Đây là hoạt động triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong thâm canh cây mít ruột đỏ theo hướng an toàn sinh học tại thị trấn Nông trường Việt Trung, do Văn phòng Phát triển bền vững thuộc Văn phòng T.Ư Hội NDVN hỗ trợ cho nông dân.
Nông dân phấn khởi nhận cây giống và vật tư
Theo Hội ND tỉnh Quảng Bình, số cây giống và vật tư bàn giao cho các hộ hội viên tham gia mô hình gồm: 210 cây mít ruột đỏ, 80kg phân đạm, 40kg phân lân, 40kg phân kali, 225 lít phân đạm cá, 140kg vôi bột, 52,5 lít chế phẩm sinh học.
Lãnh đạo Hội ND tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay sau khi nhận sự hỗ trợ từ nguồn vốn của T.Ư Hội NDVN, tỉnh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và lựa chọn những hội viên nông dân ưu tú để tham gia mô hình tại thị trấn Nông trường Việt Trung. Tổng số tiền hỗ trợ mua cây giống, vật tư lần này gần 300 triệu đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư Hội NDVN.
“Sự hỗ trợ của T.Ư Hội NDVN về giống cây mít ruột đỏ và các vật tư cho hội viên nông dân trên địa bàn thị trấn Nông trường Việt Trung là rất ý nghĩa, thiết thực để phát triển và nâng tầm cây trồng này”.
Ông Nguyễn Thanh Đồng –
Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Việt Trung
Trước khi bàn giao, giảng viên đã hướng dẫn cho các hộ tham gia mô hình nắm vững kỹ thuật và phương pháp ứng dụng chế phẩm sinh học trong thâm canh cây mít ruột đỏ. Những hội viên nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung sau khi nhận được cây giống, phân bón và chế phẩm sinh học để thâm canh cây mít ruột đỏ đều bày tỏ sự vui mừng và ai cũng hy vọng đây sẽ là động lực cho sự phát triển mới của mít ruột đỏ nơi đây, giúp bà con tăng thu nhập.
Ông Phan Tuấn Anh (55 tuổi, tổ dân phố Quyết Tiến, thị trấn Nông trường Việt Trung) chia sẻ: “Gia đình tôi vừa nhận hơn 200 cây mít ruột đỏ giống và những vật tư khác để chăm sóc mít theo phương pháp hữu cơ. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, giá cả vật tư tăng và ở mức cao…, nông dân chúng tôi nhận được sự hỗ trợ như vậy là rất quý, rất vui. Đây là sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa, giúp hội viên nông dân như tôi có động lực vươn lên phát triển sản xuất”.
“Tôi sẽ mang hơn 200 cây giống mít ruột đỏ vừa nhận được về trồng mấy ngày tới. Chất đất ở thị trấn Nông trường Việt Trung rất hợp với cây ăn quả nên tôi rất lạc quan về việc cây mít ruột đỏ sẽ phát triển tốt, cho quả chất lượng. Cảm ơn Hội ND các cấp đã hỗ trợ nông dân chúng tôi phát triển kinh tế” – bà Phạm Thị Tuyết Nhung (59 tuổi, tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Nông trường Việt Trung) cho hay.
Chính nông dân quyết định thành công
Tham dự buổi lễ bàn giao cây giống, chế phẩm, phân bón…, ông Nguyễn Thanh Đồng – Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết: “Cây mít ruột đỏ không còn xa lạ với mảnh đất thị trấn Nông trường Việt Trung, một số nông dân đã trồng và mang lại hiệu quả cao. Nên sự hỗ trợ của T.Ư Hội NDVN về giống cây mít ruột đỏ và các vật tư cho hội viên nông dân trên địa bàn là rất ý nghĩa, thiết thực để phát triển và nâng tầm cây trồng này”.
“Điều cốt yếu nhất để thành công trong mô hình này là người nông dân. Bản thân mỗi hội viên nông dân phải chuyên nghiệp hóa, học hỏi và tiếp thu kĩ thuật trồng, chăm sóc… để mang lại hiệu quả. Từ đó sẽ tạo động lực để cấp ủy chính quyền địa phương và hội nông dân thị trấn nhân rộng mô hình trên địa bàn” – ông Nguyễn Thanh Đồng nhìn nhận.
Bà Đỗ Thị Hoài Thu – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: “Triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong thâm canh cây mít ruột đỏ theo hướng an toàn sinh học tại thị trấn Nông Trường Việt Trung, do T.Ư Hội NDVN hỗ trợ cho nông dân là rất thiết thực. Qua đó, nhằm tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất nông nghiệp, để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. Đồng thời, phát huy vai trò của các cấp Hội ND trong việc tham gia thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021- 2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị trấn Nông trường Việt Trung lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 – 2025 ) về phát triển nông nghiệp của địa phương”.
Nguồn: Dân Việt (link)