Với nhịp sống hiện đại như ngày nay thì ngày càng nhiều cặp vợ chồng tan vỡ vì không còn tìm được tiếng nói chung. Để đi đến được hôn nhân là một điều dễ dàng nhưng việc duy trì xây dựng hạnh phúc gia đình mới thật sự là một chặng đường dài mà mỗi cặp vợ chồng đều cùng phải chung tay góp sức. Vậy vai trò của người chồng trong hành trình giữ lửa cho tổ ấm gia đình mình là gì?
Theo một số nghiên cứu, hạnh phúc gia đình được xây dựng dựa trên 3 nền tảng cơ bản: phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành và tạo dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng. Trong 3 yếu tố này, vai trò của người đàn ông cực kỳ quan trọng. Mặc dù hiện nay người phụ nữ đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế của gia đình, nhưng người đàn ông vẫn còn là trụ cột kinh tế, bởi họ có thế mạnh về sức khỏe, được giải phóng về thời gian… nên triết lý “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa trong xã hội hiện đại.
Bên cạnh đó, người đàn ông cũng luôn có ảnh hưởng lớn đến việc nuôi dạy con cái. Ông bà ta có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, nhưng thực chất nhiều nghiên cứu cho thấy: hầu hết con cái đều gắn với cha nhiều hơn mẹ và chúng thường coi cha là hình mẫu để noi theo. Riêng đối với yếu tố xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng thì người đàn ông luôn là đầu mối gắn kết gia đình nhỏ của mình với dòng tộc, các tổ chức đoàn thể, xã hội, tổ chức nghề nghiệp…
Ngoài 3 yếu tố ấy, trong xã hội hiện đại, người đàn ông còn giữ một số vai trò mới như: có chức năng tư vấn, làm chỗ dựa tinh thần cho các thành viên trong gia đình (vì họ được xem là phái mạnh)… Đặc biệt, như đã nói trên đây, người chồng còn phải cùng vợ lo việc “đối nội”, đối ngoại…
Thật ra, với vai trò đó của người đàn ông thì người phụ nữ càng khẳng định mình hơn. Bởi lẽ, khi người chồng chia sẻ công việc với người vợ thì người vợ sẽ phải cố gắng lao động, sáng tạo nhiều hơn. Nếu như ngày trước hai người sống chung một mái nhà lại theo đuổi hai mục tiêu khác nhau, thì ngày nay họ đã cùng hướng về một mục tiêu, nên vai trò của cả hai không những không mờ nhạt mà càng được tô đậm thêm, và kết quả cuối cùng là có một gia đình hạnh phúc.
Dù người phụ nữ đóng vai trò chính nhưng để duy trì ngọn lửa hạnh phúc gia đình, người chồng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Sống đạo đức và trách nhiệm là những gì mà người chồng nên làm đồi với gia đình mình.
Dù thời nào, người đàn ông vẫn là trụ cột gia đình, là nơi để vợ con dựa vào “con không cha như nhà không nóc”.
Người đàn ông vẫn giữ trách nhiệm chính trong việc làm kinh tế, đảm bảo cuộc sống vật chất của gia đình.
Chia sẻ với những người phụ nữ việc nhà, nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, người đàn ông trong gia đình còn có trách nhiệm giáo dục, nuôi dạy con cháu. Dạy con cháu những điều hay lẽ phải, những kiến thức, kỹ năng sống. Bản thân họ cũng là tấm gương cho con cháu trong nhà noi theo. Xã hội càng phát triển hiện đại thì vai trò của người ông, người cha, người anh càng quan trọng hơn. Nghiên cứu khoa học chứng minh là cha càng chơi nhiều với con thì con sẽ càng thông minh, tự tin và mạnh mẽ hơn. Đây có lẽ là điểm khác biệt tiến bộ nhất so với thời trước khi mà trách nhiệm nuôi dạy con hoàn toàn thuộc về người phụ nữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Những người đàn ông lớn tuổi còn có vai trò là “người phán xử”, hòa giải những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc và cả hàng xóm láng giềng. Họ chính là nhân tố quan trọng để tăng cường các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình.
Nam giới còn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, dân số kế hoạch hóa gia đình…
Nam giới còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, chia sẻ với vợ con những tâm tư tình cảm, những nỗi lo toan phiền muộn của cuộc sống; cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Để xây dựng hạnh phúc gia đình, trách nhiệm của người chồng cũng cần được thể hiện và gắn với những việc làm cụ thể sau:
– Thứ nhất là trách nhiệm trong nuôi dạy con cái. Là một người cha, bạn nên sống tốt, cố gắng trao dồi kinh nghiệm bản thân để là tấm gương cho con cái noi theo. Hãy từ bỏ thói quen xấu của mình như chửi thề, hút thuốc lá, uống rượu, nếu như bạn không muốn con mình cũng bắt chước theo.
– Thứ hai là trách nhiệm đối với công việc nhà. Người đàn ông cũng phải nấu cơm, rửa bát, lau nhà… khi vợ bận việc. Tuy nhiên, người đàn ông không nên đi quá sâu vào việc bếp núc, nên biết giới hạn của mình trong việc nội trợ, đừng đếm củ dưa hành, đo lọ nước mắm. Cũng như thế, việc cho con tiền, mua sắm đồ đạc quần áo sách vở cho con nên được giao cho người mẹ. Người bố chỉ nên mua sắm cho con trong những dịp đặc biệt và những món đồ đặc biệt.
– Thứ ba là trách nhiệm với bên ngoại, sống tốt với bố mẹ và anh chị em nhà vợ.
– Thứ tư là trách nhiệm học hành, nâng cao tri thức, nâng cao kiến thức chuyên môn.
Về tài chính, người chồng nên công khai trong chi tiêu, và tốt nhất nên để vợ quản lý tiền.
Trong chuyện “tình cảm” vợ chồng, điều quan trọng nhất là người đàn ông phải biết tôn trọng vợ./.
Nguồn: Xem nguồn tại đây