Ông nông dân Hà Nội sở hữu 500 cây bưởi Diễn, bán đi muôn nơi, sang cả Nga thu hàng trăm triệu

Tìm “lối đi riêng” cho cây bưởi Diễn

Sau nhiều lần lỡ hẹn, vừa qua chúng tôi mới có dịp ghé thăm mô hình trồng bưởi hữu cơ và cùng trò chuyện với ông Lê Hữu Diện – Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Đức Hậu – Lưu Quang, thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) về cơ duyên đến với cây bưởi Diễn.

Ở tuổi thất thập, ông Diện vẫn rất nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng. Bên ly trà thơm, ông nở nụ cười hiền hậu, chất phác. Ngoài vườn hàng trăm cây bưởi Diễn ra quả sai trĩu, hương bưởi thơm nhè nhẹ, thoang thoảng theo gió đưa vào.

Ông Diện bảo, ở vùng đất này trước kia người dân chủ trồng hoa màu và cây lê gỗ, năng suất ổn định nhưng giá bán không cao, thu nhập gần như chỉ đủ ăn chứ không dư giả. Do đó, năm 2004, ông mạnh dạn trồng thử nghiệm 140 gốc bưởi Diễn và thật bất ngờ thu được thành công ngay lần đầu tiên. 

“Năm đó, giá bưởi Diễn 40.000 đồng/quả, gia đình tôi thu lãi “khủng”, từ đó tôi chuyển hẳn sang trồng bưởi” – ông nhớ lại.

Người tìm ra “lối đi riêng” cho cây bưởi Diễn - Ảnh 1.

Nhờ tìm được “lối đi riêng”, ông Lê Hữu Diện – Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Đức Hậu – Lưu Quang thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã giúp trái bưởi Diễn xuất khẩu sang thị trường Nga. Ảnh: Nguyễn Nam.

“Trong thời gian tới, HTX đang có kế hoạch tìm hiểu và xây dựng các phương pháp chế biến và bảo quản tiên tiến, từ đó, giúp trái bưởi giữ được lâu hơn, hướng tới việc xuất khẩu bưởi Diễn hữu cơ sang nhiều thị trường hơn nữa”.

Ông Lê Hữu Diện – Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội)

Từ thành quả đó, ông Diện quyết định mở rộng diện tích và chuyển hẳn sang trồng bưởi Diễn, tuy nhiên, “may mắn dễ đến nhưng cũng dễ đi”. 

Thời điểm ấy, giá bưởi tăng cao “người người, nhà nhà” đua nhau trồng nên đã “kéo” giá loại quả này xuống thấp, thậm chí năm 2014, đã gây ra tình trạng “được mùa mất giá”.

Nhận thấy việc canh tác và tiêu thụ theo phương pháp cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro, sản phẩm chịu sự cạnh tranh khốc liệt, ông Diện đã thay đổi tư duy sản xuất, từ bỏ “lối mòn”, tìm hiểu các kỹ thuật canh tác mới, trong đó, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Năm 2017, với số vốn nhỏ tích góp được, ông Diện thành lập HTX Nông nghiệp sạch Đức Hậu – Lưu Quang gồm 11 thành viên, mục tiêu hướng tới việc sản xuất bưởi sạch, bưởi chất lượng cao và xây dựng quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững.

Chia sẻ về tên gọi “Đức Hậu – Lưu Quang” của HTX, lão nông 70 tuổi cho biết, đây là tên do ông tự đặt, hàm chứa triết lý kinh doanh của ông và những thành viên trong HTX. “Tôi cho rằng việc làm ăn, kinh doanh, nhất là với nghề sản xuất thực phẩm, muốn có “hậu” phải xuất phát từ “đạo đức”, có như vậy mới có thể “lưu quang” – tức là lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người, để lại tiếng thơm cho con cháu”- ông Diện giải thích.

Từ sản xuất VietGAP đến hữu cơ

Sau khi thành lập HTX Nông nghiệp sạch Đức Hậu – Lưu Quang, ông Diện nhanh chóng bắt tay vào tìm hiểu và áp dụng phương pháp canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP do Bộ NNPTNT ban hành. Tuy nhiên, vì tuổi đã cao lại không thông thạo công nghệ, ông gặp phải không ít khó khăn trong quá trình học tập, ứng dụng, dẫn đến bưởi bị sâu bệnh nhiều, năng suất thấp. Suốt 3 năm đầu chuyển sang phương pháp canh tác mới, doanh thu của HTX vô cùng bấp bênh.

May mắn đến vào năm 2020, ông Diện có cơ hội tham gia “Chương trình khởi nghiệp” của kênh nông nghiệp, nông thôn (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC). Từ đây, ông có cơ hội được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn từ khâu trồng trọt, chăm bón đến phòng trừ sâu bệnh cho bưởi bằng phương pháp hữu cơ.

