Khâu liên kết thu mua tốt, đầu ra ổn định…, nông dân huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) tập trung phát triển cây sắn nguyên liệu đạt hiệu quả. Nhiều hộ dân tại các vùng sản xuất có nguồn thu nhập đáng kể.
Tận dụng diện tích luân canh cây mía, gia đình anh Dương Văn Khuyên, xóm Bản Chu, xã Đại Sơn đầu tư trồng 3,7 ha sắn nguyên liệu.
Anh Khuyên cho biết: Nhận thấy cây sắn cao sản có thể trồng xen canh với cây dưa hấu mà vẫn cho thu nhập cao nên gia đình tôi mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Nhờ đó, đất luôn tơi xốp, cây phát triển đồng đều, quang hợp đủ ánh sáng, thân cây thẳng, không phân nhánh phù hợp để giống cho vụ sau.
Đến thời kỳ thu hoạch, thay vì thu sớm, gia đình để cây sắn già củ, vì vậy mà cân nặng và hàm lượng tinh bột từ củ luôn đạt ở mức độ cao, trung bình đạt 5 – 6 kg củ tươi/hốc.
Năng suất sắn củ trung bình đạt hơn 30 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 110 tấn. Cộng với 60 tấn dưa hấu trồng xen canh, bán sắn củ và giống sắn, trừ chi phí gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Cùng với hộ anh Khuyên, gia đình bà Lục Thị Luyến, tổ 4, thị trấn Hòa Thuận năm nay được mùa sắn. Bà Luyến chia sẻ: Gia đình có hơn 2 ha đất sản xuất, trong đó áp dụng phương thức luân canh 1 nửa trồng mía và 1 nửa trồng sắn nguyên liệu.
Đối với cây sắn, năm nay, 100% diện tích được gia đình trồng giống mới, đảm bảo đúng lịch thời vụ, cây sinh trưởng, phát triển tốt, trung bình đạt từ 3 – 5 kg củ tươi/hốc, sản lượng đạt hơn 30 tấn. Với giá bán 2.450 đồng/kg củ tươi, gia đình tôi thu về hơn 60 triệu đồng.
Người dân trồng cây sắn ở thị trấn Hòa Thuận (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) thu hoạch củ sắn nguyên liệu.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Hoàng Văn Bối, năm nay xã trồng 125 ha sắn nguyên liệu, chủ yếu là sắn cao sản. Cây sắn mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, trung bình vài chục triệu đồng/hộ/năm.
Rút kinh nghiệm từ các năm trước, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các xóm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sản xuất theo lịch thời vụ, hạn chế thu hoạch sớm, phối hợp với nhà máy lên phương án thu mua hợp lý, tạo ổn định lâu dài cho vùng nguyên liệu.
Số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Hòa, (tỉnh Cao Bằng) vụ sắn năm 2023, toàn huyện trồng trên 500 ha sắn nguyên liệu, tập trung tại các xã: Đại Sơn, Cách Linh, Phúc Sen, Bế Văn Đàn và thị trấn Hòa Thuận, thị trấnTà Lùng, sản lượng đạt hơn 10.000 tấn.
Để tăng giá trị kinh tế cho cây trồng, Phòng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn nên năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn củ tăng.
Cây sắn trở thành cây có giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà nhiều hộ vươn lên khá, giàu.
Bà Nông Thị Hiền, cán bộ Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng cho biết: Hiện nay, Nhà máy thu mua 12,3 nghìn tấn củ sắn tươi tại các huyện, trong đó tập trung chính tại huyện Quảng Hòa.
Giá củ sắn tươi thu mua từ 2.250 – 2.450 đồng/kg, cao hơn từ 500 – 700 đồng/kg so với giá sắn năm 2022. Sản xuất hơn 3.000 tấn tinh bột, xuất bán gần 2.000 tấn với giá hơn 12,2 triệu đồng/tấn. Theo kế hoạch, Nhà máy tiếp tục duy trì sản xuất trong vòng 1 tháng nữa mới kết thúc vụ sắn năm 2023.
Để phát triển vùng nguyên liệu bền vững gắn với sản xuất ổn định, tăng thu nhập cho người dân, năm 2024, Nhà máy tiếp tục làm tốt công tác dự tính dự báo, tham mưu cho tỉnh làm tốt việc quy hoạch vùng nguyên liệu; điều chỉnh chính sách thu mua nguyên liệu theo cơ chế thị trường…
Nhà máy cũng đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống mới vào trồng đại trà; quan tâm làm tốt việc luân canh, xen canh cây trồng nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế trên diện tích canh tác.
Nguồn: Dân Việt (link)
Thông tin hữu ích khác:
– Volkswagen Nha Trang
– Kiến thức gia đình
– Xe hơi Volkswagen
– Tri thức đời sống
– Giá xe Volkswagen
– Mua xe Volkswagen