Thời điểm này các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn rừng tại địa bàn xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đang tích cực chăm sóc cho đàn lợn để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Những năm vừa qua, nghề nuôi lợn rừng được phát triển mạnh ở xã Quỳnh Thắng mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.
Tại gia trại chăn nuôi lợn rừng của anh Lê Văn Phương (SN 1979, trú tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu).
Trên diện tích 1ha, anh Phương quy hoạch thành nhiều điểm chăn nuôi. Mỗi điểm anh Phương sẽ được xây chuồng riêng biệt, xung quanh là hệ thống tường bao. Tùy vào độ tuổi của đàn lợn rừng, anh Phương sẽ bố trí tách biệt để dễ dàng chăm sóc.
Anh Phương cũng là người tiên phong đưa con lợn rừng về nuôi trên vùng đất đồi ở xã Quỳnh Thắng.
Anh Phương chia sẻ, lợn rừng có chất lượng thịt rất cao. Thịt lợn rừng thơm ngon, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Giá bán cũng cao hơn lợn nhà rất nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn cũng có nhu cầu rất cao về thịt lợn rừng. Trong khi tại địa phương lại có diện tích lớn, nguồn thức ăn dồi dào. Vì thế, anh Phương quyết định đưa loài đặc sản này về nuôi.
Nghĩ là làm, anh Phương bắt đầu tìm tìm đến các trang trại chăn nuôi lợn rừng ở các tỉnh Hòa Bình, Tây Ninh để học hỏi kinh nghiệm.
Sau khi đã tích lũy đủ vốn kiến thức, anh Phương về nhà xây dựng trại để nuôi lợn rừng. Với tổng số vốn đầu tư ban đầu gần 300 triệu đồng. Từ những năm 2008 đó là cả một gia tài lớn.
Sau khi đã xây dựng hệ thống chuồng trại, anh phương nhập 27 con lợn rừng giống Thái Lan về nuôi. Thời gian đầu tiên, đàn lợn rừng thường mắc các loại bệnh như viêm phổi, thương hàn. Đàn lợn ốm yếu, chết dần khiến anh Phương suy sụp.
Vừa làm vừa học, anh Phương dần tìm ra cách để trị bệnh cho đàn lợn rừng. Bên cạnh đó, anh Phương cũng tìm giống lợn rừng thuần chủng ở Nghệ An rồi cho lai tạo với giống lợn rừng Thái Lan. Từ đó, con giống khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt hơn.
Thịt lợn rừng thơm ngon, an toàn, khách đặt hàng tới tấp
Sau nhiều năm kiên trì, nỗ lực, đàn lợn rừng của anh Phương sinh trưởng ổn định. Con giống cũng đảm bảo.
Chất lượng thịt lợn rừng được đánh giá rất cao. Theo anh Phương, ngoài con giống thì quy trình nuôi lợn rừng cũng phải được đảm bảo. Đàn lợn rừng cần có không gian để hoạt động, bên cạnh đó nguồn thức ăn cũng cần được chú trọng.
Anh Phương cũng đặt ra một chế độ ăn đặc biệt, đảm bảo chất lượng thịt của lợn rừng ở mức tốt nhất.
Tuy nhiên đây là một bí quyết riêng mà anh Phương không tiện chia sẻ. Đó cũng là phương pháp đặc biệt, để thịt lợn rừng của trang trại tạo ra sự khác biệt đối với những nơi khác.
Hiện tại, thương hiệu thịt lợn rừng của anh Phương được nhiều người biết đến, nhiều người tìm đến đặt mua hàng. Thấy mô hình trang trại của anh Phương hoạt động tốt, đưa lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân trong xóm, trong xã tìm đến mua con giống về nuôi.
Hiện giờ trong trang trại của anh có trên 250 con lợn rừng, trong đó khoảng 150 con đến thời kỳ xuất thịt (trọng lượng từ 30 đến 60 kg/con). Anh Phương đang bán lợn rừng ngay tại trang trại với giá thấp nhất là 140.000 đồng/kg.
Mặc dù còn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng khách hàng khắp nơi đã gọi điện đặt khoảng 1,5 tấn thịt lợn rừng. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm nay gia đình tăng tổng đàn nuôi nên sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội đầu Xuân Giáp Thìn.
Bên cạnh đó, anh Phương cũng nhận bao tiêu sản phẩm cho những gia đình đã mua con giống của trang trại về để nuôi. Những hộ dân này đều phải áp dụng quy trình chăn nuôi, nguồn thức ăn theo đúng công thức của trang trại.
Cách đó không xa, trang trại chăn nuôi lợn rừng của ông Hồ Khắc Hiệp với quy mô 100 con cũng đang được đầu tư chăm sóc cẩn thận để kịp bán vào dịp Tết. Để chất lượng thịt thơm ngon, gia đình ông Hiệp nuôi lợn rừng đủ 12 tháng mới xuất bán. Nguồn thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên như thân cây mía, cây ngô, củ sắn, khoai lang và bổ sung thêm bã bia và ít muối khoáng.
Theo thống kê từ ngành chăn nuôi huyện Quỳnh Lưu, tổng đàn lợn rừng trên địa bàn huyện hiện có khoảng hơn 1.000 con. Việc phát triển đàn lợn rừng chất lượng cao giúp cho người dân chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập lớn.
Nguồn: Dân Việt (link)