Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đến từ Khánh Hòa trồng cây gì mà thu tiền tỷ?

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng

Ở một làng quê nghèo vùng cao thuộc thôn 3, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) nói đến nông dân Nguyễn Tiến Cường hầu hết bà con ai cũng đều biết đến là một tấm gương tiêu biểu trong sản xuất và hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho các hội viên nông dân. 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023: Nông dân vùng cao được vinh danh - Ảnh 1.

Những quả ổi ngon được ông Nguyễn Tiến Cường chăm sóc rất cẩn thận. Ảnh: Công Tâm

 Nghe chúng tôi đến, ông Nguyễn Tiến Cường vui vẻ vội vàng từ trên vườn chạy về để cùng trò chuyện, chia sẻ về những cách làm kinh tế mang lại hiệu quả của mình.

Video: Ông Nguyễn Tiến Cường, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, nông dân tỷ phú áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho vườn cây ăn quả, trong đó có vườn trồng dừa xiêm.

Ông Cường chia sẻ: “Năm 1979, theo tiếng gọi của Tổ quốc tôi lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, đến tháng 2/1983 do bị thương nên được giải quyết chế độ phục viên với mức độ thương binh 4/4. Khi trở về địa phương, đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bản thân không cam chịu đói nghèo, tự nhủ thương binh tàn nhưng không phế. 

Phải luôn giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội cụ Hồ. Tôi đã vươn lên bằng nỗ lực của mình quyết tâm đi khai hoang mở rộng đất đai, tích cực lao động sản xuất xây dựng cuộc sống gia đình”. 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023: Nông dân ở vùng cao được vinh danh - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tiến Cường được nhiều người xung quanh rất quý mến. Ảnh: Công Tâm

“Để làm đủ ăn thời đó đã khó, chứ đừng nói đến làm giàu. Bởi, gia đình tôi không có vốn, tài sản thì hầu như đều hai bàn tay trắng, không có gì. Hàng ngày tôi phải đi cày thuê cho người ta, ai kêu gì làm đó cứ thấy có công việc là bắt tay vào làm. Công việc tôi làm đất phải làm liên tục cả ngày lẫn đêm, không kể nắng mưa, nhờ chịu khó làm ăn mà chỉ sau hơn một năm gia đình tích góp mua riêng một chiếc máy cày” – ông Cường nói.

Trồng mía, trồng dâu nuôi tằm thu nhập tiền tỷ

Từ giai đoạn 2000 – 2018, sau thời gian tích góp gia đình ông Cường mạnh dạn đầu tư trồng mía đường. Với cách làm ăn bài bản gia đình ông đã có thu nhập ổn định từ giống cây này và dần dần gia đình ông tiếp tục nhân rộng diện tích đất. 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023: Nông dân ở vùng cao được vinh danh - Ảnh 3.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Cường, cây phát triển tốt. Ảnh: D.Tiến

Với diện tích trên 50ha, trung bình mỗi năm thu trên 2.000 tấn mía đường, với giá bán ra thị trường 1,2 triệu đồng/tấn, mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, niềm vui chưa được lâu thì giá mía trên thị trường xuống thấp, thời tiết sản xuất gặp khó khăn và tiền công lao động, chi phí vật tư đều tăng nên gia đình ông phải tìm đối tượng khác để làm ăn.

Ngay sau đó, gia đình ông bắt đầu trồng dâu nuôi tằm, đây được xem là một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi tại vùng đất Ninh Thượng. Được sự động viên khuyến khích của địa phương, sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm Trung ương, ông đã vận động 20 hộ thành viên để chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm. Ông được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hợp tác, xây dựng nhà sản xuất tằm giống, tằm thương phẩm, bán tằm giống cho các tỉnh lân cận như: Đắk Lắk, Phú Yên tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.   

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023: Nông dân ở vùng cao được vinh danh - Ảnh 4.

