Mô hình này mới xuất hiện ở đất xã Đồng Du, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) được gần một năm nay, đang thu hút sự chú ý của nhiều người.
Chủ trang trại này là ông Đào Ngọc Trọng, năm nay ngoài 50 tuổi, người thôn An Bài 1.
Ông Trọng vốn thoát ly từ lâu, lên Hà Nội làm nghề xây dựng. Năm 2014, vợ ông ở quê một mình làm lụng vất vả, muốn xây dựng xưởng làm may mặc nên động viên chồng về làm cùng.
Ông Trọng từ bỏ công việc đã gắn bó nhiều năm, về quê giúp vợ xây dựng xưởng và chuẩn bị cho công việc mới.
Khu ruộng quây bạt nuôi cua đồng của gia đình ông Đào Ngọc Trọng, xã Đồng Du, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam).
Tuy nhiên, việc sản xuất đồ may mặc với vợ chồng ông không phù hợp nên rất nhanh chóng phải đóng cửa xưởng. Một thời gian sau, họ bán lại xưởng sản xuất đó cho người khác. Ông Trọng tìm nghề mới…
Nhìn thấy cánh đồng làng có nhiều diện tích bỏ hoang. Người dân đã chọn công việc mới, vào các khu công nghiệp hoặc các công ty gần nhà làm công nhân.
Ruộng sâu, đất trũng, làm ăn bấy lâu không hiệu quả nên chẳng ai tiếc. Ông Trọng đã nghĩ, ở Hà Nội có rất nhiều người về Hà Tây cũ thuê đất của dân để nuôi ốc nhồi, nuôi cua…
Nhiều lần cùng bạn bè về các vùng quê đó làm việc, thăm quan, ông Trọng nghe họ kể chuyện làm ăn của những người Hà Nội rời thành phố về quê lội ruộng thả ốc, nuôi cua. Từ đây, ông nảy ra dự định thuê lại diện tích ruộng của bà con, khoanh vùng tập trung nuôi cua đồng.
Ông tìm đến các hộ dân nuôi cua ở Hà Tây cũ, Hải Dương nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm. Sau đó tự mình lên mạng tìm tòi những thông tin về kỹ thuật, giống, phương pháp chăm sóc, phát triển trang trại thế nào….
Lo toan thủ tục cũng mất hàng năm trời, đến cuối năm 2021, ông đã thuê lại đất của 14 hộ dân để có 8 mẫu nuôi cua. Mỗi năm ông trả cho xã gần 5 triệu đồng tiền thuế và trả cho dân 20kg thóc/sào.
Ông Đào Ngọc Trọng đặt lưới bát quái để bắt cua đồng nuôi trong cánh đồng bỏ hoang, xã xã Đồng Du, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam).
Ông Đào Ngọc Trọng chia sẻ: Tôi cải tạo diện tích cấy của bà con thành chỗ nuôi cua đồng rất đơn giản như đắp lại các bờ ruộng cũ cho chỉnh trang hơn, sau đó mua bạt ba lớp tráng nhựa về dải xung quanh các ô ruộng, lấy ghim ghim bạt xuống đất để cua ở lại ruộng, không bò đi.
Tôi mua 1 tấn cua giống để thả cho toàn bộ diện tích này, tính ra mới chỉ đạt 40% công năng thôi. Bởi, với diện tích này, người ta có thể thả 2,5 tấn cua giống. Nhưng vì mình mới bắt đầu làm, phải thận trọng và thử nghiệm đã.
Theo tính toán của ông Trọng, mỗi 1 kg cua giống có khoảng 400 cua con. Vì vận chuyển từ xa về nên bao giờ lượng cua giống cũng bị hao 10-20%, có nghĩa là 1kg cua giống chỉ còn 350 con. Khi thu hoạch, mỗi kg cua thịt ước chừng 85-100 con. Vậy là một kg cua giống sẽ cho khoảng 3,5 đến 4kg cua thịt.
