Ông nông dân Thái Nguyên hé lộ kỹ nghệ kho cá thơm khắp làng, có ngày bán tới 60 niêu

CLIP: Ông Lê Văn Toản, nông dân xóm Đồng Danh, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về món cá kho của mình. Clip: Hà Thanh

Ông Lê Văn Toản cho biết, do có sở thích câu cá, nên ông Toản thường xuyên đi câu và câu được rất nhiều cá. 

Số cá câu được, ông dùng để kho và trở nên đam mê với món ăn này. Tuy nhiên, cá kho thường bị nát, vỡ. Bởi vậy, ông Toản đã tự mày mò và quyết tìm ra công thức kho cá ngon.

Qua nhiều lần bỏ đi kho lại, không ít lúc nản lòng, cuối cùng ông Toản đã tìm ra bí quyết để có được món cá thơm ngon, chắc thịt. 

Năm 2018, ông Toản quyết định mở cửa hàng kinh doanh ăn uống và phục vụ khách hàng món cá kho này. Ngay từ mẻ 10 nồi cá kho đầu tiên, ông đã rất thành công được khách hàng khen ngợi hết mực. Từ đó, ông đã quyết định mở rộng thị trường và chuyên chế biến sâu về món cá kho này.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Toản cho biết, để món cá kho thơm ngon, trọn vị, chắc thịt, ông lựa chọn nguyên liệu đầu vào là cá tươi từ ao cá của người dân trên địa bàn, cá trắm trắng có trọng lượng từ 4 – 6kg/con và cá trắm đen có trọng lượng từ 8 – 10kg/con. 

Bí quyết giúp ông nông dân Thái Nguyên làm ra món cá kho thơm ngon khó cưỡng   - Ảnh 2.

Năm 2018, ông Toản chính thức đưa ra thị trường món cá kho niêu đất. Ảnh: Hà Thanh

Các loại gia vị ông sử dụng để kho cá đều là những loại gia vị thông thường như riềng, gừng, nước mắm, mì chính, hạt nêm… Đặc biệt, ông còn sử dụng nước chè xanh và nước chanh theo tỷ lệ thích hợp để tạo nên món cá kho trứ danh của gia đình.

Bí quyết giúp ông nông dân Thái Nguyên làm ra món cá kho thơm ngon khó cưỡng   - Ảnh 4.

Miếng cá sau khi kho vẫn nguyên vẹn không bị nát. Ảnh: Hà Thanh

Quá trình kho một nồi cá thường kéo dài khoảng 15 giờ đồng hồ. Theo đó, sau khi sơ chế sạch, cá được cắt thành từng khúc, xếp vào nồi rồi phối trộn với các loại gia vị theo tỷ lệ thích hợp. 

Cá được ướp cho ngấm gia vị trong thời gian từ 1,5 – 2 giờ. Tiếp đến sẽ tiến hành đổ nước sôi vào, chú ý không dùng nước lã vì sẽ khiến cá bị tanh và vỡ nát.

Trong quá trình kho cá cần đặc biệt lưu ý công đoạn điều tiết nhiệt độ sao cho phù hợp, lửa phải đều và nhỏ, nếu lửa to quá sẽ khiến cá bị vỡ, nát.

“Quan sát nếu thấy nước trong nồi cá kho trong thì mới đảm bảo, còn nước đục coi như nồi cá bỏ đi” – ông Toản chia sẻ.

Bí quyết giúp ông nông dân Thái Nguyên làm ra món cá kho thơm ngon khó cưỡng   - Ảnh 5.

Cá kho trong niêu đất có vị thơm ngon đặc trưng. Ảnh: Hà Thanh

Ông Toản cho biết, cá kho ngon là cá phải đảm bảo khi ăn cá phải nhừ cả xương nhưng miếng cá vẫn nguyên vẹn không bị nát, thịt chắc, ngậy, thơm, màu sắc bắt mắt. Nếu bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh với điều kiện nhiệt độ -16oC, thời gian bảo quản món cá kho có thể lên tới 6 tháng.

Bí quyết giúp ông nông dân Thái Nguyên làm ra món cá kho thơm ngon khó cưỡng   - Ảnh 6.

Những ngày cao điểm, ông Toản bán ra thị trường khoảng 60 nồi cá kho. Ảnh: Hà Thanh

Thời điểm nhiều nhất có những ngày ông kho và bán ra thị trường khoảng 60 nồi cá kho. Từ đầu năm đến nay, ông xuất bán ra thị trường khoảng 400 nồi cá kho, vì món ăn này chỉ chủ yếu bán vào thời điểm thời tiết lạnh.

Hiện nay, ông Toản đang bán cá kho với giá 300.000 đồng/niêu size lớn và 150.000 đồng/niêu size nhỏ. Đến thời điểm này, ngoài địa bàn Thái Nguyên, món cá kho của gia đình ông Toản đã có mặt ở một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…

Năm 2022, món ăn này đã đạt giải thưởng trong Hội thi “Tinh hoa văn hóa ẩm thực” do Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tổ chức. 

Hiện, ông Toản đang làm hồ sơ, thủ tục để đăng ký thành lập HTX, từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm cá kho tại địa phương. Đồng thời liên kết tiêu thụ sản phẩm cá hồ Núi Cốc để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào.

Bí quyết giúp ông nông dân Thái Nguyên làm ra món cá kho gia truyền thơm ngon khó cưỡng   - Ảnh 7.

Món cá kho của ông Toản từng đạt giải thưởng trong Hội thi Tinh hoa văn hóa ẩm thực năm 2022. Ảnh: Hà Thanh

Ngoài chế biến cá kho, ông Toản còn làm thêm các món ăn đặc sản hấp dẫn khác như thịt hun khói, lạp xưởng, bánh chưng đen, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Ông Đoàn Văn Viên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đánh giá, sản phẩm cá kho của hộ gia đình ông Toản là một sản phẩm đặc biệt mang tính cổ truyền. Sản phẩm khi đưa ra thị trường được nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng.

“Hiện tại về phía Hội Nông dân xã cũng có kế hoạch giúp đỡ hộ gia đình ông Toản về mặt thủ tục hồ sơ liên quan để đề nghị các cấp, các ngành công nhận là sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ để đưa sản phẩm cá kho đi dự thi sản phẩm OCOP” – ông Viên cho biết thêm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025



Nguồn: Dân Việt (link)