Phóng viên Báo điện tử Dân Việt theo chân ông Nguyễn Văn Thành – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Rô Men đến được trang trại nuôi cá tầm lớn nhất huyện Đam Rông của anh Huỳnh Ngọc Thu.
Anh Thu được cho là người tiên phong nuôi cá tầm tại địa phương và cũng là hộ nuôi cá nước lạnh có sản lượng, doanh thu cao nhất từ cá tầm.
Ông Nguyễn Văn Thành (bìa trái) đưa phóng viên Báo điện tử Dân Việt đến thăm trang trại nuôi cá tầm quy mô nhất huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng của hộ anh Huỳnh Ngọc Thu, xã Rô Men.
Ông Nguyễn Văn Thành nhận định: “Hiện nay, với hàng trăm tấn cá tầm xuất ra thị trường mỗi năm, anh Thu đang là hộ nuôi có sản lượng cá lớn nhất tại địa phương. Tại xã Rô Men hiện nay có 45 hộ dân nuôi cá tầm và 2 hợp tác xã, trong đó có 1 hợp tác xã của anh Thu. Chúng tôi kỳ vọng đây là mô hình phát triển kinh tế bền vững cho người dân tại địa phương trong thời gian tới”.
Đón phóng viên khi tay vẫn đang xách chiếc thùng cho cá ăn, ông chủ trang trại cá tầm Huỳnh Ngọc Thu phấn khởi cho hay, 80 bể nuôi cá nên người làm phải liên tục các công việc, từ dọn vệ sinh bể cá, cho cá ăn, làm cám cho cá…
Với diện tích khoảng 800m2 mặt nước nuôi cá nước lạnh, hiện anh phải tự sản xuất cám để đảm bảo thức ăn cho cá tầm, không phải phụ thuộc vào thị trường thức ăn chăn nuôi bên ngoài.
“Bắt đầu tìm hiểu về cá tầm từ năm 2012, tôi đã lặn lội từ TP Vũng Tàu lên huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu nguồn nước, địa điểm nuôi cá.
Sau đó tôi lại học cách làm của người Nga về nuôi cá tầm, sau đó khoảng 3 năm thì mới chính thức quyết định đến tìm mua đất ngay tại suối Nước Mát tại xã Rô Men để xây dựng trang trại nuôi cá tầm…”, anh Thu nhớ lại.
Cho đến nay, anh Thu đã có 80 bể nuôi cá tầm ổn định được làm bằng bê tông, cốt thép, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 500-600 tấn cá.
Thị trường tiêu thụ cá tầm chủ yếu của gia đình là tại TP.Hồ Chí Minh. “Vì mình đã có thương hiệu, đầu ra ổn định có hợp đồng nên cá làm ra bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu, không lo đầu ra”, anh Thu nhận định.
Anh Huỳnh Ngọc Thu cũng cho biết, anh cũng đang là giám đốc của Hợp tác xã cá tầm Huỳnh Ngọc Thu với 6 thành viên.
Các thành viên hợp tác xã nuôi cá tầm tại huyện Đam Rông và TP Đà Lạt mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng ngàn tấn cá, với tổng diện tích mặt nước nuôi khoảng 5.000m2.
CLIP: Mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Huỳnh Ngọc Thu, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Theo anh Thu, để cá tầm phát triển tốt nhất, ngoài thức ăn và cách chăm sóc của mỗi trang trại thì nhiệt độ nước, oxi trong nước và độ pH phải phù hợp.
Cũng theo anh Thu, nhiệt độ nước tốt nhất là khoảng 22-25 độ C, chính vì vậy, nhiệt độ và oxy trong nước phải ổn định quanh năm thì cá tầm sẽ phát triển tốt nhất.
Tại trang trại nuôi cá nước lạnh của anh Thu, phóng viên Báo điện tử Dân Việt được chủ nhân dẫn đi theo các đường ống phi 220 dẫn nước từ hồ lắng trước khi đưa về các bể nuôi cá.
Chủ trang trại này cũng cho biết, để đảm bảo an toàn khi nuôi cá thì phải kiểm soát được nguồn nước trước khi đưa về bể nuôi cá, đặc biệt vào mùa mưa.
“Vào mùa mưa, khi các nhà vườn quanh dòng nước bón phân, nguồn nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nếu không kiểm soát được trước khi đưa về bể nuôi cá sẽ khiến cá tầm chết. Vì vậy, mỗi hộ nuôi phải đảm bảo kiểm soát được nguồn nước của mình trước khi đưa xuống bể nuôi, tránh bị thiệt hại khi nuôi cá”, anh Thu chia sẻ.
Chủ nhân trang trại cá nước lạnh lớn nhất huyện Đam Rông cũng tiết lộ, hiện nay con số anh đã đầu tư vào trang trại khoảng trên 40 tỷ đồng. Trong đó có đàn cá tầm bố mẹ có trọng lượng lớn, nhiều con cá tầm cân nặng đã lên đến 40-50kg.
Tuy nhiên, đàn cá bố mẹ này hiện đang chăm sóc để lấy trứng, anh vẫn đang phải nhập giống từ Nga về Việt Nam để nuôi.
Đàn cá tầm sẽ được các công nhân cho ăn 4 cữ sáng, trưa, chiều, tối mỗi ngày. Cám cho cá ăn được các công nhân trong trang trại của anh Thu trực tiếp sản xuất theo công thức riêng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá.
Trung bình, mỗi con cá tầm giống khi nhập về hết chi phí 15.000 đồng, nuôi trong vòng 15 tháng sẽ xuất bán được với trọng lượng trên dưới 2kg với giá 220 ngàn đồng/kg. Hiện nay, với kinh nghiệm và hạ tầng ổn định, hàng năm anh Thu có lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng nhờ nuôi cá tầm.
Ông Nguyễn Văn Thành cho hay, mô hình nuôi cá tầm tại xã Rô Men đang rất phát triển và trở thành hướng đi mới tại địa phương.
Toàn xã Rô Men đang có khoảng 45 hộ dân nuôi cá tầm. Hiện nay, huyện Đam Rông cũng đã quy hoạch 28ha đất nuôi cá tầm tại xã Rô Men.
“Hiện nay, chúng tôi ngoài việc tạo điều kiện về thủ tục thì vẫn khuyến cáo người dân phải nuôi cá theo quy hoạch. Người dân phải tính toán được thời vụ, mùa mưa, mùa nắng để đảm bảo nguồn nước khi nuôi cá.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật, thị trường, sản phẩm khi nuôi cá tầm để người dân nâng cao kỹ thuật, năng suất khi nuôi cá tầm”, Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết.
Nguồn: Dân Việt (link)