giá rẻ. Giờ làm hữu cơ chuối dễ bán lắm. Hiện nay, HTX luôn trong tình trạng quá tải đơn hàng, phải từ chối bớt khách vì không làm xuể. Sản phẩm xuất đi khắp các quốc gia châu Âu, Á, Trung Đông… Cả khi dịch Covid-19 bùng phát HTX vẫn đóng hàng xuất khẩu bình thường” – ông Hùng thông tin.
Tự tin chinh phục các thị trường khó tính
Nói về việc thuyết phục bà con nông dân tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn cùng HTX, ông Hùng cho biết, ban đầu rất khó, chỉ nói thôi thì không ai theo cả: “Tôi cho các hộ nông dân nhìn thấy hiệu quả từ thực tế mình làm. Đầu tiên họ đến xem, sau về làm theo. Cứ thế từ vài hộ ban đầu, bây giờ HTX có vài chục hộ dân tham gia liên kết sản xuất. Quy mô vùng trồng hiện nay đã lên tới 320ha. Quan trọng hơn, quy mô sản xuất càng lớn thì càng dễ bán hàng. Xét về sản lượng chuối thì làm theo phương thức truyền thống hay hữu cơ hiệu quả kinh tế đều tương đương nhau. Năm trước, 1ha cho doanh thu khoảng 600-700 triệu đồng, nhưng làm nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn thì chi phí càng ngày càng giảm. Tôi nhẩm tính, chi phí sản xuất của các xã viên liên kết hiện nay có thể giảm được 30% so với canh tác truyền thống” – ông Hùng chia sẻ.
Hiện, với 1ha trồng chuối của HTX, nông dân đạt lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng/năm, ngoài ra còn thu thêm khoảng 50-70 triệu đồng từ sản phẩm giá trị gia tăng khi làm nông nghiệp tuần hoàn.
Ông Lý Minh Hùng cho biết, đối với thân cây chuối, sau thu hoạch sẽ tạo nên một lượng chất thải tạo gánh nặng cho môi trường, gây không ít khó khăn trong việc thu dọn, hủy bỏ. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, HTX băm nhỏ thân chuối và ủ bằng chế phẩm vi sinh rồi bón ngược lại cho cây chuối. Bản thân chuối có rất nhiều kali nên sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng lý tưởng cho đất để nuôi cây phát triển. Cách làm này đã giúp HTX tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền mua phân bón.
Với quy trình sản xuất hiện nay, HTX Thanh Bình tự tin bán hàng vào bất cứ thị trường nào. Thậm chí với khách hàng Nhật Bản, ông Hùng tự tin cho họ đem hàng đi kiểm nghiệm ở bất cứ cơ quan hay trung tâm nào để test các chỉ số trong tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguồn: Dân Việt (link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen