Tham gia ý kiến về dự án Luật Nhà ở sửa đổi chiều nay (26/10), nhiều đại biểu tập trung vào thời hạn sử dụng nhà chung cư.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đánh giá dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi trình Quốc hội lần này đã có nhiều điểm hợp lý hơn. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định nhà chung cư có thời hạn sử dụng, thời hạn được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời hạn sử dụng thực tế.
Theo đại biểu Hạ, hiện nay, luật còn chưa quy định rõ về vấn đề này. Các kết cấu vật liệu không thể tồn tại, bền vững vĩnh cửu, nên nhà xây dựng phải có thời hạn sử dụng.
“Thực tế, khi sửa chữa các nhà chung cư cũ, việc xử lý thỏa đáng còn gặp nhiều vướng mắc, rất khó khăn để tập hợp nguồn lực cho việc sửa lại các tòa nhà chung cư”, ông nhấn mạnh.
Theo ông, dự thảo luật cần quy định rõ ràng, nhất quán, rõ ràng, minh bạch: chung cư cần có thời hạn sử dụng. Với quy định này, người dân sẽ có được đầy đủ thông tin cần thiết khi tham gia giao dịch, chuyển nhượng, mua bán, đảm bảo cao nhất lợi ích của người dân.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đề nghị cần làm rõ hơn trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật này, nếu như không quy định thời hạn sở hữu về nhà chung cư thì trong tương lai không có cách nào để xử lý, có thể trở thành vấn đề gây bức xúc.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc quy định sở hữu nhà không thời hạn thì phải trả tiền thuê nhà nhiều hơn là quy định chưa hợp lý, cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân.
Đối chiếu vấn đề này được quy định ở dự thảo Luật Đất đai, đại biểu Cường cho rằng cần sửa trong Luật Đất đai là việc sử dụng nhà ở, nhà chung cư phải có thời hạn và trả tiền một lần theo thời hạn của chủ công trình. Do đó, chi phí cho đầu tư nhà chung cư thấp đi, sau khi hết thời hạn đó thì cho người dân tái thuê lại, không xảy ra tình trạng bất cập như hiện nay.
Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, quy định nhà ở, chung cư phải có thời hạn.
Về quy định thời hạn của nhà chung cư, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với quy định nhà chung cư phải có thời hạn sử dụng. Thời hạn sử dụng phải dựa trên chất lượng thẩm định, thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền chứ không thể theo thiết kế của chủ đầu tư.
Báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ trong Báo cáo giải trình tiếp thu, đây là cũng là vấn đề được đưa ra thảo luận, tiếp thu.
Theo ông Tùng, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã thể hiện rất rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư với thời hạn sở hữu nhà chung cư là 2 vấn đề khác nhau.
“Thời hạn sử dụng nhà chung cư được quy định rõ trong dự thảo luật và thời hạn đó được xác định khi chủ đầu tư lập đồ án thiết kế nhà chung cư. Về mặt kỹ thuật, thời hạn sử dụng có thể là 50 năm, 70 năm, 90 năm… nhưng thời hạn thực tế sử dụng nhà chung cư nó còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Hoặc hết thời hạn sử dụng nhưng do công trình được bảo dưỡng tốt, chất lượng công trình vẫn sử dụng thì không đặt vấn đề phá dỡ sẽ lãng phí”, ông Tùng giải thích thêm.
Cũng theo ông Tùng, dự thảo Luật cũng quy định về việc kiểm định chất lượng khi chưa hết thời hạn và khi hết thời hạn. Trên cơ sở kiểm định thì sẽ có phương án cho phép được ở hay phải di dời để phá dỡ xây dựng lại.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng không nên gắn giữa thời hạn sở hữu nhà chung cư với thời hạn sử dụng đất. Trong Luật Đất đai, đất ở được giao ổn định lâu dài và không có thời hạn. Chừng nào mà tòa nhà chung cư còn được sử dụng tốt thì quyền sở hữu chung cư của người dân vẫn đảm bảo.
Nguồn: Dân Trí (link)
Xem thêm tin mới tại:
– Tri thức đời sống
– Kiến thức gia đình