Sục sôi nhiệt huyết, cống hiến sức trẻ
Có mặt tại “khu vườn hạnh phúc” ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) ngày đầu năm xuân Giáp Thìn 2024, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một chàng thanh niên không tay với nụ cười tươi rói, đang chăm sóc cây trong vườn hoa. Tuy sử dụng đôi tay “đặc biệt” nhưng anh ấy làm rất thành thạo mọi công việc từ cắt tỉa, nhổ cỏ, tưới hoa, bưng bê hoa lên xe giúp khách… công việc vất vả nhưng nụ cười luôn nở trên môi, lan tỏa nhiều điều tích cực.
Được biết, chàng trai đặc biệt này là Tô Hữu Sỹ (SN 1989) sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà đông anh em ở tại xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Là con nhà nông, từ nhỏ Tô Hữu Sỹ đã thích gắn bó với ruộng đồng, cây cối. Thấy bà con ở quê làm lụng vất vả năng suất thấp, hiệu quả mang lại không cao nên anh quyết định theo học ngành Khoa học cây trồng, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để sau này trở về làm giàu trên chính quê hương của mình, có thể hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng cây.
Năm 2012, tốt nghiệp đại học, Tô Hữu Sỹ đã được nhiều doanh nghiệp về giống cây trồng mời về làm việc với mức lương cao. Đam mê với nghề, Sỹ đã quyết tâm học lên thạc sĩ. Năm 2015, nhiều nỗ lực, cố gắng của bản thân, Sỹ đã hoàn thành xuất sắc khóa học, cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ ngành cây trồng.
Bằng cấp cao, được làm việc theo đam mê có thu nhập tốt, Sỹ trở thành niềm tự hào của gia đình, tấm gương của các thanh niên muốn thay đổi cuộc đời bằng con đường học tập tại vùng quê nghèo huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Tốt nghiệp thạc sĩ, Tô Hữu Sỹ đã có nhiều dự án làm về nông nghiệp ở Hà Tĩnh góp phần xây dựng quê hương trong phong trào nông thôn mới. Tại thời điểm này, Sỹ đã yêu và lập gia đình với Nguyễn Hồng Nhung (SN 1992) cũng là một kỹ sư nông nghiệp.
Cuộc sống như truyện cổ tích khi vợ chồng Sỹ yêu thương nhau và có cháu Tô Hữu Hoàng Lâm (SN 2019) và em bé 7 tháng tuổi trong bụng chị Hồng Nhung là kết quả hạnh phúc của 2 vợ chồng.
Tháng 10/2020, với mong muốn được học tập thêm khoa học công nghệ về chuyên ngành của mình, anh Tô Hữu Sỹ đã quyết định sang làm việc tại Nhật Bản thông qua chương trình hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đối tác tại Nhật Bản với chi phí hơn 100 triệu đồng.
Ra đi khỏe mạnh, trở về “không tay”
Được làm việc ở môi trường hiện đại, công việc đúng chuyên môn đã giúp Tô Hữu Sỹ “như cá gặp nước” hoàn thành xuất sắc các công việc được giao, có nhiều nghiên cứu mới trong phát triển khoa học công nghệ về cây trồng. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ thuận lợi, mở ra tương lai đầy triển vọng nào ngờ đâu tai họa lại ập đến cuộc đời của anh.
Tô Hữu Sỹ nhớ lại: “Ngày 25/1/2022 (23 tháng Giêng năm Nhâm Dần), như thường lệ tôi đi kiểm tra dây chuyển vận hành máy sấy rau củ, do sơ ý khiến găng tay phải dính vào băng chuyển máy đang hoạt động. Theo phản xạ tôi lấy tay còn lại kéo ra thì không may cả 2 cánh tay bị cuốn vào guồng máy. Vụ tai nạn khiến tôi vô cùng đau đớn, được đồng nghiệp phát hiện và lôi ra khỏi dây chuyển máy.
Lúc đó tại Nhật thời tiết giá lạnh, tuyết bao phủ khiến giao thông di chuyển khó khăn, từ nhà máy đến bệnh viện khoảng 400km nên công ty đã đưa tôi đi cấp cứu bằng trực thăng”.
“Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, sau thêm khoảng 10 tiếng nghỉ ngơi nữa tôi mới tỉnh. Phát hiện mình bị mất đi đôi tay khiến tôi sốc nặng, đầu óc trống rỗng mà không suy nghĩ được gì”, Sỹ bật khóc.
Được công ty thông báo chồng gặp tai nạn khiến tim Hồng Nhung như thắt lại. “Thời điểm đó, vợ chồng tôi có cậu con trai hơn 2 tuổi và bé gái mới sinh 7 tháng tuổi. Hàng ngày, sau giờ tan làm chồng tôi đều gọi điện về nhà để nói chuyện, trêu đùa cùng các con nhưng hôm đó không thấy Sỹ gọi khiến tôi rất lo lắng, liên lạc không được
Gọi điện đến công ty, được họ thông báo, Sỹ bị tai nạn lao động khiến tôi sốc nặng, đứng không vững khi biết chồng bị cắt đi đôi tay. Một mình với 2 đứa con nhỏ, chồng gặp nạn ở xứ người khiến tôi khủng hoảng, không biết làm thế nào”, Hồng Nhung nói.
