Kỹ thuật “ép lươn đẻ trứng” này không những giúp bà con giảm chi phí đầu tư lươn giống, tạo thêm nguồn thu nhập mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển nuôi thủy sản hướng bền vững tại địa phương.
Bên tách trà thơm, ông Nguyễn Văn Được (ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) không giấu được niềm vui từ những vụ nuôi lươn thắng lợi.
Ông cho biết, năm 2013, xã phát động mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân nông thôn với mô hình nuôi lươn sinh sản bán công nghiệp dưới sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, con giống từ Chi cục thủy sản tỉnh.
Mong muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả từ mảnh vườn, thửa ruộng của mình nên ông tham gia.
Khởi điểm chỉ 1 bể lươn giống 40m2 có tổng chỉ phí khoảng 32 triệu đồng. “Tôi tham khảo cách nuôi một số nơi khác, lên mạng tìm hiểu rồi dần tích lũy kinh nghiệm, cuối cùng đã thành công. Lứa lươn đầu tôi bán, thu về hơn 60 triệu đồng.”- ông Được phấn khởi.
Từ hiệu quả đã tạo động lực để ông Được mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi lươn giống đến hơn 9.000m2.
Ông bắt tay xây dựng bể chứa, lọc nước, bể nuôi và không gian nuôi, ấp…với chi phí gần 2 tỷ đồng. Để lươn có môi trường sinh sản tốt, ông sử dụng đất sét pha bao xung quanh bể. Sau khi bố trí đất vào bể tiếp tục rải vôi, ngâm nước để xử lý. Trên đất sẽ trồng thêm các loại cây cỏ thủy sinh có rễ chùm tạo môi trường tự nhiên cho lươn sinh sản.
Mô hình nuôi lươn sinh sản của anh Thảo, nông dân xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) trên diện tích 2.500m2 với 100 bể.
Việc chọn lươn bố mẹ cũng đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng quan trọng là lươn khỏe, đạt từ 10 tháng nuôi trở lên và có trọng lượng từ 100g trở lên. Nguồn thức ăn cho lươn bố mẹ thường là thức ăn tươi sống như: cá tạp, trùn, tép, ốc,…phối trộn thức ăn công nghiệp.
Tùy vào chất lượng lươn bố mẹ khi thả nuôi, sau thời gian nuôi vỗ 1-2 tháng thì lươn bắt đầu sinh sản. Trứng lươn sẽ được vớt và xử lý, rồi ấp, chăm sóc cẩn thận trong khoảng hơn 1 tháng rồi mới xuất bán cho khách hàng nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh.
“Lươn cần môi trường sống sạch nên bất kể những gì có tác động đến môi trường sống của nó mình đều phải xử lý cẩn thận, khử khuẩn. Hiện bình quân một tháng tôi thu hoạch trứng lươn 3 lần, gần 500 ngàn con boss, với giá bán 1.000 đồng mỗi con, sau khi trừ chi phí tôi thu về lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.”- ông Được chia sẻ.
Cũng như ông Được, anh Lê Văn Thảo (ấp Mỹ Tân) cũng là người tiên phong và gắn bó mô hình nuôi lươn sinh sản bán công nghiệp từ năm 2013.
Hiện anh đang sở hữu 100 bể nuôi lươn sinh sản, mỗi bể 25m2, tạo công việc ổn định cho 7 nhân công tại địa phương.
“Cái gì cũng vậy, hễ đi đầu là sẽ gặp nhiều trở lại, nên khi đã làm thì phải kiên định, sẵn sàn đối mặt để tìm cách giải quyết.”- anh Thảo cũng chia sẻ, “con lươn khó lúc mới thả con giống xuống đó. Nếu con giống phát triển tốt thì hiệu quả cao, còn trục trặc phải làm lại từ đầu”.
Anh Thảo cho hay, khâu quan trọng nhất là nước phải sạch, ăn theo chế độ dựa trên kinh nghiệm người nuôi. Thường xuyên theo dõi, bổ sung chất đề kháng cho lươn, tắm khuẩn trong nước.
Hướng đến tăng năng suất và chất lượng, anh mạnh dạng đầu tư theo hướng tự cung, tự cấp nguồn lươn bố mẹ. Đồng thời, với phương pháp sinh sản bán nhân tạo lươn giống rất khỏe mạnh, sạch bệnh, kích cỡ đồng đều và ít hao hụt khi nuôi thương phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Năm- Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) trên địa bàn có tổng số 21 mô hình, trong đó có 4 mô hình nuôi lươn sinh sản, còn lại 17 mô hình nuôi lươn thịt.
Kinh nghiệm, am hiểu kỹ thuật nên nhiều mô hình thời gian qua đạt hiểu quả khá cao, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập; mở ra một hướng đi mới trong phát triển nuôi thủy sản hướng bền vững, cùng với địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025
Nguồn: Dân Việt (link)