CLIP: Ông Diều Văn Hưởng (xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) với mô hình kinh tế tổng hợp, trọng tâm là nuôi trâu vỗ béo, trồng trúc sào vừa được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023. Video: Chiến Hoàng
Nuôi trâu, trồng trúc sào thu nhập tốt trên vùng đất khó
Nhắc đến ông Diều Văn Hưởng (xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), không ai ở xã không biết đến ông. Bởi ông là người có tiếng trong vùng nhờ việc làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi, trồng rừng và kinh doanh dịch vụ xúc ủi.
Nhà ông Hưởng nằm ngay mặt quốc lộ 34. Chênh chếch cổng nhà là chuồng gia súc với những con trâu béo núc được chăm sóc kỹ lưỡng. Khi chúng tôi đến, ông Hưởng đang tất bật cắt cỏ cho đám trâu ăn.
Ông Hưởng cho biết, đàn trâu này gia đình nuôi chủ yếu phục vụ việc đồng áng là chính, vì giá trâu bò hiện nay đang rất bấp bênh. Nếu giá cả ổn định, việc nuôi trâu vỗ béo cũng sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
“Trung bình mỗi con trâu tại chuồng nhà đang mất giá khoảng 10 triệu đồng so với thời điểm giá trâu bò ổn định. Chính vì vậy mà tôi chỉ duy trì chứ không phát triển đàn trâu. Ở Bảo Lạc cũng có nhiều nhà bỏ trâu vì rớt giá. Trâu bò không qua biên được, mình nuôi chỉ 4-5 con thì không ảnh hưởng nhiều. Dù sao cũng có thể dùng được vào việc đồng áng, khi nào giá trâu bò lên thì xuất bán cũng chưa muộn” – ông Hưởng chia sẻ.
Giống như bao hộ dân khác ở xã Đình Phùng, gia đình ông Hưởng cũng có một rừng trúc sào 2ha quanh năm xanh mướt. Rừng trúc sào của gia đình ông Hưởng tuy không lớn nhưng cũng mang lại nguồn thu ổn định. Ông bảo, mỗi thứ một ít, dồn lại sẽ thành nhiều.
Có đến xã Đình Phùng mới thấy được cái khó, cái nghèo luôn bám víu lấy những người nông dân vốn quanh năm đầu tắt mặt tối. Dù thức hôm, dậy sớm lao động cật lực nhưng cái đói, cái nghèo vẫn theo sát không buông.
“Xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng là xã vùng ba, thuộc diện xã đặc biệt khó khăn với 3 dân tộc cùng sinh sống gồm: Tày, Nùng, Dao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 60,2%; tỉ lệ tiếp cận điện lưới Quốc gia mới chỉ đạt 35%…
Chính bởi đó mà việc phát triển kinh tế – xã hội, tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân của xã Đình Phùng còn rất hạn chế”, ông Quan Văn Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng chia sẻ.
Nhìn những thân trúc sào chắc chắn, vươn mình hướng phía mặt trời mà tới, chúng tôi không khỏi liên tưởng đến những người nông dân ở xã Đình Phùng, xã vùng 3, đặc biệt khó khăn đang từng khắc, từng giờ kiên cường vượt lên cái đói, cái nghèo để làm giàu trên chính mảnh đất vốn không nhiều tiềm năng, thế mạnh như ở Bản Mioỏng này.
Theo ông Hưởng, người dân ở thôn Bản Mioỏng nói riêng và ở xã Đình Phùng nói chung còn rất khó khăn. Đất canh tác không nhiều, việc khai thác cây trúc sào cũng hạn chế do đóng cửa rừng, không thể khai thác quy mô mà chỉ chặt tỉa là chủ yếu.
Mỗi một hecta cây trúc sào hằng năm chỉ cho thu hoạch được từ 2 – 3 xe ô tô, trung bình mỗi xe cũng chỉ có thể mang lại cho các gia đình ở đây khoảng 8 triệu đồng, tùy thuộc vào chất lượng cây trúc.
Nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hưởng hiện nay là từ dịch vụ xúc ủi. Ông kể, năm 2005, nhận thấy nhu cầu xúc ủi ở địa phương khá cao nên ông quyết định vay mượn, dồn tiền đầu tư máy xúc để phục vụ người dân cũng như tham gia các công trình giao thông nông thôn.