Sẵn có sự am hiểu về trồng bưởi theo hướng VietGAP từ trước, ông Diện nhanh chóng tiếp thu những kiến thức từ chuyên gia và áp dụng cho mô hình của mình. Trong suốt quá trình từ gieo trồng đến thu hoạch, ông chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục trộn với chế phẩm sinh học, tương ngâm với cá tươi và ốc trong khoảng 2 – 3 tháng để bón cho cây. Về việc phòng trừ sâu bệnh, ông và các thành viên HTX chọn sử dụng các chế phẩm sinh học từ thảo mộc thiên nhiên như gừng, ớt, tỏi…

Theo ông Diện, áp dụng phương pháp trồng bưởi hữu cơ khiến năng suất giảm, công lao động và chi phí bỏ ra tăng lên nhiều nhưng lại góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho người trồng và người tiêu dùng. Đặc biệt, phương pháp này còn mang lại hương vị thơm ngọt tự nhiên cho nông sản, thể hiện nét đặc trưng về thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng miền, giúp nâng cao giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Nhờ phương pháp canh tác độc đáo, bưởi Diễn hữu cơ của HTX khi chín có màu vàng óng, tép bưởi căng mọng, vị ngọt thanh mà không he đắng, không khô đầu. Hơn nữa, bưởi để càng lâu thì độ ngọt càng đậm đà.

“Trồng được bưởi hữu cơ đã khó, làm sao để những trái bưởi đến gần hơn với người tiêu dùng lại càng khó hơn”, ông Diện nói, cho biết sau nhiều năm kinh doanh thực phẩm hữu cơ, ông Diện nhận thấy rõ có 2 vấn đề khiến người tiêu dùng bỏ qua loại nông sản chất lượng cao này. Thứ nhất, nhiều người chưa hiểu hết về thực phẩm hữu cơ, thành ra cứ đồ nào rẻ là mua. Thứ hai, có những người biết hữu cơ sạch, an toàn nhưng điều kiện kinh tế không cho phép nên họ không mua những loại hoa quả chất lượng có giá bán cao.

Để giải quyết vấn đề thứ nhất, ông Diện quyết định đầu tư tem mác truy xuất nguồn gốc cho trái bưởi Diễn của HTX, từ đó giúp người tiêu dùng hiểu được những ưu điểm của nông sản hữu cơ. Ông cùng các thành viên HTX còn tìm đến những điểm giới thiệu sản phẩm, các hội nghị xúc tiến thương mại để quảng bá, phổ cập đến người tiêu dùng những lợi ích của việc trồng và sử dụng bưởi hữu cơ nói riêng và nông sản hữu cơ nói chung.

Nhờ nhanh nhạy trong tiếp cận thị trường và cách làm thông minh nên ông Diện cũng như các thành viên HTX gần như không phải lo nghĩ về chuyện được mùa mất giá, trồng được bao nhiêu bưởi đều có thể bán hết.

Khát vọng đưa bưởi Diễn bay xa

Sau 6 năm hình thành và phát triển, HTX Nông nghiệp sạch Đức Hậu – Lưu Quang hiện có khoảng 7ha trồng bưởi Diễn với hơn 1.000 gốc. Trung bình mỗi gốc cho từ 60-100 quả/năm, với giá bán từ 30.000-40.000 đồng/quả, mỗi năm HTX thu về hơn 1 tỷ đồng. Riêng gia đình ông Diện sở hữu khoảng 500 gốc bưởi, cho thu nhập khoảng 400-700 triệu đồng/năm.

Không chỉ mang lại thu nhập cao, nhờ trung thành với phương pháp tác hữu cơ suốt nhiều năm, hiện nay, bưởi diễn của HTX Nông nghiệp sạch Đức hậu – Lưu quang đã có mặt trên hầu khắp chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản sạch trên địa bàn TP.Hà Nội và tại các tỉnh, thành như: Lào Cai, Thái Nguyên, Gia Lai…, đặc biệt, đã được xuất khẩu sang Nga.

Từ thành công với cách trồng bưởi hữu cơ, ông Diện tiếp tục đầu tư thêm hệ thống tưới nước điều khiển từ xa hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cho bưởi. Hệ thống này được trang bị công nghệ cảm biến hiện đại, khi độ ẩm trong đất thấp hơn 70% sẽ tự động tưới nước cho cây.

Đặc biệt, từ đầu tháng 8/2023, HTX đã triển khai đề tài khoa học cấp thành phố về phát triển giống bưởi đặc biệt. “Giống bưởi này vốn là bưởi đột biến phát sinh trong quá trình trồng bưởi hữu cơ của HTX, chỉ riêng tại vùng đất Trung Hòa mới có. So với giống bưởi Diễn gốc, bưởi này cho quả to hơn, vỏ sáng màu, căng mịn và vị ngọt hơn”-ông Diện cho biết. 



Nguồn: Dân Việt (link)