Ở Quảng Ngãi đang nuôi giống lợn có tên lạ là “Kiềng Sắt”, bán có đắt vẫn có người “đặt gạch” mua

Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai từ năm 2021.

Dự án nuôi giống lợn Kiềng Sắt thực hiện tại huyện Sơn Hà, huyện Ba Tơ và huyện Mộ Đức với số lượng 600 con lợn Kiềng Sắt và 18 hộ dân tham gia. 

Sau 3 năm thực hiện (2021 – 2013), tổng đàn nhân lên hơn 1.000 con, bao gồm cả lợn nái và lợn con, qua đó giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định.

Lợn Kiềng Sắt là giống lợn bản địa nên dễ nuôi, phù hợp điều kiện khí hậu vùng miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. 

Lợn Kiềng Sắt có thể nuôi nhốt chuồng hoặc bán chăn thả xung quanh vườn nhà. 

Thức ăn chủ yếu của lợn Kiềng Sắt là phụ phẩm nông nghiệp như dây khoai lang, khoai môn, các loại rau, cỏ rừng, thân cây chuối, cũng có thể nấu thêm bột cám gạo, bột ngô, xác bã sắn (mì) cho lợn ăn từ 1 – 2 bữa/ngày.

Lợn Kiềng Sắt thương phẩm được nuôi khoảng 5 – 7 tháng, khi lợn đạt trọng lượng 45 kg/con là xuất chuồng, giá lợn Kiềng Sắt được thương lái mua với giá khá ổn định từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. 

Trong khi lợn Kiềng Sắt con được nuôi khoảng 3 tháng là xuất bán với giá từ 800.000 – 900.000 đồng/con. 

Chính vì đặc tính dễ nuôi, giá cả ổn định của lợn Kiềng Sắt bản địa nên các hộ nông dân tham gia mô hình và các hộ dân quanh vùng đã học tập nhân rộng mô hình được trên 1.000 con lợn Kiềng Sắt.

 

Ở Quảng Ngãi đang nuôi giống lợn có tên lạ là "Kiềng Sắt", bán có đắt vẫn có người "đặt gạch" mua - Ảnh 1.

Lợn Kiềng Sắt là giống lợn bản địa của tỉnh Quảng Ngãi có đặc điểm dễ nuôi, chống chịu dịch bệnh tốt, giá bán ổn định từ 90.000 – 100.000 đồng/kg

Năm 2021, gia đình chị Đinh Thị Sinh ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) được lựa chọn tham gia mô hình nuôi lợn Kiềng Sắt bản địa thương phẩm. 

Từ 15 con lợn Kiềng Sắt giống bản địa được Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi hỗ trợ ban đầu, gia đình chị Sinh đã lựa chọn được 4 con lợn cái để làm giống. Đến nay, gia đình chị thường xuyên duy trì số lợn nái này, đồng thời chị Sinh đã tìm mua được 1 con lợn đực để phối giống.

Chị Sinh cho biết, 4 con lợn nái sinh sản rất tốt, đến nay đã sinh sản được 6 lứa, mỗi lứa một con lợn nái sinh được 8 – 10 con lợn con, những con nái lớn hơn đẻ được nhiều hơn. 

Chị Sinh nhẩm tính, tổng thu nhập từ đàn lợn Kiềng Sắt của gia đình chị khoảng gần 200 triệu đồng. 

“Những con lợn cái con sẽ được nuôi khoảng 3 tháng, khi lợn đạt trọng lượng khoảng 6 – 7 kg/con sẽ được bán cho người dân quanh vùng để thực hiện các nghi lễ cúng truyền thống với giá từ 800.000 – 900.000 đồng/con. 

Những con lợn đực được giữ lại để nuôi thương phẩm, khi lợn đạt trọng lượng từ 25 kg/con trở lên thì xuất bán nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. 

Lợn thương phẩm được bán với giá 100.000 đồng/kg. Hiện nay, số lượng lợn Kiềng Sắt rất ít nên nuôi được bao nhiêu được người dân và thương lái đến thu mua hết bấy nhiêu, lợn Kiềng Sắt rất dễ bán”. Chị Sinh cho biết thêm.

Ở Quảng Ngãi đang nuôi giống lợn có tên lạ là "Kiềng Sắt", bán có đắt vẫn có người "đặt gạch" mua - Ảnh 2.

Lợn Kiềng Sắt ở Quảng Ngãi con có giá bán từ 800.000 – 1.000.000 đồng/con

Gia đình anh Đinh Văn Lang ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi tham gia mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt năm 2022, với số lượng 30 con lợn do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi hỗ trợ. 

Gia đình anh Lang đã lựa chọn được 9 con lợn Kiềng Sắt (7 con lợn cái và 2 con lợn đực) đủ phẩm chất giống để giữ lại làm giống. 

Lứa sinh sản đầu tiên, con lợn nái đẻ ít nhất được 5 con, con đẻ nhiều nhất được 10 con. 

Anh Lang đã lựa chọn và giữ lại được 5 con lợn nái đẻ được 8 – 9 con mỗi lứa và 1 con lợn đực để phối giống…

Anh Lang cho biết, “một phần lợn con sinh ra được bán cho các hộ mua để làm giống, một phần bán cho các hộ dân mua vào các dịp cúng, lễ và Tết truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương với giá bán từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/con. Số lợn còn lại để nuôi thương phẩm vá bán với giá 100 nghìn đồng/kg”.

Chị Phạm Thị Sóc ở xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ cho biết, năm 2023, gia đình chị được Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi chọn thực hiện mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm với số lượng 35 con lợn giống. 

Gia đình chị Sóc đã bán 5 con lợn có tổng trọng lượng hơn 200 kg và được thương lái đến tận chuồng để thu mua với giá 100 nghìn đồng/kg, số lợn còn lại được gia đình chị Sóc giữ lại để tuyển chọn những con lợn tốt để làm giống. 

“Gia đình tôi đã lựa chọn được 5 con lợn cái và 1 con lợn đực để làm giống, hiện cả 5 con lợn này đều đang có chửa, dự kiến khoảng hơn hai tháng nữa sẽ đẻ, gia đình tôi tiếp tục lựa chọn thêm những con lợn cái và lợn đực để nhân giống”. Chị Sóc co biết thêm.

Giống lợn Kiềng Sắt bản địa ít dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, mua với giá cao hơn so với lợn thông thường. Vì vậy, việc nhân rộng và phát triển nuôi giống lợn bản địa đã giúp người dân ở Quảng Ngãi có nguồn thu nhập ổn định. 

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, do nhận thức, tập quán chăn nuôi cũng như kỹ năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của đàn lợn Kiềng Sắt.



Nguồn: Dân Việt (link)