CLIP: Mô hình nuôi ốc nhồi mang lại nguồn thu nhập khá của anh Nguyễn Đức Hải, đội 16, thôn Yên Bình, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Tận dụng ao bỏ không, thầy giáo ở Điện Biên nuôi ốc nhồi
Anh Nguyễn Đức Hải vốn là thầy giáo dạy Toán với thâm niên gần 20 năm tại huyện vùng cao Điện Biên Đông, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 50km.
Thấy nhà mình có 400 m2 diện tích ao tù mà lâu nay không sử dụng đến, anh Hải đã lên mạng internet tìm hiểu cách khai thác nguồn nước làm kinh tế gia đình.
Thấy mô hình nuôi ốc nhồi trong ao thực sự đơn giản mà mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2021, anh Hải đã bắt tay vào nuôi ốc nhồi. Càng làm càng thấy hay. Anh Hải cho biết mô hình nuôi ốc nhồi của mình thực sự thành công mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình.
Ao nuôi ốc nhồi của anh Nguyễn Đức Hải, đội 16, thôn Yên Bình, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Thu Hường
Theo anh Hải, ốc nhồi là con rất dễ nuôi và nguồn thức ăn lại khá phong phú đa dạng, có thể là bèo tấm, lá sắn, rau khoai, bèo lục bình, rau muống, bầu, bí, mướp… ngoài ra có thể kết hợp cho ăn thêm bột cám gạo, bột ngô…
Tuy nhiên ốc nhồi lại rất nhạy cảm với thức ăn bẩn, ô nhiễm hoá chất, vì vậy cần chú ý cung cấp thức ăn sạch cho ốc. Ngoài thức ăn, nuôi ốc nhồi cần quan tâm đến chất lượng nguồn nước.
Nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm và luôn duy trì mực nước từ 40 – 100cm. Nhiệt độ thích hợp để ốc sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh là từ 22-30 độ C. Hàng ngày cho ốc ăn vào một giờ cố định và cần quan sát lượng thức ăn tiêu thụ để bổ sung hợp lý.
Nếu thức ăn dư thừa sẽ ô nhiễm nguồn nước dẫn đến ốc bị chết. Vào mùa Đông, ốc nhồi dường như không hoạt động, lúc đó cần giảm lượng nước trong ao để ốc rúc xuống bùn trú Đông, thời điểm này tôi sẽ thả bèo tây để giúp ao nuôi được ấm áp, tạo nơi trú ẩn cho ốc. Không những vậy, đây cũng là nguồn thức ăn của ốc.
Nuôi ốc nhồi không khó mà thu nhập lại cao
Chia sẻ về quá trình nuôi ốc anh Hải cho biết: Một năm tôi thả làm 2 đợt. Ra ngoài Tết tôi băt đầu thả đợt đầu tiên từ 10 đến 15kg trứng, nuôi sang tầm tháng 5 là bắt đầu thu ốc thương phẩm, trên diện tích 400m2 ao thu được khoảng 8 tạ ốc thương phẩm, trung bình khoảng 25 đến 30 con/kg, giá bán 100.000đ đến 120.000 đồng/kg.
Sang đến tháng 7 sẽ vào lứa ốc tiếp theo. Lứa ốc này tôi thả với mục đích để ốc vượt đông. Ra ngoài Tết sẽ xuất bán lứa thứ 2 này làm lứa bố mẹ sẽ hiệu quả hơn.
Ốc nhồi bố mẹ có trọng lương từ 20 đến 25 con/kg và có giá bán dao động từ 150.000đ đến 180.000 đồng/kg.
Anh Hải cho biết thêm: “Ốc nhồi là con đặc sản, được người dân ưa chuộng, có thể nấu được rất nhiều món ăn ngon khác nhau nên đây là loại vật nuôi khá triển vọng và cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa có nhiều mô hình nuôi ốc nhồi lớn, nguồn cung cấp chưa đủ, nên hiện tại giá bán khá cao từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg.
Dù giá cao nhưng lứa ốc nào gia đình tôi cũng xuất bán hết sạch với giá cả ổn định. So với một số mô hình nuôi cá rô phi hay nuôi vịt thì cùng trên một diện tích ao, nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.
Nuôi ốc chi phí đầu tư thấp và không mất tiền mua thức ăn công nghiệp, không mất nhiều công chăm sóc, chủ động được nguồn thức ăn bằng cách tận dụng điện tích đất xung quanh bờ ao trồng các loại rau. Tôi thấy mô hình nuôi ốc nhồi trong ao rất phù hợp với các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ để tăng thu nhập.”.
Nguồn: Dân Việt (link)