Theo học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ngay từ những năm tháng sinh viên, chị Liêu Thị Kim Phượng (sinh năm 1986, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã có niềm say mê với sản xuất nông nghiệp. Sau khi ra trường, song song với việc đi làm, chị vẫn ấp ủ giấc mơ với hoa lan.
Từ tay trắng đến hợp tác xã hoa lan 11 thành viên
Năm 2018, nhận ra tiềm năng của giống hoa lan Dendro ở Việt Nam là rất lớn, chị Kim Phượng mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình lai tạo giống hoa này. Chị thuê 200m2 đất tại phường Phước Bình, TP.Thủ Đức để đầu tư trồng thí nghiệm.
Lúc đầu chị gặp phải không ít phản đối từ phía gia đình, bạn bè cũng như thầy cô, nhưng chị vẫn rất cương quyết. Để có thêm kiến thức, năm 2019 chị Phượng lên đường sang Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm.
“Tôi chọn phương pháp thụ phấn, gieo hạt. Mất gần một năm hoàn thành các đơn đặt hàng nhân giống hoa lan giả hạc cho nhà vườn mà tôi đã nhận. Cùng lúc tôi đi sưu tầm và nghiên cứu lai tạo các giống lan Dendrobium. Sau nhiều lần lai tạo thất bại, tôi cũng đã tìm ra được phương pháp lai các mặt bông làm mẹ, mặt bông làm bố”, chị Phượng cho hay.
Nhờ sự tìm tòi, học hỏi cũng như quyết tâm lai tạo giống lan Dendro, chị Phượng đã góp phần mở ra cánh cửa mới cho thị trường hoa lan Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã lai tạo được hơn 200 mặt bông, đặc biệt là các dòng Dendro nắng, Dendro màu, Dendro chớp…
Sau khi làm thành công vườn cho bản thân, cuối năm 2020, dưới sự tư vấn của lãnh đạo Hội Nông dân quận 9 (cũ), chị quyết định mở hợp tác xã để chia sẻ mô hình trồng lan dendro đến nhiều người hơn.
Hợp tác xã Vườn Lan Việt do chị Liêu Thị Kim Phượng thành lập vào cuối năm 2020 với 11 thành viên. Ngoài khu vực TP HCM, thành viên hợp tác xã Vườn Lan Việt còn phân bố ở các tỉnh miền Tây như: An Giang, Đồng Tháp.
Mục đích khi mở hợp tác xã Vườn Lan Việt là nhằm phát triển ngành dendro mạnh hơn, lớn hơn. Đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, giảm lượng giống nhập khẩu từ Thái Lan như trước đây. Đồng thời đem lại thu nhập cho bà con nông dân, thành viên hợp tác xã.
Tự hào là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023
Nhận tin mình được công nhận là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, chị Phượng không khỏi vui mừng và tự hào.
“Đây là một vinh dự rất lớn đối với bản thân tôi và cũng là sự ghi nhận xứng đáng, cho những nỗ lực của tôi cùng tập thế các thành viên hợp tác xã trong suốt thời gian qua”, chị Phượng chia sẻ.
Kể về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Phượng xúc động: “Những năm đầu khởi nghiệp, gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn vốn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm, liên tục đối mặt với những thất bại trong các nghiên cứu và sản xuất. Nhưng với lòng quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi đã vượt qua tất cả để đưa hợp tác xã ngày càng phát triển”.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, chị Phượng và hợp tác xã của chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chị thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trồng lan cho bà con nông dân.
Trong năm qua, dù là một hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu của TP.HCM, nhưng chị Phượng cũng phải đối mặt với khó khăn như: giá nguyên vật liệu đầu vào tăng; thời tiết diễn biến thất thường; thị trường tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19…
“Để đối mặt với những khó khăn, hợp tác xã đã chủ động liên hệ với các nhà cung cấp để tìm nguồn nguyên vật liệu phân bón có giá cả hợp lý. Đồng thời, hợp tác xã cũng xây dựng tự động hóa hệ thống tưới tiêu, phun thuốc. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí sản xuất, để giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm”, chị Phượng nói.
Thời gian tới, chị Phượng cho biết sẽ chú trọng đến việc nghiên cứu các giống lan mới. Trong đó, ngành hoa lan Dendrobium vẫn được chị ưu tiên hàng đầu, vì có giá trị kinh tế cao.
“Hiện tại tôi thực hiện lai tạo bằng phương pháp lai hữu tính, thụ phấn tạo trái, nhân giống bằng phương pháp gieo hạt trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, không phải cây hoa lan nào mình cũng thực hiện lai tạo bằng phương pháp hữu tính được.
Vì vậy tôi rất mong muốn, được hỗ trợ để có điều kiện được tiếp cận các máy móc, thiết bị hiện đại, để thực hiện nghiên cứu các phương pháp lai mới, đặc biệt là các phương pháp lai ở cấp độ tế bào”, chị Phượng bày tỏ.
Bên cạnh đó, chị Phượng sẽ tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện nay của hợp tác xã; kêu gọi đầu tư vào ngành hoa lan Dendrobium; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm…
CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đến từ TP HCM là chị Liêu Thị Kim Phượng, TP Thủ Đức (TP HCM) có niềm đam mê mãnh liệt với hoa lan. Video: Quang Sung
Hợp tác xã trồng hoa lan là mô hình phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao của TP HCM trong thời gian tới.
Nguồn: Dân Việt (link)