Xã Tân Long (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sự phát triển, tình hình kinh tế có những khởi sắc, với những mô hình hiệu quả.
Hai anh em anh Trần Ngọc Ẩn và Trần Ngọc Lợi, sinh sống tại ấp Phụng Sơn B, là những người đầu tiên mang giống vú sữa Hoàng Kim về trồng thử nghiệm trên mảnh đất Tân Long và đã gặt hái được nhiều thành công.
Anh Lợi chia sẻ cơ duyên biết đến giống cây này là cuối năm 2019, thời điểm đó anh đang trồng một số loại cây như mít, cam,… dù sản lượng lớn nhưng lại rớt giá, không có lợi nhuận.
Để tìm kiếm một hướng đi mới, ban đầu anh trồng vài chục cây vú sữa Hoàng Kim, dần dà nhân rộng, diện tích vườn vú sữa của anh Lợi đã được 3ha và được công nhận sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Giống vú sữa Hoàng Kim tương đối dễ canh tác, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, lại mang lại giá trị kinh tế cao. Cây từ lúc trồng đến lúc cho trái khoảng 18 tháng, mỗi năm cho trái trung bình 3 vụ.
Sản lượng thu hoạch trung bình từ 7-8 tấn/ha. Vú sữa Hoàng Kim rất dễ bán, thương lái tìm đến tận vườn tìm mua và giá cả cũng ổn, nhờ đó cuộc sống gia đình tôi cũng khá hơn trước rất nhiều”, anh Lợi chia sẻ.
Vú sữa Hoàng Kim sau khi được anh em anh Trần Ngọc Ẩn và Trần Ngọc Lợi ghép cành cho trái to, đẹp và ngon hơn giống cũ. Vườn vú sữa Hoàng Kim của 2 anh ở ấp Phụng Sơn B, Xã Tân Long (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).
Để tăng năng suất và chất lượng trái, hai anh em của anh Lợi đã tự chủ động tìm tòi và ghép cành thành công, tạo ra giống mới khắc phục được những hạn chế của giống gốc. Giống vú sữa Hoàng Kim được anh Lợi ghép cành có nhiều ưu điểm như trái to, trọng lượng từ 300g đến 1,2kg/trái, vị ngọt hơn, bề ngoài bắt mắt và giá thành được thu mua cũng cao hơn.
Dự kiến trong thời gian tới, anh Lợi sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang cây vú sữa Hoàng Kim do anh tự ghép cành để tăng thêm giá trị kinh tế. Từ sự thành công của gia đình anh Lợi, hiện nay toàn xã Tân Long có diện tích trồng vú sữa hoàng kim khoảng 20ha.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán 2024 tới đây, anh Lợi đang thử nghiệm trên một số trái để cho ra mắt vú sữa Hoàng Kim tạo hình thỏi vàng tài – lộc, phục vụ nhu cầu chưng tết, biếu tặng của người dân trong và ngoài tỉnh.
Vú sữa Hoàng Kim hiện nay đang là loại cây trồng tiềm năng, mang đến giá trị kinh tế cao cho các hộ nông dân.
Địa phương đã đề xuất công nhận vú sữa Hoàng Kim là sản phẩm OCOP của địa phương. Cây ăn trái toàn xã có diện tích 1.310ha, xã đang định hướng sẽ tập trung những cây trồng chủ lực.
Bà Đỗ Thị Bé Tuyền, cán bộ Tổ kỹ thuật UBND xã Tân Long, cho biết: “Xã đang hỗ trợ nông dân trồng vú sữa hoàng kim trong việc đăng ký mã số vùng trồng, để trong tương lai loại nông sản này có cơ hội đi xa hơn, không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra quốc tế. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.
Theo UBND xã Tân Long, những tháng qua, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã đạt kết quả khả quan.
Lĩnh vực nông nghiệp vốn là thế mạnh, tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Toàn xã có 1.548ha đất nông nghiệp, cây ăn trái phát huy thế mạnh khi diện tích trồng lên đến 1.310ha, đạt 100% so với kế hoạch.
Các loại cây khác cũng có kết quả khả quan như diện tích gieo trồng lúa là 490ha, đạt 106,52%; diện tích mía 40ha đạt 100%; diện tích xuống giống cây rau màu 280ha, đạt 112% chỉ tiêu huyện giao.
Từ việc phát triển kinh tế nông nghiệp có hiệu quả đã giúp cuộc sống nhân dân xã Tân Long có nhiều chuyển biến. Năm 2022, xã giảm hơn 1% hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo năm 2023 này được dự đoán sẽ nhiều hơn năm trước.
Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết thêm: “Xã đã hoàn thành các tiêu chí để xã trở thành thị trấn, định hướng trong thời gian tới đây, xã sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, xã hội đúng hướng.
Riêng vú sữa Hoàng Kim đang đem lại hiệu quả kinh tế, địa phương đang lên kế hoạch sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp, công ty du lịch đầu tư, kết hợp với nông dân làm du lịch sinh thái tại các vườn cây ăn trái địa phương, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống nhân dân”.
Nguồn: Dân Việt (link)