Sau nhiều lần phẫu thuật, được các bác sĩ tận tình cứu chữa đã giúp Sỹ thoát khỏi cơn nguy kịch.
Thời điểm Sỹ bị tai nạn cũng là lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Nhật Bản, điều trị trong khu biệt lập, gia đình, người thân, bạn bè không được vào thăm. Một mình đối đầu với nỗi đau thể xác khiến nhiều lúc Sỹ muốn bỏ cuộc.
Tô Hữu Sỹ nói: “Lúc đi cơ thể khỏe mạnh, lành lặn mang theo hy vọng về một tương lai tươi sáng, được học nhiều kỹ thuật tiên tiến của nước bạn để sau này áp dụng trên quê hương vậy mà giờ đây lại bị mất đôi tay khiến tôi như mất tất cả. Nhiều lần tôi có suy nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết để giải thoát.
Nghĩ về gia đình nhỏ, nơi có vợ hiền, cậu con trai 3 tuổi lanh lợi và con gái 7 tháng tuổi chưa gặp khiến tôi có thêm động lực để vượt qua. Bên cạnh đó, gia đình, bạn bè đã rất tin tưởng, kỳ vọng nếu tôi gục ngã sẽ khiến họ thất vọng. Từ đó, tôi gạt đi suy nghĩ tiêu cực, cố gắng nghĩ nhiều về tương lai phía trước”.
Có thêm động lực từ người thân, Sỹ đã chủ động học các khóa điều trị tâm lý và sinh hoạt, vệ sinh cá nhân bằng cơ thể khiếm khuyết.
Mọi việc không dễ dàng, trong quá trình nỗ lực làm quen với sinh hoạt của một người không tay Sỹ đã đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt nhiều khi anh muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến vợ và các con ở nhà đang trông ngóng khiến anh sốc lại tinh thần.
“Nhiều người gặp tai nạn đã ra đi mãi mãi, tôi còn nhìn được thấy ánh mặt trời vào mỗi buổi sáng là may mắn hơn rất nhiều người khác. Tôi phải kiên cường để làm chỗ dựa tình thần cho 3 mẹ con, làm gia đình tự hào không phải lo lắng nhiều về tôi nữa”, Tô Hữu Sỹ, nói.
“Gieo mầm xanh, gặt hạnh phúc” lan tỏa lối sống lạc quan
Trong quá trình 14 tháng điều trị ở Nhật Bản, Tô Hữu Sỹ đã ấp ủ ý tưởng sẽ làm một khu vườn đầy hoa, lan tỏa cuộc sống tích cực đến với những người đồng cảnh ngộ nói riêng và mọi người nói chung.
Dám nghĩ dám làm, tháng 6/2023 xuất viện trở về Việt Nam, Sỹ bàn với vợ triển khai dự án trồng và kinh doanh cây xanh. Vợ chồng Sỹ đã mạnh dạn vay mượn 500 triệu đồng, thuê 300m2 đất tại phường Thạch Qúy (TP Hà Tĩnh) để xây dựng nhà xưởng, trồng vườn hoa đặt tên là “Happy Garden” – “khu vườn hạnh phúc”.
“Những mầm xanh đâm chồi nảy lộc, các loại hoa nhiều màu sắc đã giúp tôi bình yên hơn trong cuộc sống. Ngoài việc kinh doanh cây kiếm tiền nuôi gia đình thì Happy Garden cũng là nơi để tôi gặp gỡ, chia sẻ lối sống lạc quan, tích cực đến với những người đồng cảnh ngộ và tất cả mọi người xung quanh”, Tô Hữu Sỹ bật mí:
Hiện nay, “khu vườn hạnh phúc” có hơn 50 loài cây nhiều màu sắc, được đông đảo khách hàng yêu mến, tin dùng. Mỗi tháng giiúp chủ nhân mang về doanh thu khoảng 50 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, còn tạo công ăn việc làm 2-3 nhân công với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với PV Dân Việt, về câu nói mình tâm đắc, Tô Hữu Sỹ bật mí: “Còn sống là còn cơ hội” là câu nói đã giúp tôi có năng lượng tích cực. Tôi nghĩ rằng mình cần phải cố gắng hơn nữa để tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống”.
Bên cạnh chăm sóc cây cảnh tại khu vườn nhỏ, Sỹ cũng dành thời gian nghiên cứu thêm tài liệu, kiến thức chuyên sâu về cây trồng từ mạng internet để đảm nhận thêm dịch vụ thiết kế cảnh quan sân vườn, tư vấn, bảo dưỡng cây cảnh.
“Ban đầu gia đình tôi lo lắng Sỹ sẽ tự ti, không hòa nhập với cuộc sống sau tai nạn. Nhưng nay thấy con lạc quan, tạo ra nhiều giá trị cho mọi người xung quanh khiến tôi và gia đình rất tự hào”, ông Tô Hữu Đằng (bố anh Sỹ).
Bài, ảnh: Tập Thỏa
Nguồn: Dân Việt (link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen