Ôn Lương là một xã vùng sâu của huyện Phú Lương với 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, đời sống của bà con trong vùng còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao.
Thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng hiệu quả không cao.
Tuy nhiên, từ khi địa phương có chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là thay đổi các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao như lúa nếp Vải đã giúp thu nhập của bà con được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ mô hình này.
Lúa nếp Vải là giống lúa cổ truyền của địa phương, được bà con trên địa bàn xã Ôn Lương (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đưa vào trồng từ nhiều năm nay để thay thế cho một số giống lúa cũ có năng suất thấp.
Nhiều bà con ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chuyển sang trồng lúa nếp vải cho năng suất, chất lượng cao. Clip: Hà Thanh
Từ năm 2020 trở về trước, diện tích gieo cấy nếp Vải trên địa bàn xã thấp, chỉ đạt khoảng 30 – 40ha, chiếm 15 – 20% diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn toàn xã. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào trồng, nhận thấy giống lúa này cho hiệu quả cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Ôn Lương nên bà con dần phát triển và mở rộng quy mô sản xuất.
Đặc tính của giống lúa này là cứng cây nên không bị đổ, khả năng đẻ nhánh và kháng bệnh tốt, ít phải phun thuốc bảo vệ thực vật.
Gạo nếp Vải có đặc điểm hạt nhỏ, có hình khuyết nơi đỉnh hạt, hạt gạo trắng sáng. Ưu điểm của loại gạo này là hương thơm ngào ngạt, vị đậm ngậy, hạt dẻo quánh nên thường được bà con trong vùng sử dụng để giã cốm và làm một số loại bánh đặc sản như: bánh chưng, bánh giầy, bánh da lợn, bánh xu xê…
Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng lúa nếp Vải của xã Ôn Lương khoảng 79ha, chiếm 42% tổng diện tích lúa trên địa bàn toàn xã. Năng suất lúa nếp Vải trên địa bàn xã đạt ở mức trung bình từ 51tạ/ha trở lên, với sản lượng 406 tấn. Chính vì mang lại năng suất cao nên trong những năm qua, các cấp, các ngành của huyện Phú Lương luôn quan tâm hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa nếp Vải.
Lúa nếp Vải được xã Ôn Lương xác định là cây trồng chủ lực trên đất nông nghiệp, là cây mũi nhọn trong các chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn mang tính văn hóa, xã hội sâu sắc giúp nông dân có cuộc sống ổn định, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, kinh tế xã hội của địa phương.
Năm 2019, xã Ôn Lương được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu gạo nếp Vải Phú Lương. Năm 2020, Hợp tác xã Nông sản Nếp Vải Ôn Lương được thành lập, từ đây đã mở ra hướng đi mới cho bà con trong vùng.
Chị Nguyễn Xuân Huế – Phó Giám đốc HTX Nông sản nếp Vải Ôn Lương cho biết: Trước đây, gạo nếp Vải thường bị tư thương ép giá nên giá thành rất thấp. Nhưng từ sau khi thành lập HTX Nông sản nếp Vải Ôn Lương đến nay, thương hiệu gạo nếp Vải Ôn Lương ngày càng được nhiều người biết đến, giá cả cũng vì thế mà được nâng lên. Có nhiều người còn mua gạo nếp Vải Ôn Lương mang sang cả nước ngoài để biếu, tặng. Hiện sản phẩm gạo nếp Vải được HTX bán với giá dao động từ 30.000 – 35.000đ/kg.
Bên cạnh việc sản xuất và bao tiêu gạo nếp Vải cho bà con trong vùng, hiện nay HTX còn chế biến gạo nếp Vải thành các sản phẩm như: Cốm nếp vải, bánh chưng, bánh giầy, cơm cháy… có đủ tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Các sản phẩm khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Năm 2021, HTX Nông sản Nếp Vải Ôn Lương có 10ha diện tích lúa nếp Vải được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đây, HTX đã từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với người dân trong xã và làng nghề bánh chưng Bờ Đậu.
Năm 2021, sản phẩm gạo nếp Vải Ôn Lương được công nhận là một trong 27 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên và đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Đến thời điểm này, sản phẩm lúa nếp Vải Phú Lương đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý cho vùng sản xuất Nếp vải huyện Phú Lương.
Hiện nay sản phẩm đã được bày bán trong các siêu thị và trên hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử, nhờ đó, được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Những năm gần đây, để nâng cao năng suất, chất lượng lúa nếp Vải đặc sản tại xã Ôn Lương, người dân đã áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào thâm canh sản xuất lúa nếp Vải và đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt.
Nếu mỗi ha cấy lúa Khang dân 18 chỉ cho thu khoảng 3.600.000đ thì mỗi ha lúa nếp Vải lại cho thu tới 8.740.000đ. Như vậy có thể thấy, việc trồng lúa nếp Vải đang mang lại hiệu quả và thu nhập cao hơn gấp hơn hai lần so với những giống lúa thông thường trước đây.
Nhờ trồng lúa nếp Vải, nhiều bà con ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương đã có thu nhập cao hơn hẳn so với trồng một số giống lúa cũ trước đây. Chính vì vậy, đã có nhiều hộ thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá.
Chị Hoàng Thị Minh, xóm Khau Lai, xã Ôn Lương chia sẻ: Gia đình chị chủ yếu phát triển sản xuất với nghề trồng chè và trồng lúa. Trước đây, gia đình chị nằm trong diện hộ nghèo của xóm do chưa tiếp cận được khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhưng từ khi tiếp cận với giống lúa nếp Vải, đồng thời thay đổi tư duy trong cách sản xuất, chế biến chè, thu nhập của gia đình chị đã được nâng lên. Từ hộ nghèo, đến nay, đời sống của gia đình đã bớt khó khăn hơn.
Ông Đào Quốc Tấn – Phó Chủ tịch UBND xã Ôn Lương (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Trong thời gian tới, để duy trì và mở rộng diện tích trồng lúa nếp Vải, địa phương sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào canh tác để nâng cao năng suất và sản lượng. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thành lập chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đến thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như đa dạng hoá sản phẩm trong sản xuất và chế biến gạo nếp Vải.
Cùng với đó, sẽ phát triển, mở rộng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm từ OCOP 3 sao lên OCOP 4 sao, hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Nguồn: Dân Việt (link)