Nuôi cừu rất tiện lợi, tận dụng cỏ, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho cừu.
Cừu là giống vật nuôi theo bầy đàn, chịu được thời tiết khô nóng, khắc nghiệt. Đặc biệt, giữa cái nóng 50 độ C, các loài khác tìm nơi trú ẩn, thì đàn cừu vẫn bình thản giữa đồng gặm cỏ.
Với những đặc tính trên, cừu được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Trung, trong đó, Ninh Thuận là địa phương có tổng đàn cừu lớn nhất cả nước.
Thời gian gần đây, tại Tây Ninh xuất hiện mô hình chăn nuôi cừu ở xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu.
Đàn cừu dưới tán rừng cao su
Anh Phan Đỗ Tấn Huy, quê Ninh Thuận, từng vào tỉnh Long An lập nghiệp với nghề “gõ đầu trẻ”, sau này anh về định cư tại ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Trước đây, anh từng chăn nuôi gia cầm, do giá cả bấp bênh, anh chuyển sang nuôi gia súc. Anh Huy kể, hơn 10 năm trước, anh nuôi thử vài con dê và cừu, nhận thấy cừu và dê phát triển hơn những vật nuôi truyền thống như heo, gà, vịt…
Năm 2017, anh mang giống cừu Phan Rang về xã Bến Củi lập trang trại. Bắt đầu từ vài con giống, tận dụng nguồn cỏ trong Nông trường cao su Bến Củi và cỏ vườn nhà, đến nay, trang trại của anh đã có hơn 80 con cừu, 60 con dê. Đàn cừu của anh phát triển rất tốt, chi phí chăn nuôi không quá cao, đến lứa xuất chuồng đều dễ dàng tiêu thụ.
Cùng với việc nuôi nhốt, con cừu được anh Huy chăn thả dưới những tán rừng cao su ở xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
“Giống cừu ăn tạp, dễ nuôi, sau 8 tháng đạt 30kg. Cừu thích nghi với mọi điều kiện, có thể nuôi nhốt, thả rông trên “đồng khô cỏ cháy”, không cần người trông coi.
Trong điều kiện nuôi nhốt, chỉ cần mỗi ngày dành 1 giờ cắt cỏ là đủ thức ăn 1 ngày cho đàn cừu 80 con như hiện nay. Nuôi cừu ít tốn thời gian chăm sóc, phù hợp với tình hình kinh tế hộ ở vùng sâu, thiếu điều kiện ưu đãi của thiên nhiên.
Đầu ra của cừu ổn định hơn, thịt cừu ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cừu thịt bình quân 110.000 đồng/kg, cừu giống từ 3-4 triệu đồng/con. Nuôi cừu thu lợi nhuận nhiều hơn nuôi dê, bò”- anh Huy chia sẻ.
Trang trại nuôi cừu của anh Huy được xây dựng khá đơn giản, nhưng cao ráo, thông thoáng, sáng sủa, có máng ăn, uống.
Chuồng cách mặt đất khoảng 1 mét tạo độ thoáng và đủ độ cao để vệ sinh quét dọn dễ dàng. Anh chia chuồng trại làm 2 ngăn, một bên nuôi cừu, một bên nuôi dê. Thức ăn của cừu chủ yếu là vỏ măng ủ chua, các loại cỏ, lá cao su khô trong vườn…
Mùa khô có thể cho thêm thức ăn tinh như cám, bột ngô, bột mì, nhưng thức ăn thô vẫn là chính. Song song với việc nuôi nhốt, anh Huy còn chăn thả cừu dưới những tán cao su sau vườn. Sau khi ăn căng bụng, đàn cừu sẽ nối đuôi nhau tuần tự leo lên cầu thang vào chuồng.
Theo anh Huy, cừu ít dịch bệnh, nhưng thi thoảng vẫn bị bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng và sán lá gan. Vì thế, nuôi cừu 3-6 tháng phải chích ngừa bệnh sán lá gan cho cừu hoặc sổ lãi.
Ngoài ra, để phòng, trị bệnh cho cừu, chuồng nuôi bảo đảm vệ sinh, quét dọn phân hằng ngày. Sát trùng định kỳ 1 lần/tháng bằng vôi hoặc dipterex, định kỳ tắm chải cho cừu sạch sẽ. Máng nước uống phải sạch sẽ và đủ nước sạch. Tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn hôi mốc…
Nhân rộng mô hình nuôi cừu-vật nuôi chống chịu nắng hạn
Cừu là vật nuôi đặc thù, có nhiều triển vọng để phát triển kinh tế, anh Huy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cừu sinh sản cho những ai muốn học hỏi. Đối với cừu cái cho ăn đầy đủ, sau 6 tháng sẽ lên giống. Sau 5 tháng cừu đẻ con. 20 ngày sau khi đẻ, cừu cái lại được lên giống và 1,5 tháng sau lại mang bầu.
Cừu cái tơ lần đầu đẻ chỉ 1 con, nhưng các lứa sau mỗi lần đẻ 2-4 con. Mỗi năm cừu cái đẻ 2 lứa. Cừu nuôi 8-10 năm mới thải loại. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng, cừu giống sẽ được xuất bán. Nuôi cừu quay vòng nhanh, cho hiệu quả cao, đây là một hướng đi, một cách làm mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn vật nuôi mang lại giá trị thu nhập cao ở nông thôn.
Ông Phạm Quang Thao- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bến Củi cho biết, từ lâu phần lớn vùng đất nông nghiệp ở địa phương trồng cao su, đất canh tác dành cho các loại cây trồng khác rất hiếm.
Người dân địa phương tận dụng nguồn cỏ dưới tán cao su để nuôi gia súc, chủ yếu là nuôi bò. Một số hộ khác nuôi dê. Do đặc tính của cừu ăn tạp, tăng trọng, sinh trưởng nhanh, bước đầu mang lại hiệu quả.
Nuôi cừu rất tiện lợi, tận dụng cỏ, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho cừu. Đầu ra chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Long An…Sức đề kháng cừu cao, ít bệnh. Cừu dễ nuôi, nên một số hộ có nhu cầu nuôi đang liên hệ anh Huy để học tập kinh nghiệm và mua con giống.
Hội Nông dân đã tổ chức cho anh Huy cùng một số hội viên nông dân tham quan, học tập những nơi nuôi cừu ở cánh đồng lớn; phối hợp Trạm Khuyến nông tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về chăn nuôi gia súc, trong đó có nuôi cừu.
Hiện nay, đàn cừu của anh Huy phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định nên anh Huy dự định mở thêm trại cừu ở tỉnh Bình Phước, với kế hoạch cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người có nhu cầu chăn nuôi.
Đồng thời, mở quán cà phê đồi cừu ở Bến Củi, để du khách có thể tham quan và “check in” với cừu. Theo anh Huy, nuôi cừu ít rủi ro hơn một số vật nuôi truyền thống khác, đầu ra mở rộng, giống cừu thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng Tây Ninh.
Nguồn: Dân Việt (link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen