Căn hộ chung cư cho thuê lưu trú du lịch: Cấm không được, quản thế nào?

Đề xuất quản chặt cho thuê căn hộ

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu vừa có văn bản góp ý một số điều của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Trong đó, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định không cấm “chủ sở hữu căn hộ cho thuê lưu trú du lịch theo ứng dụng Airbnb và có đăng ký kinh doanh, nộp thuế và phải chịu trách nhiệm quản lý khách thuê lưu trú du lịch chấp hành nội quy nhà chung cư”.

Cụ thể, theo ông Châu, trên thực tế đã có rất nhiều chủ sở hữu nhà chung cư đã dành một phần căn hộ để cho thuê lưu trú du lịch “ở cùng chủ nhà (homestay)” hoặc dành cả căn hộ để cho thuê lưu trú du lịch theo ứng dụng Airbnb.

Hoạt động kinh doanh này không cấm được, nên khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 quy định cấm chủ sở hữu nhà chung cư “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” không thực hiện được trên thực tế.

Hoạt động kinh doanh cho thuê lưu trú du lịch theo ứng dụng Airbnb đang có xu thế phát triển rất mạnh tại nước ta và cũng góp phần để phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn theo định hướng của Nghị quyết 08 năm 2017.

Căn hộ chung cư cho thuê lưu trú du lịch: Cấm không được, quản thế nào? - 1

Đề xuất không cấm chủ sở hữu căn hộ cho thuê lưu trú du lịch phải có giấy phép kinh doanh (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Đồng thời, theo ông Châu, việc sử dụng căn hộ để cho thuê lưu trú du lịch theo ứng dụng Airbnb cũng có thể gây phiền toái cho các chủ sở hữu nhà chung cư không cho thuê nhà.

Do đó, cần quy định tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi theo hướng, chủ sở hữu nhà chung cư muốn sử dụng căn hộ để cho thuê lưu trú du lịch theo ứng dụng Airbnb phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế và chịu trách nhiệm quản lý khách thuê lưu trú du lịch phải chấp hành nội quy nhà chung cư.

Kiến nghị về vấn đề này, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đề nghị sửa đổi, bổ sung về các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư.

Cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, trừ trường hợp chủ sở hữu căn hộ cho thuê lưu trú du lịch theo ứng dụng Airbnb và có đăng ký kinh doanh, nộp thuế và phải chịu trách nhiệm quản lý khách thuê lưu trú du lịch chấp hành nội quy nhà chung cư.

Cấm tự ý thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực hoặc chia tách các căn hộ không đúng quy định, trừ trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Xuân Vinh – Hiệp hội Khách sạn phố cổ Hà Nội – cho biết, ở các nước trên thế giới, nếu muốn kinh doanh theo mô hình Airbnb thì phải đăng ký kinh doanh, có mã số thuế và nộp thuế đầy đủ. Người cho thuê nhà chỉ được cho thuê trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, theo thỏa thuận với chính quyền địa phương hoặc với cư dân.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, ở Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với cá nhân, doanh nghiệp tham gia kinh doanh Airbnb là vấn đề liên quan đến pháp lý, cần phải rõ ràng về vấn đề này để tạo dựng hoạt động kinh doanh bền vững. 

Không thể “biến” căn hộ chung cư cho thuê như khách sạn

Không đồng tình với việc “biến” căn hộ chung cư thành căn hộ cho thuê du lịch, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế – cho rằng, căn hộ chung cư hay căn hộ du lịch đều có các yêu cầu cơ sở kỹ thuật hạ tầng khác nhau. Do đó, bản chất những khu cho thuê thương mại dịch vụ phải được quản lý nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh trật tự.

Theo ông Thịnh, nếu căn hộ chung cư “biến” thành căn hộ như khách sạn là hành vi trái luật. Hiện tại, pháp luật đang cấm thì cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm.

Căn hộ chung cư cho thuê lưu trú du lịch: Cấm không được, quản thế nào? - 2

Việc cho thuê căn hộ chung cư như căn hộ cho thuê lưu trú du lịch có nhiều bất cập (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Ông Thịnh cũng bày tỏ sự khó khăn trong quản lý, bởi trên thực tế, khi có nhiều ý kiến cho rằng, việc chủ sở hữu căn hộ có quyền cho thuê. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc cho thuê căn hộ chung cư theo quy định nhà ở, theo nội quy nhà chung cư, chứ không phải quản lý theo quy định căn hộ cho thuê du lịch.

Thực tế, việc áp dụng dịch vụ Airbnb đang được sử dụng phổ biến trên rất nhiều nước. Hoạt động này có tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước, nhất là đối tượng có thu nhập không cao, muốn tiết kiệm chi phí lưu trú.

Cụ thể, bên cho thuê và bên thuê giao dịch, nhận nhà, trả nhà thuê, thanh toán tiền thuê nhà đều qua mạng, không cần phải gặp trực tiếp nên phương thức chia sẻ phòng thuê thông qua sử dụng dịch vụ Airbnb, giúp khai thác hiệu quả tài sản nhà ở, nhất là các phòng ở dôi dư, hoặc các căn hộ trong các khu vực có nhiều khách vãng lai, khách du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động kinh doanh này cũng chỉ ra các mặt hạn chế, tiêu cực của hình thức này như chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức chia sẻ phòng thuê thông qua sử dụng dịch vụ Airbnb, dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Thậm chí có những trường hợp sử dụng nhà thuê sử dụng dịch vụ Airbnb dẫn tới mất trật tự an toàn xã hội, hoặc để hoạt động tội phạm.

Mặt khác, hoạt động kinh doanh này còn phát sinh xung đột lợi ích giữa người cho thuê căn hộ nhà chung cư sử dụng dịch vụ Airbnb với cư dân, do thường xuyên có người thuê nhà lạ mặt đến cư ngụ, gây tâm lý bất an và ảnh hưởng đến không gian riêng tư của các hộ gia đình trong chung cư.


Nguồn: Dân Trí (link)

Xem thêm tin mới tại:

– Tri thức đời sống

– Kiến thức gia đình