Ông Đào Ngọc Trọng cho biết: “Chỉ vài tháng sau, tôi bắt đầu thu hoạch bằng lưới bát quái những con cua đực. Giá bán tại ruộng được 140.000 đồng/kg cua thịt. Mỗi ngày, tôi ra ruộng từ 4h30 sáng, bỏ lưới, một tiếng sau đánh được hơn 1 yến cua để bán cho khách.
Công việc cũng không quá vất vả như mình nghĩ. 7 h sáng, tôi đã giao hàng xong, quay ra nhận cá của dân mang đến bán cho mình làm thức ăn cho cua…”
Thực tế trang trại cua của ông Trọng mới thấy, mọi chuyện thật đơn giản. Ông Trọng nói ở tuổi ông, làm công việc này rất thích.
Làng ông ở ven sông Châu, một số người dân ven sông thường dùng đăng bắt cá. Mỗi ngày, họ đổ lên bờ hàng yến cá dọn bể, làm ô nhiễm môi trường.
Khi nghiên cứu cách chăm sóc cua, ông thấy cá dọn bể dùng làm thức ăn cho cua rất tốt nên đã hợp đồng với những người dân chài mua lại toàn bộ số cá họ đăng được với giá 10.000 đồng/thùng. Thùng này chứa được 16- 18kg cá. Mỗi ngày, nhà ông cần 30-40kg cá.
Ông bỏ vào nồi lớn chất củi đun sôi rồi cho cám gạo đảo đều đến đặc sệt lại thì thôi. Chiều muộn, ông mang cám ra ruộng cho cua ăn. Ông nói: “Con cua, tôm, ốc là những loài ăn sạch, sống sạch. Nếu ruộng bẩn, ô nhiễm, nó sẽ chết. Vì thế, tôi chọn cách nấu thức ăn để cua ăn nhằm giữ sạch nguồn nước cho cua phát triển.”
Cua đồng ở đây lớn nhanh. Những con cua cái giống sau khi thả 6 tháng sẽ bắt đầu lứa sinh sản. Càng vào mùa mưa thì cua cái càng đẻ nhiều. 2 lứa đầu, mỗi cua cái có khoảng 300 con/lần sinh sản. Cứ sau 40 ngày, cua bắt đầu một lứa mới… Do vậy, ông Trọng tính toán chỉ thả giống một lần, sau đó để nó tự sinh sản, nhân giống.
Ông nói: “ Khi tôi thu hoạch lứa đầu phát hiện cua cái chửa rất nhiều. Vì thế, tôi quyết định chỉ bắt cua đực bán, còn để lại cua cái. Lượng cua bán ra đúng thời điểm đắt nhất không có nhiều. Tính đến giờ, tôi mới chỉ bán được vài tạ cua thịt”.
Hy vọng về hiệu quả của mô hình này có căn cứ nhiều hơn khi nhu cầu thị trường lớn, trang trại của ông vẫn chưa thể đáp ứng hết. Tháng 6 vừa qua, ông Trọng thả thêm 3,5 tấn ốc vặn.
Ông Trần Văn Huyên, một người buôn ốc lâu năm ở xã Hưng Công cho biết: Ông Trọng đã và đang trở thành mối hàng lớn nhất của tôi hiện nay. Nhu cầu thu mua ốc vặn hiện nay đang “hót” khi nhiều gia đình ở xã Hưng Công có nghề mới khêu ốc đóng gói chuyển đi Hà Nội cung cấp cho các quán ăn. Kết hợp với nuôi cua, việc nuôi ốc của ông Trọng tăng thêm giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích hiệu quả hơn”.
Trao đổi với ông Lê Ngọc Hanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) được biết: Hiện nay ở xã Đồng Du có một số mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả như nuôi ốc nhồi ao đất, trồng nho công nghệ cao, nuôi cua đồng, trồng bưởi…
Hiệu quả các mô hình này đang dần khẳng định, Hội Nông dân là điểm tựa để bà con thông qua tổ chức vay vốn ngân hàng, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm… Tuy nhiên, để xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình, người nông dân cần có tư duy nhạy bén, cần cù và sáng kiến.
Nguồn: Dân Việt (link)