Khi chúng tôi đến, 3 chiếc máy xúc của gia đình ông đều đang được cho thuê, không có ở nhà.
Ông Hưởng chia sẻ, ông đầu tư 3 chiếc máy xúc, số tiền đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Công việc cũng khá ổn định, hằng năm nếu nhiều việc, mỗi chiếc máy xúc cũng mang lại lợi nhuận từ 500 – 700 triệu đồng. Công việc chủ yếu là múc nền nhà, ao cá, đường sá phục vụ người dân. Trước đó cùng với máy xúc, gia đình cũng đầu tư thêm ô tô để chở đất, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao, xe cũ thường xuyên phải đăng kiểm lại nên sau tôi bỏ xe, chỉ làm dịch vụ xúc ủi.
“Hiện công việc cũng không còn nhiều như trước, chỉ những chiếc máy xúc bánh lốp mới nhiều việc, máy xúc xích sắt đã ít việc hơn nên thu nhập cũng giảm đáng kể”- ông Hưởng cho biết thêm.
Trái ngọt kết tinh từ những giọt mồ hôi
Từ mô hình kinh tế tổng hợp, chăn nuôi, trồng cây trúc sào và kinh doanh dịch vụ xúc ủi, hằng năm gia đình ông Diều Văn Hưởng cho thu từ 1,1 – 1,5 tỷ đồng. Mức thu nhập này đối với người dân ở một xã đặc biệt khó khăn, có đến 60,2% hộ nghèo như xã Đình Phùng quả là con số mơ ước của rất nhiều hộ gia đình.
Trong ngôi nhà gỗ khang trang của ông Hưởng, Bằng khen, giấy khen được treo kín cả một vách tường. Ông bảo, những lúc khó khăn, bế tắc, nhìn những tấm Bằng khen, giấy khen, Huân chương lao động… trên tường lại giúp ông có thêm nghị lực để vượt qua.
“Công việc làm ăn không phải lúc nào cũng thuận lợi. Sự ghi nhận của các cấp chính quyền, các Sở, ngành và của Trung ương không chỉ là nguồn động viên mà còn giúp tôi thấy được cả trách nhiệm của mình trong đó. Biết tin có tên trong danh sách 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, bản thân tôi vừa mừng vừa lo. Tôi cảm thấy mình làm như thế vẫn chưa được. Để xứng đáng với danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, chắc chắn tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa” – ông Hương chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nông Thị Nhất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đình Phùng cho biết, ông Diều Văn Hưởng là một gương tiêu biểu điển hình, xuất sắc trong phát triển kinh tế tại địa phương.
“Hội Nông dân xã Đình Phùng rất vinh dự có một hội viên nông dân được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 là ông Diều Văn Hưởng. Trong công tác Hội, chúng tôi đã thường xuyên phối hợp tuyên truyền đến hội viên nông dân toàn xã, học hỏi và tham quan mô hình kinh tế của hội viên Hưởng” – bà Nhất chia sẻ.
Cũng theo bà Nhất, xã Đình Phùng có khá nhiều mô hình phát triển kinh tế được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên trên địa bàn xã còn rất nhiều khó khăn như đường đi lại, đặc biệt là hơn 60% số hộ của xã chưa có điện lưới Quốc gia, tỷ lệ sử dụng điện lưới hiện mới chỉ đạt 35%… Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế của các hội viên nông dân của xã.
Dù cơ sở hạ tầng của xã Đình Phùng còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực thoát nghèo cũng như nhờ các chính sách hỗ trợ vay vốn từ chính sách ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng NNPTNT, Quỹ Hỗ trợ nông dân… nhờ đó mà hội viên nông dân của xã Đình Phùng đã có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Năm 2015 ông Diều Văn Hưởng (SN 1976, dân tộc Tày, trú tại thôn Bản Mioỏng, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) vinh dự được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định từ 3 năm trở lên, giúp đỡ nhiều hộ nông dân khác xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2023, ông Hưởng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tặng Bằng khen Điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua giai đoạn 2019 – 2023.
Ông Diều Văn Hưởng còn là một trong hai hội viên, nông dân của tỉnh Cao Bằng vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Nguồn: Dân Việt (link)