Nhiều hộ dân đến tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của anh Cường. Ảnh: D.Tiến

Tuy nhiên, niềm vui chưa được trọn vẹn, thì đến năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, lúc này tằm thương phẩm xuất khẩu đình trệ, giá thành hạ thấp kỷ lục do đó Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm không còn hiệu quả.

Bí quyết mang lại hiệu quả trong sản xuất

Với bản chất cần cù lao động, chịu khó học hỏi. Với tinh thần “Thắng không kiêu, bại không nản”; khi được UBND thị xã Ninh Hòa phê duyệt Đề án nông hóa thổ nhưỡng của địa phương vào năm 2021, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 12 ha đất sản xuất sang trồng cây ăn quả. Trong vườn, ông đã trồng các cây chủ lực xoài úc và trồng thêm ổi, mít. 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023: Nông dân ở vùng cao được vinh danh - Ảnh 5.

Những gốc xoài úc đang phát triển tốt, dự kiến sang năm sẽ xử lý cho ra trái. Ảnh: Công Tâm

Đến nay, vườn ổi đã cho thu hoạch và được thị trường bao tiêu với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, riêng vườn ổi đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, còn vườn xoài úc dự kiến gia đình sang năm sẽ xử lý cho ra quả. 

Theo ông Cường, toàn bộ vườn xoài và ổi của gia đình đã được đầu tư bài bản, có hệ thống tưới nước phun sương và khoan giếng để lấy nước sạch phục vụ trong vườn nên gia đình không còn lo lắng chuyện thiếu nước tưới nữa. Hiện tại, gia đình ông đang áp dụng mô hình theo phương pháp hữu cơ, dự định gia đình ông cũng đang ấp ủ làm xoài sấy dẻo để cung cấp ra ngoài thị trường. 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023: Nông dân ở vùng cao được vinh danh - Ảnh 6.

Mô hình tưới nước tiết kiệm được gia đình ông Cường áp dụng phục vụ cho cây trồng. Ảnh: Công Tâm

Nhận thấy tầm quan trọng  của đầu ra cho nông sản hữu cơ, nông sản sạch trên thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, cũng là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tại vùng đất Ninh Thượng. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông đã cùng 9 thành viên thành lập HTX Nông nghiệp dịch vụ và cây ăn quả Ninh Thượng. Riêng bản thân ông đã được các xã viên tín nhiệm bầu làm giám đốc HTX. 

Nói về bí quyết có được thành công, ông Cường cho biết thêm; thật sự gia đình trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nên thất bại cũng khá nhiều. Yếu tố có được cơ ngơi như hôm nay chính là nhờ rút được kinh nghiệm quý báo trong thực tiễn, cộng với tính chịu khó, chịu khổ, tính tổ chức, kỷ luật cao từ môi trường quân đội đã rèn luyện ý chí quyết tâm làm ăn mới mang lại thành công.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023: Nông dân ở vùng cao được vinh danh - Ảnh 7.

Hàng trăm cây ổi đang cho ra trái, với vườn ổi trên đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Ảnh: Công Tâm

Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Ninh Thượng, bản thân ông Cường là người rất chịu khó học tập kinh nghiệm trên các trang mạng, các thế hệ đi trước và lắng nghe những người xung quanh. Đồng thời, biết vận dụng những kiến thức đã được tập huấn vào trong lao động sản xuất và phòng trừ sâu bệnh trong nông nghiệp. Những kiến thức học được ông lại phổ biến lại cho bà con và những hội viên nông dân khác trên địa bàn để áp dụng. Ngoài ra, ông Cường còn giúp đỡ cho hàng chục hộ dân nghèo về kinh phí và cây giống, vật tư nông nghiệp cho người dân phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Tiến Cường được các cấp xét, bình chọn đạt hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp từ năm 2012 cho đến nay; UBND thị xã Ninh Hòa tặng giấy khen về thành tích NDSXKDG năm 2017, 2018; Ban tổ chức Hội thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tặng giấy khen năm 2019.



Nguồn: Dân Việt (link)