Chàng thanh niên trẻ Lý Láo Tả, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá nước lạnh, trong đó anh nuôi 2 loài cá là cá tầm, cá hồi.
Chọn nuôi cá nước lạnh để lập nghiệp
Chúng tôi gặp chàng thanh niên trẻ Lý Láo Tả trong lúc anh và gia đình đang bận rộn công việc chăm sóc đàn cá và xây dựng thêm bể để nhân rộng mô hình nuôi cá nước lạnh.
Anh Lý Láo Tả, thôn Trung Chải, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát kể: Năm 2017, sau khi tôi tốt nghiệp THPT, khác với bạn bè cùng trang lứa cầm trên tay hồ sơ nộp vào các trường Đại học để học ngành mình yêu thích. Anh lựa chọn đi học nghề cắt tóc để về quê hương mở quán cắt tóc cho đồng bào vùng cao.
Sau khi về quê anh đã mở quán cắt tóc tại quê nhà nhưng sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, quán đóng cửa, nên thu nhập từ nghề cắt tóc gặp không ít khó khăn. “Năm 2020, khai thác tiềm năng về suối Dền Sáng, khí hậu mát mẻ, tôi đã quyết tâm chuyển sang nghề nuôi cá nước lạnh, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình…”, anh Tả nhớ lại.
Để có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó, có nghề nuôi cá, anh Tả đã mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát.
Từ số vốn này, anh Tả đầu tư xây 3 bể nuôi cá, với tổng diện tích hơn 200 m2 và mua 3.000 con cá tầm, cá hồi về nuôi.
Theo anh Tả, thời gian đầu mới nuôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng vừa nuôi, anh vừa phải học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ dân trên địa bàn xã, ngoài huyện đã nuôi trước.
Đồng thời, anh tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc nuôi cá nước lạnh do Hội Nông dân huyện và các phòng ban, chuyên môn của huyện tổ chức nên cá phát triển tốt. Sau hơn 1 năm nuôi, anh đã xuất bán được khoảng 4 tấn cá tầm, cá hồi, sau khi trừ chi phí lãi 560 triệu đồng.
Khi có vốn ban đầu anh Tả tiếp tục đầu tư xây bể để nhân rộng số lượng đàn cá, nhờ vậy, đến nay, anh Tả đã có 11 bể cá, với diện tích hơn 1.000 m2 nuôi khoảng 20.000 con cá tầm, cá hồi.
Từ đầu năm 2023 đến nay, anh Tả đã xuất bán trên 3 tấn cá hồi, cá tầm, giá cao hơn so với các năm trước (từ 200 – 250 nghìn đồng/kg) thu về trên 600 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhận thấy bà con trong xã phải đi mua cá giống ở các địa phương khác về nuôi do đường xa tốn kém chi phí vận chuyển, tỷ lệ sống đạt thấp. Năm 2022, anh Tả đã cấp công đi học tập kinh nghiệm kỹ thuật thực hiện làm giống cá tầm.
Lứa cá đầu anh thử nghiệm khoảng 30.000 cá bột về ương trong 11 bể cop bizep thành cá tầm giống, tỷ lệ thành công chỉ đạt 40 – 50%. Nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ ương đã đạt 70%. Nhờ vậy, đến nay, anh Tả đã cung cấp 80.000 con cá giống cá ra thị trường, với giá bán từ 10 – 13 nghìn đồng/con, thu về từ 300 – 500 triệu đồng.
Chia sẻ về quá trình chăm sóc cá nước lạnh, anh Tả cho rằng việc nuôi cá tầm, cá hồi có rất nhiều rủi ro, nhất là dịch bệnh và điều kiện của thời tiết. Do đó, bể nuôi cá phải được vệ sinh sạch sẽ, nước sạch, có nước ra vào thường xuyên.
Bên cạnh đó, phải theo dõi chu kỳ phát triển của cá để biết được các bệnh cá thường gặp, có giải pháp chữa trị kịp thời. Vào mùa hè, thường xảy ra nắng nóng kéo dài phải có biện pháp che phủ bạt quanh bể cá để tạo bóng mát cho cá phát triển.
Ứng dụng công nghệ số để nuôi cá nước lạnh
Ngoài ra, để quảng bá thương hiệu cá nước lạnh của gia đình đến người tiêu dùng, anh Tả thường xuyên chụp ảnh cá để đăng lên mạng hội zalo, Facebook đặc biệt là các nhóm chợ cá trên mạng xã hội. Nhờ cách làm này, nhiều thương lái trong và ngoài huyện đã đặt hàng thu mua.
Đồng thời, anh Tả còn mua thêm ô tô tải để vận chuyển cá giống, cá thịt cho khách có nhu cầu…
Nói về định hướng trong thời gian tới, anh Tả cho biết sẽ thành lập HTX để liên kết người dân trong thôn và trong xã chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi cá và tìm đầu ra ổn định cho cá. Tiến tới xây dựng hệ thống tuần hoàn nuôi cá nước lạnh, bởi khí hậu ngày càng nóng trong khi lượng nước sử dụng nuôi cá đang ngày càng hạn hẹp đi.
Đây sẽ là mô hình tiết kiệm nước, trong quá trình nuôi, nước sạch được xử lý sạch và được tái sử dụng lại mà không cần phải thải ra ngoài môi trường…
Bằng những nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, anh Lý Láo Tả đã tham gia mô hình nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều mừng là mô hình của anh Tả đã vinh dự được lựa chọn là 1 trong 3 dự án của thanh niên dân tộc thiểu số Lào Cai lọt vào vòng bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 do Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức.
Cuộc thi diễn ra từ tháng 3/2023 đến tháng 10/2023 có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước với 446 dự án của thanh niên.
Nguồn: Dân Việt (link)